Liên tục rút bớt vốn, nhóm ông Đào Ngọc Thanh và Nguyễn Xuân Đông lỗ lãi thế nào sau 5 năm mạnh tay chi 7.400 tỷ để có được Vinaconex với mức giá đắt đỏ?
Tính cả cổ tức bằng tiền mặt và chia thưởng cổ phiếu, khoản đầu tư vào VCG mà nhóm ông Đông và ông Thanh mua từ SCIC ngày đó đã đem về khối tài sản gần 9.450 tỷ đồng - tương đương tỷ suất lợi nhuận 22%.
- 31-07-2023Giữa cuộc chiến gói thầu 35.000 tỷ: Hòa Bình lãi đột biến nhờ bán tài sản, LN Coteccons tăng "sốc" vẫn xếp sau Ricons, Vinaconex lặng lẽ đứng số 1
- 29-06-2023Thế trận 3 liên danh đấu thầu gói 35.000 tỷ của Sân bay Long Thành: Liên minh Hoa Lư cạnh tranh Vinaconex và "nhóm" ông Nguyễn Bá Dương
- 31-05-2023Chủ đầu tư dự án đắc địa The Spirit of Saigon nằm đối diện chợ Bến Thành: Quy mô tài sản 34.000 tỷ, lớn hơn Đất Xanh, Vinaconex
CTCP Đầu tư Pacific Hodings - tổ chức có liên quan đến ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex (mã chứng khoán: VCG) và Tổng giám đốc Vinaconex Nguyễn Xuân Đông - đã đăng ký bán 39 triệu cổ phiếu VCG.
Nếu bán thành công, đơn vị này sẽ hạ tỷ lệ sở hữu từ 280 triệu đơn vị (tương ứng 52,4% vốn) xuống còn 241,2 triệu đơn vị (tương ứng 45,1% vốn) và không còn là công ty mẹ của Vinaconex. Nếu tạm tính theo mức giá ngày 3/8, Pacific Holdings có thể thu về khoảng 1.030 tỷ đồng.
Năm 2018 là lần đầu tiên nhóm ông Nguyễn Xuân Đông và ông Đào Ngọc Thanh xuất hiện tại Vinaconex khi An Quý Hưng - pháp nhân do 2 ông này làm cổ đông sáng lập - mua lại 254,9 triệu cổ phiếu VCG từ SCIC để trở thành cổ đông chi phối nắm khoảng 57,7% vốn điều lệ của Vinaconex.
An Quý Hưng đã mua với giá 28.900 đồng/cổ phiếu - cao hơn 36% so với giá khởi điểm của và 56% so với giá thị trường thời điểm 22/11/2018. Tổng giá trị An Quý Hưng mua là hơn 7.360 tỷ đồng.
Với sự xuất hiện của 2 cổ đông lớn khác ngoài An Quý Hưng, Vinaconex đã xảy ra một trận "nội chiến" gây tốn giấy mực xung quanh dự án Splendora (Hoài Đức, Hà Nội) trước khi yên ổn trở lại vào 3 năm trước.
Năm 2022, An Quý Hưng chuyển 277,8 triệu cổ phần VCG (sau đợt nhận chia thưởng bằng cổ phiếu hồi tháng 7/2021) cho CTCP Đầu tư Pacific Hodings nói trên. Đây là động thái chuyển quyền sở hữu chứng khoán để góp vốn bằng cổ phần vào doanh nghiệp.
Kể từ đầu năm nay Pacific Holdings đã liên tục thoái vốn khỏi Vinaconex. Tổng cộng số tiền thu về cho "nhóm" ông Đông và ông Thanh từ cổ tức và bán cổ phiếu tính đến nay là 2.034 tỷ đồng.
280,3 triệu cổ phiếu VCG mà Pacific Holdings đang nắm giữ - tạm tính theo giá ngày 3/8 - có giá trị hơn 7.400 tỷ đồng. Như vậy, khoản đầu tư vào VCG mua từ SCIC ngày đó đã đem về cho nhóm ông Đông và ông Thanh khối tài sản gần 9.450 tỷ đồng - tương đương tỷ suất lợi nhuận 22%.
Tuy nhiên, nếu dùng tiền đi vay để mua VCG với lãi suất tạm tính từ 10-12%/năm thì khoản đầu tư này có thể nói là không có lãi đáng kể.
Về tình hình kinh doanh của Vinaconex, trong quý 2/2023 công ty này ghi nhận doanh thu thuần 4.567 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ. Trừ chi phí, doanh nghiệp báo lãi sau thuế 130 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của công ty đạt 6.531 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ và lãi sau thuế đạt 139 tỷ đồng, giảm 81%. Năm 2023, Vinaconex đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 16.340 tỷ đồng, tăng 70% so với thực hiện năm 2022 và lãi sau thuế 860 tỷ đồng, giảm 8%. Như vậy, với kết quả trên, nửa đầu năm nay, VCG mới thực hiện được 42% chỉ tiêu tổng doanh thu và 16% chỉ tiêu lãi sau thuế.
Vinaconex là thành viên của Vietur - liên danh duy nhất đã vượt qua vòng kỹ thuật gói thầu hơn 35.000 tỷ của sân bay Long Thành.
Nhịp sống thị trường