Chưa khắc phục xong AAG, đến lượt cáp quang biển IA bị đứt
Một nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam cho phóng viên VietnamPlus biết, vào hôm nay, tuyến cáp quang biển Liên Á (IA) đã gặp sự cố đứt cáp theo hướng kết nối đi Hồng Kông. Thời gian khắc phục sự cố của IA chưa được xác định.
- 09-01-2017Cáp quang AAG lại gặp sự cố, internet Việt Nam bị ảnh hưởng
- 15-09-2016Cáp quang biển AAG đang bảo trì, Internet đi quốc tế bị chậm
- 23-08-2016Đã hàn xong cáp quang AAG, internet hồi phục
Như vậy, chỉ trong vài ngày, hai tuyến cáp quang biển kết nối Internet Việt Nam đi Quốc tế là AAG và IA đều “có vấn đề” khiến truy cập của người dùng bị ảnh hưởng.
IA được và đưa vào hoạt động từ ngày 6/11/2009, có tốc độ theo thiết kế ban đầu là 3,84 Tbps. Tuyến cáp này kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hong Kong, Nhật Bản.
Với việc thường xuyên xảy ra sự cố đứt cáp trong vài năm gần đây (đặc biệt là tuyến AAG, các nhà cung cấp dịch vụ Internet đã tìm nhiều cách để tránh phụ thuộc vào một đường cáp quang biển, phục vụ người dùng. Mới đây, tuyến APG đã được đưa vào vận hành.
Đại diện của Viettel nói với phóng viên VietnamPlus rằng khi sự cố xảy ra, đơn vị này đã bổ sung dung lượng kết nối quốc tế sang cáp APG để đảm bảo dịch vụ cho khách hàng.
Bên cạnh các tuyến cáp quang biển và đất liền, Viettel đã lắp đặt thành công trạm cập bờ tuyến cáp AAE-1 tại Vũng Tàu vào tháng 5/2016 và dự kiến tuyến cáp này sẽ đi vào hoạt động trong quý 1 tới.
Với tổng chiều dài 23.000km, có trạm cập bờ trên khắp thế giới như Hong Kong, Singapore, Pháp,... tuyến cáp AAE-1 được đầu tư tới 820 triệu USD bởi 20 đối tác tại 18 quốc gia. Tại Việt Nam, với việc đầu tư 50 triệu USD, Viettel là doanh nghiệp duy nhất chủ trì triển khai trạm cập bờ tuyến cáp AAE-1 tại Vũng Tàu.
Với APG và AAE-1, Viettel sẽ có tất cả 6 hướng kết nối quốc tế, trong đó có 4 tuyến cáp quang biển và 2 tuyến đất liền, đảm bảo chất lượng dịch vụ và hệ thống dự phòng khi sự cố xảy ra ở bất cứ hướng nào./.
Vietnam+