MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuẩn bị đến mùa tuyển dụng, các ngân hàng nên lưu ý gì?

15-11-2019 - 10:41 AM | Tài chính - ngân hàng

Thời điểm giao niên sẽ là lúc biến động nhân sự lớn nhất trong giới ngân hàng...

Rủi ro trong quá trình tuyển dụng là phổ biến nhưng các doanh nghiệp thường không chú ý. Khi phát sinh các rủi ro trong tuyển dụng, doanh nghiệp sẽ gặp tổn thất về tài chính, thiệt hại về danh tiếng, nghiêm trọng hơn có thể chịu trách nhiệm về dân sự hoặc hình sự. Nhận diện được rủi ro liên quan đến tuyển dụng giúp ngân hàng có thể phòng ngừa kịp thời những tổn thất có thể xảy ra.

Những rủi ro nào trong quá trình tuyển dụng?

Một là, tuyển dụng không đúng người, đúng việc, đúng thời điểm

Nguồn tài nguyên nhân sự không phù hợp (như nhiều cán bộ không có kinh nghiệm trong cùng một bộ phận, tỷ lệ nhân sự nam/nữ quá chênh lệch,…) và không đầy đủ để đạt được các mục tiêu, kế hoạch kinh doanh. 

Số lượng tuyển dụng không được kiểm soát, các chi nhánh tuyển dụng tràn lan để gia tăng quy mô đội ngũ nhưng kết quả đạt được không tăng trưởng phù hợp theo số lượng sẽ dẫn đến chi vượt hạn mức hoặc giảm lợi nhuận.

Hai là, sử dụng nhân viên không có năng lực và/hoặc phù hợp với văn hóa tổ chức

Hiện nay các nhân viên bán của ngành bảo hiểm, bất động sản có xu hướng "đổ bộ" sang ngành ngân hàng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, ngành ngân hàng không những cần kỹ năng "sale" mà còn cần biết quản lý, phân tích, thẩm định tính pháp lý, năng lực tài chính của khách hàng. Nếu không đánh giá, chọn lọc kỹ nhân sự sẽ dẫn đến việc tốn kém chi phí đào tạo, làm khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao và không đạt được các mục tiêu, chiến lược và kế hoạch kinh doanh. Ngoài ra, có thể làm giảm tinh thần làm việc của những nhân viên giỏi hoặc các thành viên trong nhóm.

Ba là, tuyển dụng người không có đạo đức hoặc vi phạm nội quy lao động

Ngân hàng thường được ví von là ngành "kinh doanh tiền" nên rất rủi ro nếu nhân sự có biểu hiện tiêu cực về đạo đức. Kéo theo rất nhiều hệ lụy như pháp luật truy tố dẫn đến bị phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại, ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng của ngân hàng và nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến thất thoát tài chính gây sụp đổ tổ chức.

Bốn là, không tuân thủ đúng quy trình tuyển dụng

Hầu hết hệ thống các ngân hàng đều có quy trình tuyển dụng khá rõ ràng, tuy nhiên vẫn có trường hợp một số chi nhánh/phòng giao dịch không làm theo đúng quy trình này mà tuyển dụng theo mối quan hệ quen biết hoặc bỏ qua một số bước thực hiện (chỉ phỏng vấn mà không làm bài test), từ đó có khả năng không thu hút được nhân viên tài năng và giàu kinh nghiệm.

Ngân hàng cần làm gì để kiểm soát rủi ro?

Thứ nhất, trước khi đưa ra yêu cầu tuyển dụng chính thức, lãnh đạo đơn vị cần phải xác định chính xác nhu cầu tuyển dụng phù hợp với mục tiêu kinh doanh, ngân sách của đơn vị mình trong từng quý/từng kỳ và cần phải được chấp nhận của cấp có thẩm quyền.

Thứ hai, bộ phận hành chính thường xuyên rà soát và cập nhật các chính sách và quy trình tuyển dụng đảm bảo phù hợp với quy định và khẩu vị của ngân hàng trong từng thời kỳ.

Thứ ba, trong quá trình tuyển dụng cần tuân thủ các tiêu chí như công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan và công bằng. Bản mô tả công việc cần phải rõ ràng, chi tiết các yêu cầu cần thiết dành cho ứng viên để hạn chế được tối đa việc nhận những hồ sơ không phù hợp. Lãnh đạo quản lý phòng/ban đang cần tuyển nhân viên trực tiếp tham gia phỏng vấn người dự tuyển để có thể lựa chọn được nhân sự phù hợp. Lãnh đạo phòng nhân sự cũng sẽ tham gia vào quá trình tuyển dụng để đảm bảo quy trình tuyển dụng đúng thủ tục, quy định. Đặc biệt, phải thực hiện xác minh thông tin của ứng viên từ nhiều nguồn khác nhau (như từ nơi học/nơi làm việc cũ, nơi sinh sống, trang facebook/zalo cá nhân của ứng viên…) để tránh lãng phí thời gian và tiền bạc do tuyển nhầm đối tượng.

Thứ tư, xây dựng cơ chế thi đua, khen thưởng trong hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó có cơ chế phạt, thậm chí sa thải đối với những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu công việc, suy thoái về đạo đức, lối sống ảnh hưởng đến uy tín của ngành.

Thứ năm, định kỳ tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ nhân viên, từ cán bộ quản lý cho đến chuyên viên, nhân viên. Cán bộ mới, nhân viên, chuyên viên thì tăng cường đào tạo, cập nhật kiến thức cơ bản. Cán bộ quản lý cấp trung và cấp cao thì chú trọng đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý, nhằm tạo bước đột phá về tư duy và khả năng quản lý, tạo tiền đề cho việc triển khai các kế hoạch cải cách, cải tổ.

"Tài sản quý giá nhất của các doanh nghiệp chính là con người" – Matsushita Konosuke, vì vậy các ngân hàng hãy có quyết định sáng suốt nhất đối với tài sản quý giá của mình.

Thanh Nga

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên