Chưa lo xong Covid-19, thành phố của Trung Quốc lại phát cảnh báo về căn bệnh từng xóa sổ 60% dân số châu Âu
Bệnh hạch đã từng gây ra đại dịch mà tiêu biểu là "Cái Chết Đen" - được coi là một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại.
- 05-07-2020Bloomberg: Kỷ nguyên "siêu đập thủy điện" của Trung Quốc đang chấm dứt
- 03-07-2020The Economist: Trung Quốc vẫn là công xưởng lớn nhất thế giới!
- 03-07-2020Nước dâng đáng sợ tại đập Tam Hiệp, Trung Quốc cấp báo "Hồng thủy Số 1" trên Trường Giang
Theo thông báo được đăng tải trên website của Ủy ban Y tế thành phố Bayannaoer thuộc khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc, một bệnh viện tại đây đã báo cáo 1 trường hợp nghi nhiễm dịch hạch vào thứ 7 tuần trước.
Đến ngày hôm qua (5/7), thành phố đã phát đi cảnh báo cấp độ 3 sẽ có hiệu lực từ nay đến cuối năm. Theo đó, người dân bị cấm săn bắn và ăn thịt động vật có thể mang mầm bệnh dịch hạch. Cơ quan y tế thành phố cảnh báo nguy cơ bệnh lây từ người sang người, yêu cầu người dân báo cáo ngay nếu phát hiện ca bệnh dịch hạch hoặc bị sốt không rõ nguyên nhân, hoặc nếu phát hiện có chuột marmot bệnh hoặc chết.
Bệnh dịch hạch là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn gây ra, chúng có thể gây ra những biểu hiện cấp tính và người bệnh có thể tử vong với tỷ lệ cao nếu không được phát hiện và điều trị. Bệnh đã từng gây ra đại dịch mà tiêu biểu là "Cái Chết Đen" - được coi là một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại, ước tính nạn dịch này đã giết chết 30% - 60% dân số của châu Âu (tương đương 25 - 50 triệu người) và giảm dân số toàn cầu từ khoảng 450 triệu người xuống còn 350 - 375 triệu người vào năm 1400.
Hiện nay trên thế giới thỉnh thoảng vẫn ghi nhận các ca nhiễm dịch hạch. Ví dụ, năm 2017 Madagascar từng ghi nhận hơn 300 ca nhiễm. Tháng 5 năm ngoái, 2 người Mông Cổ đã thiệt mạng vì bệnh này sau khi ăn thịt chuột marmot sống vì cho rằng điều đó tốt cho sức khỏe.
Trong lúc thế giới vẫn đang khốn đốn vì Covid-19, ca nhiễm dịch hạch ở Trung Quốc là một tin đáng lo. Tuy nhiên đây là căn bệnh có thể chữa được bằng kháng sinh và sự phát triển của y học ngày nay có thể giúp kiềm chế để không bùng phạt thành dịch.
Tham khảo Bloomberg