Chuẩn bị sẵn tiền tiết kiệm nhưng vẫn bất an trong thời gian nghỉ việc
Có sẵn một khoản tiết kiệm khá lớn nhưng người trẻ vẫn cảm thấy lo lắng trong khoảng thời gian nghỉ việc.
- 22-05-202328 tuổi vẫn chưa có tiền mua nhà, người đàn ông biến "nơi chứa rác" thành căn hộ: Chỉ tốn khoảng 120 triệu, cực tiết kiệm điện
- 21-05-2023Nhiều thanh niên tại quốc gia này tài khoản tiết kiệm chỉ vài chục nghìn đồng, 'tan biến' luôn giấc mơ mua nhà, mua xe, cưới vợ
- 20-05-2023Tậu nhà tiền tỷ rồi tự lên ý tưởng thiết kế: Lưu ý gì để tiết kiệm cả tiền bạc lẫn thời gian?
Một số bạn trẻ cho rằng chỉ cần tiết kiệm một khoản đủ để chi tiêu thoải mái trong 6 tháng đến 1 năm là có thể tự tin nghỉ việc. Hơn nữa, số tiền này cũng giúp bạn tận hưởng khoảng thời gian nghỉ sau 1 chặng đường nỗ lực làm việc. Tuy nhiên, trên thực tế những người đang trải qua câu chuyện nghỉ việc không cho là vậy.
Cảm thấy thiếu an toàn vì không còn thu nhập
Hà Linh (25 tuổi, Hà Nội) hiện đã nghỉ việc đến nay là 3 tháng. "Trước đó, mình làm trong ngành truyền thông. Công việc quá áp lực, có những tháng mình không có lấy 1 buổi để nghỉ ngơi, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ nên mình đã quyết định nghỉ việc".
Trước đó, thu nhập hàng tháng của Hà Linh rơi vào khoảng 15-18 triệu/ tháng, thoải mái để chi tiêu cũng như giúp cô bạn tiết kiệm được một khoản tiền. Hà Linh luôn ấp ủ mong muốn có một thời gian nghỉ ngơi vì cô gần như không có kỳ nghỉ nào từ thời đại học cho đến năm 25 tuổi. Đây cũng là lý do tại sao cô bạn đã rất nỗ lực để tiết kiệm khoản tiền đủ để sống trong vòng 1 năm mà không đi làm.
Tuy nhiên, dù đã chuẩn bị rất kỹ càng nhưng cô bạn vẫn rơi vào nỗi lo lắng khi không có nguồn thu nhập. "Mình luôn biết rất rõ rằng bản thân có một khoản tiết kiệm đủ để sống trong 1 năm mà không cần phải đi làm. Thực tế, chỉ cần chi tiêu tiết kiệm hơn, mình có thể sinh sống trong vòng 1,5 năm. Là 1 người độc thân, mình không có quá nhiều trách nhiệm, câu chuyện tài chính sau nghỉ việc vẫn nằm trong tầm kiểm soát của bản thân. Tuy nhiên, vì chưa bao giờ phải trải qua tình huống không có nguồn thu nhập từ ngày ra trường, mình vẫn cảm thấy có chút hụt hẫng và không an toàn. Đặc biệt, trong thời điểm mà nền kinh tế có nhiều biến động, câu chuyện kiếm việc khó khăn như hiện tại, điều này ngày càng khiến mình áp lực".
Ảnh minh hoạ - Pinterest
Cũng giống như Hà Linh, Anh Trang (27 tuổi, Hà Nội) đang gặp phải khủng hoảng nghỉ việc khi không còn được "ting ting" hàng tháng. Đi làm đã khá lâu nhưng chưa có một khoảng nghỉ ngơi nào vì Anh Trang thường sẽ tìm được công việc rồi mới nghỉ ở công ty cũ, cô bạn đã chọn khoảng thời gian này để dành cho bản thân 1 kỳ nghỉ.
Anh Trang chia sẻ rằng vì cô cũng đã làm công việc cũ 2 năm, cảm thấy không còn không gian phát triển cũng như lộ trình thăng tiến không đảm bảo nên đã quyết định nghỉ ngơi. Trong tháng đầu tiên, cô bạn đã về quê thăm gia đình cũng như đi du lịch - mong ước từ lâu của Anh Trang.
Tuy nhiên, đến tháng thứ 2, Anh Trang bị bố mẹ liên tục giục đi tìm việc vì cho rằng 1 người ở độ tuổi 27 cần phải có công việc thu nhập ổn định chứ không cần nghỉ ngơi quá nhiều. Đồng thời, nhìn tài khoản chỉ có dòng tiền ra chứ không có thu nhập vào cũng là điều khiến Anh Trang có đôi phần mệt mỏi. "Mình là người luôn hướng đến độc lập tài chính, do vậy một trong những điều khiến mình an toàn đó chính là có thể kiếm ra tiền. Mình đã nghĩ rằng có thể nghỉ ngơi một chút, song những áp lực từ môi trường xung quanh cũng như chính bản thân khiến mình cảm thấy mất cân bằng".
Ảnh minh hoạ - Pinterest
Chỉ chuẩn bị tiền bạc khi nghỉ việc là chưa đủ
Anh Trang trước khi nghỉ việc có mức thu nhập khoảng 20 triệu/ tháng, do nhu cầu chi tiêu không nhiều nên mỗi tháng cô tiết kiệm khoảng 10 triệu. Do đó, trong khoảng thời gian đi làm, cô đã có một quỹ dành cho nghỉ việc khá lớn. Đây cũng là điểm tựa giúp Anh Trang dù có lo lắng trong khoảng thời gian nghỉ việc nhưng không quá áp lực đến mức mỗi ngày đều căng thẳng. "Nhu cầu của mình khá ít, mình hiếm khi mua đồ mới, thường xuyên ăn ở nhà nên tiết kiệm được kha khá. Mình cũng lập ngân sách mỗi tháng nên chi tiêu hiếm khi vượt quá kế hoạch".
Tuy nhiên, Anh Trang cho rằng khi chuẩn bị nghỉ việc để nghỉ ngơi ở độ tuổi mà mọi người cho rằng cần sự ổn định, bạn nên có tinh thần "thép". Tức là bản thân cần có kế hoạch cụ thể đặc biệt trong câu chuyện tài chính cũng như mong muốn sẽ đạt được gì trong khoảng thời gian nghỉ. Bên cạnh đó, Anh Trang cũng đặt ra cho mình thời hạn quay lại thị trường lao động.
"Mình nghĩ rằng nếu quá căng thẳng và lo lắng do không có thu nhập, mọi người có thể tìm 1 công việc làm thêm. Hiện tại, mình đang có 1 công việc bán thời gian với mức thu nhập hàng tháng khoảng 5 triệu/ đồng. Mình vẫn có thể làm chủ thời gian và có thêm nguồn thu nhập, giảm bớt đi cảm giác thiếu an toàn".
Ảnh minh hoạ - Pinterest
Còn đối với Hà Linh, cô bạn cho rằng mọi người nên lên kế hoạch làm gì trong khoảng thời gian nghỉ ngơi. Chẳng hạn, bao nhiêu thời gian để "nằm yên" không làm bất kỳ điều gì, có nên học thêm gì mới hay không, hoặc đi du lịch.
"Mình nghĩ rằng nghỉ ngơi là điều cần thiết nhưng không nên chỉ nhốt mình trong phòng vì như vậy sẽ rất dễ nản. Sau khoảng thời gian hồi sức, mình bắt đầu tham gia một vài workshop, học thêm 1 khóa học mới cũng như đi du lịch. Điều này khiến mình cảm thấy có ích hơn và cũng lấp được khoảng thời gian trống suy nghĩ linh tinh quá nhiều".
Tuy nhiên, Hà Linh cũng nhấn mạnh rằng vì đây là khoảng thời gian nghỉ ngơi nên không cần quá nghiêm khắc với bản thân. Cũng như hạn chế đặt 1 lịch trình quá căng thẳng khiến sự hiệu quả trở nên độc hại. Song nếu không làm gì trong một thời gian dài sẽ khiến bản thân cảm thấy vô dụng và trở nên bất an. Mặt khác, chi tiêu ra sao cho hợp lý, tránh vì quá rảnh nên chi tiền nhiều hơn, điều này cũng có thể khiến mọi người gặp áp lực tài chính.
Trí thức trẻ