Chuẩn bị vứt hết bàn phím đi thôi! Máy tính sắp đọc được suy nghĩ của chúng ta rồi!
Chẳng phải mất công gõ phím lạch cạch nữa. Chỉ cần ngồi nghĩ một lúc là màn hình sẽ kín chữ ngay.
Ngày nay, công nghệ đã cho phép chúng ta chuyển giọng nói thành văn bản mỗi khi không thể gõ phím.
Tuy nhiên, có vẻ như tương lai của những cái bàn phím sắp đi vào dĩ vãng thật rồi. Bởi vì theo các chuyên gia thì sớm thôi, máy tính sẽ có khả năng mã hóa suy nghĩ của chúng ta và chuyển thành văn bản hoặc lời thoại trực tiếp, trong khi ta không phải nói bất cứ điều gì.
Thoạt nghe có vẻ viễn tưởng, nhưng các chuyên gia đã từng thành công trong việc giải mã những tín hiệu phát ra trong não bộ mỗi khi chúng ta nghe hoặc nói.
Và giờ đây, họ đang tích cực nghiên cứu để biến điều này thành hiện thực, dựa trên nền tảng của những công nghệ tương tác thông minh hiện nay là Siri và Ok Google.
Theo Christian Herff, tác giả của nghiên cứu thuộc Viện công nghệ Karlsruhe (Đức): "Lúc đó thì thay vì nói chuyện với Siri hay Ok Google, bạn chỉ cần tưởng tượng những gì muốn truyền đạt là được".
Herff và tiến sĩ Tanja Schultz - đồng tác giả nghiên cứu - đã so sánh nhiều phương pháp giải mã hình ảnh trong não bộ thành văn bản. Các phương pháp này khá đa dạng, từ quét chụp cộng hưởng từ MRI, đến xác định sóng điện từ phát ra trong các neuron thần kinh. Nổi bật trong số này là phương pháp "Đồ thị điện từ trong tủy sống", được các chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng.
Đây vốn là một phương pháp sử dụng cho các bệnh nhân bị động kinh, bằng cách cấy các điện cực vào trong người họ. Điện cực đóng vai trò ghi lại các hoạt động của não bộ, đồng thời chuyển tải nó thành dạng văn bản, với độ chính xác rất cao.
Herff cho biết: "Đây là lần đầu tiên chúng ta có thể giải mã tín hiệu não bộ một cách cụ thể. Tuy nhiên, việc yêu cầu mỗi người phải cấy điện cực vào cơ thể là điều vẫn rất xa vời".
Đầu năm 2016, các chuyên gia thuộc ĐH Rochester (Mỹ) đã công bố phần mềm có khả năng liên kết hoạt động của não bộ với một số từ ngữ nhất định, sau đó dự đoán thành câu hoàn chỉnh dù chưa tiếp xúc với dữ liệu đó bao giờ. Độ chính xác của phần mềm cũng lên tới 70%.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cerebral Cortex.
Trí thức trẻ/ kênh 14