MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chưa ra đời nhưng đã có đối tác nước ngoài đến mua cổ phần công ty tài chính tiêu dùng SHB

19-12-2016 - 11:15 AM | Tài chính - ngân hàng

Lãnh đạo ngân hàng SHB cho biết Công ty tài chính tiêu dùng SHB sẽ ra mắt vào đầu năm 2017 và hiện có một số đối tác nước ngoài đã đặt vấn đề được hợp tác với SHB để thúc đẩy hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã công bố quyết định về việc chính thức phê duyệt thương vụ sáp nhập Công ty tài chính cổ phần Vinaconex Viettel (VVF) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) sau khi đã chấp thuận về nguyên tắc trước đó. Ba tháng trước, cơ quan này cũng đã chấp thuận việc thành lập công ty con mới của SHB là công ty tài chính tín dụng tiêu dùng SHB với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

Trước đó, nhiều cổ đông của ngân hàng đã băn khoăn về chất lượng tài sản của VVF là khá thấp. Tuy nhiên theo CTCK TP.HCM (HSC), dư nợ của công ty chỉ ở mức nhỏ. Tính đến ngày 30/6/2016, dư nợ của VVF chỉ là 113,6 tỷ đồng so với 140.941 tỷ đồng dư nợ của SHB trong cùng kỳ. Như vậy, dư nợ của VVF chỉ tương đương 0,8% của SHB. Quy mô của VVF là khá nhỏ với vốn điều lệ là 1 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản 1,05 nghìn tỷ đồng trong khi đó vốn điều lệ của SHB là 9,486 nghìn tỷ đồng và tổng tài sản là 212 nghìn tỷ đồng tính đến ngày 30/6/2016, do đó thương vụ sáp nhập này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng tài sản và hoạt động của SHB.

Đối với SHB, lợi ích quan trọng từ thương vụ này là cơ hội tăng vốn điều lệ thêm 1 nghìn tỷ đồng (tăng 10,16%) lên 10,485 nghìn tỷ đồng, nhờ vậy cải thiện hệ số CAR và cho phép ngân hàng mở rộng hoạt động cho vay bán lẻ và tiêu dùng. Đây được xem là phân khúc tiềm năng nhất trong hoạt động ngân hàng hiện tại.

SHB được ví như người chơi đến muộn trong bữa tiệc. Thương vụ SHB mua lại VVF là thương vụ thứ 6 trong làn sóng ngân hàng đổ xô mua công ty tài chính tiêu dùng. Trước đó, năm 2013, HDBank mua lại Công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF) chuyển thành HDFinance, sau đó chuyển nhượng 49% cổ phần cho Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản) đồng thời đổi tên thành Công ty TNHH Tài chính HD Saison (HD Saison Finance); Techcombank mua lại Công ty tài chính cổ phần Hóa Chất, chuyển thành Công ty tài chính TNHH MTV Kỹ thương; VPBank thành lập FE Credit sau khi nhận sáp nhập Công ty TNHH MTV tài chính Than khoáng sản; Maritime Bank mua lại Công ty tài chính cổ phần Dệt may; Ngân hàng Quân Đội nhận sáp nhập Công ty tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC), thành lập Công ty Tài chính TNHH MTV MB…

Trao đổi với chúng tôi, Tổng giám đốc ngân hàng SHB - ông Nguyễn Văn Lê cũng thẳng thắn thừa nhận SHB sẽ vấp phải không ít thách thức khi tham gia lĩnh vực này khi thị trường đã có những tên tuổi đến trước song ban lãnh đạo đã có chiến lược phát triển riêng và thiết kế các sản phẩm tập trung vào phân khúc người thu nhập chỉ khoảng 3-7,5 triệu đồng một tháng. Phân khúc này đang chiếm 63% tổng dân số Việt Nam; những người có nhu cầu vay nhỏ lẻ, từ vài triệu đến vài chục triệu.

“Việc ra đời sau các công ty tài chính tiêu dùng khác cũng là cơ hội để chúng tôi nhìn thấy những bài học trên thị trường rút ra kinh nghiệm cho mình”, ông Lê cho biết.

Vị này cho biết thêm hiện nay, một số đối tác nước ngoài đã đặt vấn đề được tham gia góp vốn mua cổ phần Công ty tài chính của ngân hàng SHB để thúc đẩy hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng. Khi các tổ chức này tham gia góp vốn, SHB sẽ tận dụng được kinh nghiệm triển khai, phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính tiêu dùng để đảm bảo Công ty Tài chính tiêu dùng SHB sẽ có một vị thế, thị phần đáng kể trên thị trường và phát triển đúng chiến lược của SHB.

“HĐQT SHB cũng đang cân nhắc lực chọn một số đối tác chiến lược với các tiêu chí: đối tác đó phải là đối tác chiến lược tiềm năng có uy tín trên thị trường tài chính - ngân hàng thế giới; phải có kinh nghiệm về sản phẩm bán lẻ đã thành công ở các nước nhưng phù hợp với đặc điểm tiêu dùng khu vực châu Á; phải hỗ trợ công nghệ thông tin, quản trị điều hành tốt…Việc có sự tham gia của đối tác chiến lược nước ngoài không chỉ giúp công ty có kinh nghiệm về quản trị, bán các sản phẩm mà còn đóng góp đáng kể vào thặng dư vốn cho các cổ đông”, Tổng giám đốc SHB cho biết.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên