MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuẩn bị kịch bản tiêu thụ vải thiều

27-04-2020 - 07:44 AM | Thị trường

Ngày 26-4, đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đã đến làm việc tại Bắc Giang - tỉnh chiếm hơn 50% diện tích trồng vải cả nước - để kiểm tra tình hình sản xuất và kế hoạch tiêu thụ vải thiều.

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, tỉnh có hơn 28.000 ha trồng vải, sản lượng ước đạt hơn 160.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với năm 2019. Trong đó, diện tích vải chín sớm là 6.000 ha, sản lượng khoảng 45.000 tấn thu hoạch từ ngày 20-5 đến 5-6; còn lại là vải thiều chính vụ, sản lượng khoảng 115.000 tấn, thu hoạch từ ngày 10-6. Bắc Giang đã hoàn thành công tác chuẩn bị để xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản - thị trường mới mở trong năm nay.

Ngoài ra, trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, Bắc Giang đã chủ động xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều. Theo đó, kịch bản thuận lợi nhất là xuất khẩu tốt sang các thị trường truyền thống (như Trung Quốc) và các thị trường mới; kịch bản 2 là xuất khẩu được nhưng khó khăn và cuối cùng là không xuất khẩu được.

 Chuẩn bị kịch bản tiêu thụ vải thiều  - Ảnh 1.

Vải thiều trồng ở khu vực Tây Nguyên chín sớm và đang được tiêu thụ nhiều ở TP HCM. Ảnh: AN NA

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng vụ vải năm nay chịu tác động bởi dịch Covid-19 gây gián đoạn thị trường, đặc biệt là xuất khẩu và thời tiết không thuận lợi có thể ảnh hưởng đến chất lượng vải. Bộ trưởng lưu ý tỉnh Bắc Giang cần rà soát kỹ hơn các kịch bản tiêu thụ và kỹ thuật chăm sóc để có vụ vải được mùa, được giá.

Trong khi đó, đại diện Công ty Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn (TP HCM) cho biết công tác hỗ trợ tiêu thụ vải phía Bắc đã thực hiện nhiều năm nên đã có kế hoạch sẵn. Chợ sẽ bố trí mặt bằng để các xe container lạnh chở vải có thể bán sỉ ngay tại container cho các thương nhân tại chợ cũng như khách để các giao dịch diễn ra nhanh chóng, thuận lợi.

Tại TP HCM, vải thiều trồng ở Tây Nguyên chín sớm được bán lẻ với giá 50.000 - 70.000 đồng/kg, bằng một nửa so với thời gian này năm 2019.

Theo V.Ngọc

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên