Chung cư cao tầng nên có bãi đáp trực thăng
Nguy cơ mất an toàn PCCC ở nhiều chung cư đang xảy ra, cần phải khảo sát để đánh giá mức độ xuống cấp từ đó tháo dỡ hay chuyển đổi công năng sử dụng cho phù hợp.
- 15-09-201610 kiến nghị của HoREA giảm hiểm họa cháy chung cư
- 14-09-2016Vì sao dự án chung cư AquaSpring lại được người mua nhà quan tâm?
- 13-09-2016Chung Cư HANHUD Hoàng Quốc Việt cơ hội đầu tư hấp dẫn cuối năm
- 12-09-2016Chung cư chưa nghiệm thu: Chủ đầu tư vẫn chỉ "hứa lên hứa xuống"
Mới đây, tại TP. HCM, đã diễn ra Hội nghị về công tác đảm bảo an toàn PCCC đối với các công trình nhà ở chung cư trên địa bàn TP.HCM. Nhiều đại biểu cho rằng thời gian gần đây một số chủ đầu tư cho cư dân vào ở khi chưa hoàn thiện hệ thống PCCC là hết sức nguy hiểm, cần phải xứ lý nghiêm.
Theo báo cáo của Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 34 vụ cháy công trình nhà cao tầng, chung cư. Nguyên nhân cháy chủ yếu do sử dụng thiết bị điện không an toàn.
Bên cạnh đó, TP.HCM còn rất nhiều chung cư được xây dựng trước năm 1975 đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng; chung cư xây dựng khi có Luật PCCC năm 2001 chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định và hiện trạng không đảm bảo an toàn về PCCC, không có ban quản trị, phí bảo trì…
Ngoài ra, trên địa bàn còn có các công trình chung cư đang xây dựng, đã thi công xong, chưa nghiệm thu PCCC; chưa thực hiện kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình theo quy định của pháp luật nhưng vẫn bàn giao nhà để người dân vào sinh sống. Điển hình trong số đó có dự án HQC Plaza (huyện Bình Chánh), Viên Ngọc Phương Nam (Q.8), chung cư số 9 Phạm Phủ Thứ (Q.Tân Bình), Cao ốc Xanh (Q.9)…
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, nguy cơ mất an toàn PCCC tại các toà nhà chung cư, nhất là các chung cư cũ. Vì xây dựng từ lâu nên hầu hết chung cư cũ có quy mô nhỏ, hệ thống PCCC không đáp ứng được so với các yêu cầu hiện tại, không được bảo trì định kỳ. Một số căn hộ trước đây là văn phòng, trụ sở công ty nên không đảm bảo về PCCC khi người dân vào ở.
Do vậy, ông Tuấn cho hay cần phải khảo sát để đánh giá mức độ xuống cấp từ đó tháo dỡ hay chuyển đổi công năng sử dụng cho phù hợp. Với các chung cư mới xây, việc phòng cháy cũng không kém phần quan trọng, phải kiểm tra, bảo trì hệ thống PCCC định kỳ. Đồng thời, ban quản lý phải cương quyết xử lý các trường hợp lấn chiếm hành lang, lối đi, lối thoát hiểm…
Đối với các chung cư cao hơn 100m, đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố, đề xuất ý kiến nên có bãi đáp trực thăng, khu vực lánh nạn trên mỗi toà nhà để phục vụ công tác PCCC.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cũng cho rằng thời gian gần đây một số chủ đầu tư cho cư dân vào ở khi chưa hoàn thiện hệ thống PCCC là hết sức nguy hiểm, cần phải xứ lý nghiêm.
Ngoài ra, các chung cư cao tầng được cấp phép xây dựng trong hẻm cũng tiềm ẩn nguy cơ không an toàn, thoát hiểm cho cư dân. Có trường hợp cơ quan chức năng duyệt quy hoạch thiếu đường dành cho xe chữa cháy vào chung cư khi xảy ra sự cố cháy.
Theo ông Châu, Thành phố đã trang bị cho lực lượng PCCC nhiều phương tiện hiện đại để chữa cháy nhà cao tầng, như xe thang chữa cháy về lý thuyết có thể vươn đến tầng 18, nhưng trong thực tế nếu xảy ra cháy thì có thể tầm với sẽ thấp hơn do khó tiếp cận mục tiêu.
Vì vậy, để thực hiện tốt công tác PCCC cho các toà nhà cao tầng, ông Châu kiến nghị nên trang bị máy bay trực thăng chữa cháy cho Sở Cảnh sát PCCC Thành phố.