MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng chỉ ETF, lời giải cho nhà đầu tư không chuyên trước câu hỏi “mua con gì” trên sàn chứng khoán

Chứng chỉ ETF, lời giải cho nhà đầu tư không chuyên trước câu hỏi “mua con gì” trên sàn chứng khoán

Trên thực tế, việc cố đánh bại thị trường là điều không dễ dàng với phần lớn nhà đầu tư, ngay cả với những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Do đó, nhà đầu tư nếu muốn đầu tư chứng khoán với niềm tin thị trường sẽ tăng trưởng thì có thể lựa chọn ETF để nắm giữ, khi đó sẽ không bị rơi vào tình cảnh “Index tăng, tài khoản giảm”.

Thời gian gần đây chứng kiến sự gia nhập mạnh mẽ của lớp nhà đầu tư mới (hay còn gọi là nhà đầu tư F0) trên TTCK Việt Nam. Số liệu từ Trung tâm lưu ký (VSD) cho biết trong năm 2020, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 393 nghìn tài khoản chứng khoán, gấp đôi so với năm trước. Ngay trong tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước tiếp tục lập kỷ lục với hơn 86 nghìn tài khoản mở mới, con số cao nhất trong một tháng từ trước tới nay.

Với lãi suất tiết kiệm đang ở mức rất thấp, trong khi tỷ trọng tài khoản chứng khoán trên quy mô dân số còn khá thấp so với khu vực, xu hướng nhà đầu tư tìm đến chứng khoán trong tương lai được dự báo sẽ còn bùng nổ mạnh.

Khi nhiều nhà đầu tư tìm đến chứng khoán, câu hỏi "mua con gì" luôn là điều được quan tâm nhất. Với hầu hết nhà đầu tư mới gia nhập, việc tìm kiếm cổ phiếu để mua giữa "ma trận" hàng nghìn cổ phiếu trên thị trường là điều không dễ dàng, xác suất mua phải cổ phiếu kém chất lượng là khá cao. Nhiều nhà đầu tư sẽ gặp phải tình huống thị trường tăng, tài khoản vẫn giảm do mua nhầm cổ phiếu "yếu", hoặc tệ hơn họ có thể mua phải những cổ phiếu giảm sàn mất thanh khoản. Bên cạnh đó, việc phải thường xuyên theo dõi thị trường với nhiều nhà đầu tư không chuyên cũng ít nhiều ảnh hưởng tới hiệu quả công việc chính của họ.

Trước những khó khăn mà nhà đầu tư mới gia nhập thị trường gặp phải, việc lựa chọn đầu tư vào ETF có thể là giải pháp tốt cho những nhà đầu tư "F0".

ETF là gì, làm thế nào để sở hữu ETF?

ETF (Exchange Traded Fund) là quỹ đầu tư thụ động mô phỏng theo một chỉ số cụ thể. Danh mục của ETF gồm một rổ chứng khoán có thành phần như chỉ số mà nó mô phỏng và được cơ cấu theo thời gian định trước tương ứng với sự mô phỏng của chỉ số (thường là hàng quý). Nhà quản lý ETF không cần liên tục tái cơ cấu danh mục của quỹ mà chỉ cần bám sát theo rổ chứng khoán của chỉ số mục tiêu.

Tại Việt Nam, hiện có khá nhiều quỹ ETF mô phỏng các bộ chỉ số, có thể kể tới như các quỹ mô phỏng chỉ số VN30 (VFMVN30 ETF, SSIAM VN30 ETF, MAFM VN30 ETF), mô phỏng chỉ số Diamond (VFMVN Diamond ETF), mô phỏng chỉ số VNFinLead (SSIAM VNFinLead ETF), mô phỏng chỉ số VNX50 (SSIAM VNX50), mô phỏng chỉ số VN100 (VinaCapital VN100 ETF). Các quỹ ETF kể trên đều do các tổ chức uy tín như Dragon Capital, VinaCapital, SSI, Mirae Asset quản lý và có sự giám sát của các ngân hàng, UBCK, do vậy nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư với rủi ro gần như bằng 0.

Chứng chỉ ETF, lời giải cho nhà đầu tư không chuyên trước câu hỏi “mua con gì” trên sàn chứng khoán - Ảnh 1.

Nhà đầu tư có thể mua ETF như cổ phiếu thông thường

Các quỹ ETF trên có danh mục và biến động gần như tương đồng với các chỉ số mà nó mô phỏng. Nhà đầu tư cá nhân có thể mua trực tiếp chứng chỉ quỹ các quỹ ETF trên sàn chứng khoán tương tự như mua cổ phiếu thông thường. Các ETF hiện đều niêm yết trên HoSE và biến động trong phiên tương ứng 7%. Tuy nhiên, ETF sẽ không chia cổ tức cho nhà đầu tư mà luôn tái đầu tư cổ phiếu để bám sát chỉ số mô phỏng.

Lợi ích khi đầu tư vào ETF

Với không ít nhà đầu tư, chúng ta đã từng gặp phải tình trạng Index tăng nhưng tài khoản giảm do các cổ phiếu lựa chọn không đúng "sóng" thị trường. Các quỹ ETF với danh mục bám sát các chỉ số mô phỏng ra đời đã khắc phục tình trạng này. Nhà đầu tư có thể yên tâm khi chỉ số mô phỏng lên, danh mục ETF chắc chắn sẽ lên tương ứng và ngược lại, chỉ giảm khi chỉ số mô phỏng giảm.

Trên thực tế, việc cố đánh bại thị trường là điều không dễ dàng với phần lớn nhà đầu tư, ngay cả với những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Do đó, nhà đầu tư nếu muốn đầu tư chứng khoán với niềm tin thị trường sẽ tăng trưởng thì có thể lựa chọn ETF để nắm giữ, khi đó sẽ không bị rơi vào tình cảnh "Index tăng, tài khoản giảm".

Chứng chỉ ETF, lời giải cho nhà đầu tư không chuyên trước câu hỏi “mua con gì” trên sàn chứng khoán - Ảnh 2.

Nếu nhà đầu tư lo ngại danh mục các quỹ ETF quá rộng sẽ đi kèm với nhiều cổ phiếu kém chất lượng lọt vào danh mục cũng có thể yên tâm bởi các chỉ số mô phỏng sẽ cơ cấu định kỳ (tương ứng là các lần cơ cấu định kỳ của quỹ ETF), loại bỏ các cổ phiếu không đáp ứng đủ tiêu chí và thêm mới các cổ phiếu đạt tiêu chí. Ngoài ra, việc ETF sở hữu danh mục nhiều cổ phiếu cũng giúp giảm thiểu rủi ro "bỏ trứng vào một rổ", đảm bảo tiêu chí an toàn cho nhà đầu tư.

Một lợi ích khác mà ETF mang lại là giúp nhà đầu tư có thể gián tiếp sở hữu cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh ngân sách đầu tư có giới hạn. Thời gian gần đây, HoSE đã nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ lên 100 phần nào khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ khó đa dạng hóa danh mục. Do đó, ETF sẽ là lựa chọn hợp lý với một cơ cấu thành phần nhiều cổ phiếu trong danh mục. Nhà đầu tư chỉ cần mua 1 lô ETF (100 chứng chỉ ETF) đồng nghĩa với việc đã đầu tư vào nhiều doanh nghiệp trong danh mục quỹ (VN30 có 30 cổ phiếu, VNDiamond có 13 cổ phiếu, VNX50 có 50 cổ phiếu, VN100 có 100 cổ phiếu).

Với nhà đầu tư ngoại, việc đầu tư vào các quỹ ETF cũng là cách để họ gián tiếp đầu tư vào các cổ phiếu "kín room" ngoại tại Việt Nam. Nhiều quỹ ngoại lớn như Pyn Elite Fund, CBTC Vietnam Equity của Đài Loan hay các nhà đầu tư tại Hàn Quốc, Thái Lan đã đổ hàng nghìn tỷ đồng để sở hữu chứng chỉ quỹ ETF tại Việt Nam trong những năm gần đây.

Chứng chỉ ETF, lời giải cho nhà đầu tư không chuyên trước câu hỏi “mua con gì” trên sàn chứng khoán - Ảnh 3.

Pyn Elite Fund, quỹ ngoại hàng đầu TTCK Việt Nam cũng đưa VFMVN Diamond ETF vào top 10 khoản đầu tư lớn nhất

Dù có nhiều lợi ích cho nhà đầu tư "F0" trong việc lựa chọn danh mục, tuy nhiên ETF cũng có những nhược điểm như mức sinh lợi chỉ tương đương chỉ số mô phỏng và không quá vượt trội so với thị trường chung. Với những nhà đầu tư chuyên nghiệp thì việc lựa chọn ETF sẽ khó có thể đáp ứng kỳ vọng lợi nhuận của họ. Ngoài ra, ETF là sản phẩm không được phép giao dịch ký quỹ, đây cũng là yếu tố không quá hấp dẫn với những nhà đầu tư ưa mạo hiểm.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên