MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chung cư mini sai phạm: Rà soát, xử lý thế nào?

15-09-2023 - 06:24 AM | Bất động sản

Vụ cháy tại phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho thấy nhiều công trình sai phạm đã nhận được che chắn của cán bộ chức năng về trật tự xây dựng và phòng cháy. Tình trạng này đã diễn ra tại nhiều quận, huyện khác của thành phố khi có hàng trăm chung cư mini sai phạm...

Chung cư mini sai phạm: Rà soát, xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, chung cư mini bị cháy là công trình xây dựng sai phép, không đủ điều kiện về PCCC.

Giấy phép xây dựng được cấp cho ông Nghiêm Quang Minh (chủ nhà) cho thấy, đây là công trình nhà ở riêng lẻ, thiết kế cao 6 tầng, 1 tầng lửng và tum thang, mật độ xây dựng là 70%. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại hiện trường, công trình xây dựng trên 100% diện tích với 8 tầng nổi, chưa bao gồm 1 tầng bán hầm, 1 tum.

Theo tìm hiểu của PV, ông Minh còn là chủ chung cư mini khác tại số nhà 58B-58C ngõ 117 Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa. Đây là 2 số nhà được cấp với 2 giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ với 6 tầng kèm tầng lửng và tầng tum. Chủ nhà đã tự ý hợp khối thành một tòa nhà và rao bán rầm rộ từ năm 2020. Theo ghi nhận của PV, hiện ngôi nhà đã được xây dựng hoàn thiện 8 tầng với khoảng 40 căn hộ khép kín và đều đã có người ở.

Nhan nhản chung cư mini vi phạm

Tại nhiều quận của Hà Nội như Hà Đông, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm...có nhiều căn nhà đã được xây vượt tầng so với giấy phép được cấp. Trong đó, không ít hộ chuyển sang kinh doanh, cho thuê trọ với số lượng lên đến vài chục, thậm chí cả trăm phòng. Trong khi đó, việc kiểm tra xử lý về xây dựng và phòng chống cháy nổ, cho thuê kinh doanh còn bị buông lỏng...

Ông Nguyễn Thao Hùng, Chủ tịch UBND phường Phương Liệt, cho biết, công trình chung cư mini tại ngõ 117 Thái Hà là công trình vi phạm trật tự xây dựng. UBND phường đã cưỡng chế tầng tum và một phần tầng dưới tum. Đối với vi phạm PCCC, UBND phường Trung Liệt cùng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH quận Đống Đa đã nhiều lần kiểm tra ngay từ khi công trình hoàn thành vào năm 2020.

Theo các văn bản báo cáo của UBND phường, tại thời điểm kiểm tra, các phương tiện PCCC khá đầy đủ; kiểm tra xác suất cho thấy hệ thống PCCC hoạt động bình thường. Đoàn kiểm tra đã hướng dẫn, yêu cầu chủ đầu tư duy trì đảm bảo các yêu cầu PCCC theo quy định.

Theo Chủ tịch UBND phường Phương Liệt, thời điểm 2021, 2022 là hai năm dịch bệnh nên không kiểm tra PCCC.

“Hiện phường đang đi rà soát toàn bộ dạng nhà ở cho thuê trên địa bàn, theo thống kê toàn phường có 1 nhà ở dạng chung cư mini và 22 nhà ở cao tầng cho thuê khác”, ông Hùng nói.

Đại diện UBND quận Đống Đa cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, UBND quận đã yêu cầu các phường kiểm tra, rà soát toàn bộ nhà ở dạng chung cư mini, qua đó xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm về sai giấy phép xây dựng, bổ sung, tối ưu nhất về PCCC.

“Tuy nhiên, trên địa bàn có rất nhiều trường hợp nhà xây để ở, sau đó chỉ ở tầng 1-2 và cho thuê các tầng còn lại. Đây cũng là dạng nhà cho thuê cũng sẽ được rà soát trong đợt này”, đại diện UBND quận thông tin.

Ngay sau vụ cháy, UBND quận Thanh Xuân cũng yêu cầu chủ tịch UBND 11 phường khẩn trương rà soát các khu vực có nguy cơ cháy , nổ cao, đặc biệt là tại các chung cư mini, nhà tập thể cũ, khu nhà trọ, khu vực tập trung đông người. Quận yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn PCCC, kiên quyết đình chỉ hoạt động với các địa chỉ có vi phạm.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu tổng rà soát chung cư mini
Ngay sau khi xảy ra vụ cháy nghiêm trọng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ban hành công điện tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini). Chủ tịch UBND thành phố giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tổng kiểm tra, rà soát 100% các cơ sở, nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ trên địa bàn quản lý, đặc biệt là chung cư mini.

Riêng đối với chung cư mini để xảy ra vụ cháy nghiêm trọng vừa qua, một lãnh đạo quận Thanh Xuân cho biết, ngay khi công trình xây dựng sai phép vào năm 2015, UBND quận đã ban hành có nhiều biên bản xử lý vi phạm. Trong đó có quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế phần vi phạm công trình. “UBND quận đã giao cho Chủ tịch UBND phường Khương Đình thực hiện quyết định cưỡng chế của quận, do đó thẩm quyền xử lý là của Chủ tịch UBND phường Khương Đình thời điểm đó”, vị này nói.

Vướng mắc xử lý

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng, nhiều hộ kinh doanh xin phép xây dựng chỉ là nhà ở riêng lẻ, để trốn tránh quy trình, thủ tục phê duyệt, thẩm định, cấp phép về phòng cháy chữa cháy. Nhưng sau đó lại cố tình sử dụng sai mục đích , công năng cấp phép ban đầu sang mục đích kinh doanh, cụ thể cho thuê dịch vụ lưu trú, nhà trọ, chung cư mini. Nếu phát hiện ra các công trình không đủ điều kiện về an toàn, phòng chống cháy nổ thì xử lý như thế nào cũng là vấn đề vướng mắc hiện nay.

Hơn nữa, việc cấp phép ban đầu nhà ở riêng lẻ thì hồ sơ ban đầu để cấp phép không đưa ra nội dung phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, chủ nhà chuyển mục đích kinh doanh sang cho thuê trọ, dịch vụ lưu trú nhưng không hoàn thiện các thủ tục phê duyệt về phòng cháy, chữa cháy.


Theo Hiểu Minh - Thanh Hiếu

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên