Chung cư phải dùng nước 'bẩn': Chưa rõ trách nhiệm, thiếu quy chế
Trước việc nhiều khu chung cư trên địa bàn Hà Nội qua kiểm tra phát hiện tình trạng nước sinh hoạt không đảm bảo chất lượng, các cơ quan chức năng cho rằng, cần phải xây dựng quy chế về việc cấp nước sạch ở các khu chung cư, đặc biệt phải làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong trường hợp nước cung cấp tới từng hộ dân không đảm bảo.
- 28-04-2016Chung cư để nước sinh hoạt “bẩn”: Sẽ dừng hợp đồng
- 23-04-2016Sở Xây dựng điểm mặt 6 chung cư dùng nước sinh hoạt "bẩn" tại Hà Nội
- 19-04-2016Choáng với nước sinh hoạt "siêu bẩn" trong khách sạn Kim Liên
Chưa rõ trách nhiệm
Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (YTDP), ông Khổng Minh Tuấn cho biết, những khu chung cư không đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt vừa được Sở Xây dựng công bố chỉ là những trường hợp bị kiểm tra qua phản ánh của người dân và dư luận báo chí. Còn thực tế con số khu chung cư, khu tập thể có nước sinh hoạt không đảm bảo chất lượng rất nhiều.
Theo Trung tâm YTDP Hà Nội, trong năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016, đơn vị đã giám sát vệ sinh, chất lượng nước sinh hoạt tại 120 khu nhà chung cư, tập thể với kết quả cho thấy, tại vị trí vòi nước cấp vào căn hộ hoặc bể chứa, 67/120 tòa nhà chung cư, tập thể có kết quả xét nghiệm chất lượng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật về các chỉ tiêu hóa học, vi sinh…. Đơn vị đã có công văn yêu cầu Trung tâm YTDP các quận, huyện thông báo và yêu cầu các tòa nhà này phải khắc phục ngay.
Đối với các đơn vị cấp nước cơ sở (trước tháng 1/2016), qua giám sát có 36/50 (72%) cơ sở không thường xuyên đạt chất lượng về các chỉ tiêu hóa học như asen, pecmanganat, amoni, sắt, nitrit… Sau nhiều lần được yêu cầu khắc phục, kiểm tra các đơn vị này mới thực hiện các biện pháp để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn về cung cấp nước sinh hoạt.
Lý giải nguyên nhân tình trạng trên, ông Tuấn cho rằng, hiện theo quy định các đơn vị, công ty cấp nước sạch chỉ có trách nhiệm đảm bảo chất lượng nước đến đồng hồ tổng trước khi chảy vào hệ thống bể ngầm của chung cư, khu tập thể. Còn sau đó đơn vị nào phải chịu trách nhiệm khi nước sinh hoạt tới từng căn hộ thì chưa quy định rõ.
“Nói chất lượng nước sau đồng hồ tổng ban quản lý tòa nhà, chủ đầu tư chịu trách nhiệm nhưng để giám sát chặt chẽ chất lượng nước sạch cần phải xây dựng quy chế về việc cấp nước sạch ở các khu chung cư, khu tập thể, đặc biệt phải làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong trường hợp nước cung cấp tới từng hộ dân không đảm bảo”, ông Tuấn nói. Bởi theo ông Tuấn hiện số lượng các khu chung cư cao tầng trên địa bàn rất lớn, nhiều khu chung cư có hàng nghìn căn hộ với dân số bằng cả một phường rộng lớn.
“Ngoài quy định rõ trách nhiệm, phải có quy định cụ thể về việc các tòa nhà chung cư, khu tập thể tiến hành thau rửa bể chứa, kiểm tra hệ thống cấp nước định kỳ với tần suất như thế nào? Hệ thống bể chứa, cung cấp nước của toà nhà chung cư khi đưa vào sử dụng cũng phải được kiểm định như việc kiểm định hệ thống phòng cháy chữa cháy, hay hệ thống thang máy của tòa nhà…”, ông Tuấn phân tích.
Kiểm soát theo kiểu “chữa cháy”
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, ngoài việc đảm bảo nguồn nước cung cấp thường xuyên, một trong những vấn đề người dân chung cư, khu tập thể trên địa bàn quan tâm hiện nay là chất lượng nước sinh hoạt. Thế nhưng, thực tế các Ban quản lý tòa nhà, Ban quản trị nhà chung cư và chủ đầu tư chưa nhận thức, chưa làm hết trách nhiệm của họ. Thậm chí, sự vào cuộc của một số địa phương đối với vấn đề này cũng chưa quyết liệt. “Từ thực tế, từ ý kiến của các cơ quan, chúng tôi sẽ tập hợp để đề xuất thành phố có phương án giải quyết những vướng mắc nhằm đảm bảo nguồn nước sạch đến từng hộ gia đình đang ở nhà chung cư hiện nay”, đại diện Sở Xây dựng cho biết.
Được biết, hiện chất lượng nước vẫn được kiểm định theo phương pháp truyền thống. Cụ thể trong quá trình lấy mẫu nước xét nghiệm ở bể chứa khu chung cư thì nguồn nước đó vẫn được cung cấp đến người sử dụng. Như vậy, khi có kết quả xét nghiệm nước không đảm bảo thì lượng nước bẩn này đã được rất nhiều người dân sử dụng. “Một bể chứa khu chung cư thường có khối lượng hàng trăm m3, nếu vẫn giám sát, kiểm soát chất lượng nước sinh hoạt theo kiểu “chữa cháy”, tức là kiểm tra khi có phản ánh, kiểm tra theo định kỳ chứ thiếu quy chế quản lý, quy định từ đầu khi hoàn công của toà nhà thì khi nguồn nước không đảm bảo nguy cơ sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn người sử dụng”, vị cán bộ phân tích.
Đại diện Trung tâm YTDP Hà Nội cho rằng, hiện hầu hết Trung tâm YTDP quận, huyện hiện nay chưa có đủ khả năng xét nghiệm đủ chỉ tiêu nước sinh hoạt. Không chỉ Hà Nội, hiện phương pháp kiểm tra, giám sát của Trung tâm YTDP các địa phương, các công ty cấp nước chủ yếu tập trung vào kiểm tra chất lượng nước cuối đường ống (tại các hộ gia đình) nên việc áp dụng quy chuẩn không khả thi. Hầu hết không có đủ năng lực để phân tích toàn bộ 109 chỉ tiêu nước, đặc biệt là các chỉ tiêu nhóm B và C. “Nói như thế không nghĩa không có năng lực để có kết quả, các trung tâm YTDP quận, huyện có thể gửi mẫu đó đến các trung tâm đủ điều kiện để kiểm nghiệm. Vấn đề chi phí lấy mẫu, kiểm nghiệm mẫu ai sẽ trả, cái này cũng cần có cơ chế để các đơn vị làm tốt việc giám sát chất lượng nước sinh hoạt”, vị cán bộ Trung tâm YTDP Hà Nội nói.
Chưa vào hè, lượng nước cung cấp giảm mạnh.
Theo đánh giá của Cty Nước sạch Hà Nội, tình hình cấp nước hè 2016 sẽ căng thẳng hơn nhiều năm 2015 do lượng nước mặt sông Đà về Hà Nội giảm mạnh. Cụ thể, qua theo dõi kết quả công tác cấp nước trong tháng 4 dù chưa chính thức vào hè nhưng nhu cầu sử dụng nước đã tăng mạnh trong khi nguồn cung cấp nước hạn chế, cả nguồn nước ngầm và nước mặt đều sụt giảm. Đặc biệt, tuyến ống nước sông Đà số 1 giảm áp khiến lượng nước cấp về Hà Nội giảm nhiều hơn so với năm ngoái.
Tiền phong