Chùm ảnh: Những cổng làng cổ kính trong lòng phố phường tấp nập của Hà Nội
Trải qua hàng trăm năm, những cổng làng còn lại tại thủ đô vẫn giữ được nét đẹp riêng, không chỉ đơn thuần chỉ là kiến trúc, nó là hồn cốt, nơi thể hiện ước mơ, khát vọng của người dân.
Giữa không gian ồn ào, hối hả của thủ đô Hà Nội vẫn có một con phố được mệnh danh là “phố cổng làng”. Tại phố Thụy Khuê mỗi chiếc cổng làng chỉ cách nhau vài trăm mét, nằm đan xen giữa những căn nhà hiện đại tạo nên nét đẹp riêng mà không nơi nào có.
Cổng làng Yên Thái (562 Thụy Khuê), có kết cấu như một gian nhà lớn. Tại đây vốn nổi tiếng với nghề làm giấy dó. Ngày xưa người làng Yên Thái làm các loại giấy dành để tiến cử triều đình và giấy trắng.
Trước cổng làng treo tấm hoành phi khắc 4 chữ vàng “Mỹ tục khả phong” được triều Nguyễn ban cho làng. Bên cạnh đó là bảng tưởng nhớ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm nơi đây vào năm 1946.
Cổng làng Đông Xã ở ngõ 444 Thụy Khuê có kiểu thiết kế vuông vức, trước kia có 5 bậc lên xuống nhưng do bất tiện người dân đã phá bỏ những bậc thang này.
Làng Hồ Khẩu có 3 cổng, mỗi cổng làng sẽ có một hình thức, dáng vẻ riêng. Ngoài ghi tên cổng thường có thêm câu đối ở hai bên.
Cổng Hầu là lối dẫn vào làng An Thọ xưa, đã được trùng tu nhưng vẫn giữ lại hình dáng cổ kính với mái ngói đã xuống màu, cũ kỹ.
Phần mái được lợp bằng ngói đã cũ và mục nát, những bức tường phủ kín rêu phong theo thời gian
Bệ đá được chạm khắc theo lối cổ xưa
Phần phía trên cổng làng thường "đắp" một đôi kỳ lân hoặc họa tiết phượng múa. Ngoài ra phần phía trên còn được trang trí, thiết kế bằng nhiều chất liệu khác nhau
Ngoài các cổng làng trên đường Thụy Khuê thì tại một số tuyến phố khác ở Hà Nội vẫn còn hiện hữu những cổng làng dẫn vào phố mang đậm nét dân gian, truyền thống.
Cổng làng Yên Phụ (quận Tây Hồ)
Cổng làng Trung Tự (quận Đống Đa) được thiết kế không có phần mái phía trên.
Giữa cuộc sống nhộn nhịp, hối hả ở thủ đô thì đâu đó những cổng làng cổ kính, hàng trăm năm tuổi vẫn còn tồn tại và đang được gìn giữ, bảo tồn để không làm mất đi nét đẹp văn hóa, truyền thống từ xa xưa.
Trí thức trẻ