Chung kết Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa: Dấu ấn trí tuệ Việt
Với sự góp mặt của nhiều dự án xuất sắc, chương trình “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” không chỉ là “cầu nối” các ý tưởng đột phá với nhà đầu tư mà còn mở ra một tương lai triển vọng cho nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Sau 6 tháng triển khai, chương trình "Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024" do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Unilever Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh (BritCham), Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF), Đại sứ quán Anh và Ngân hàng Standard Chartered phối hợp tổ chức, đang đi tới chặng đường cuối. Top 20 xuất sắc nhất đã chuẩn bị sẵn sàng cho chung kết sẽ diễn ra vào ngày 22/10 tới đây tại Hà Nội.
Trước thềm chung kết, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với hai giám khảo của cuộc thi: bà Nguyễn Ngọc Như Uyên - Giám đốc đầu tư Khu vực Đông Nam Á, Circulate Capital và ông Bùi Quang Thịnh, chuyên gia giải pháp bao bì bền vững từ Hiệp hội Bao bì Việt Nam, để lắng nghe những chia sẻ về hành trình 6 tháng qua của chương trình cũng như những nhận định về tương lai nền kinh tế tuần hoàn nhựa tại Việt Nam trong thời gian tới.
"Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024" - Sân chơi đa lợi ích
Đồng hành cùng chương trình từ những ngày đầu tiên, bà Nguyễn Ngọc Như Uyên đánh giá các bài dự thi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đa dạng trong cách tiếp cận vấn đề rác thải nhựa. Các sáng kiến không chỉ tập trung vào thu gom và phân loại mà còn đề xuất những giải pháp bền vững như công nghệ nhựa sinh học phân hủy tại nhà, chuyển đổi bao bì đa lớp thành các sản phẩm công nghiệp có giá trị hay số hóa với tiềm năng chuyển đổi/ đổi mới các liên kết trong chuỗi cung ứng. Đặc biệt, nhiều giải pháp đã được thử nghiệm thực tế để giải quyết các thách thức trong việc thu gom và tái chế bao bì nhựa mềm.
Bà Nguyễn Ngọc Như Uyên trao đổi cùng các sinh viên tại hội thảo thông tin trong khuôn khổ "Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024"
Cùng quan điểm, chuyên gia Bùi Quang Thịnh chia sẻ thêm rằng với nhiều bài dự thi chất lượng, chương trình "Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024" đã thổi một luồng gió mới cho câu chuyện về tuần hoàn nhựa và môi trường tại Việt Nam. Theo chuyên gia, "sân chơi" này là sự khởi đầu cho hành trình giảm rác thải nhựa tại Việt Nam, mang lại lợi ích cho nhiều bên.
"Ngoài giải thưởng giá trị, những đơn vị tham gia còn được nâng cao kiến thức, nhận thức về tái chế và tuần hoàn nhựa với các góc nhìn đa chiều, sự đồng hành từ các chuyên gia đầu ngành… Những đóng góp của họ cũng sẽ được xã hội ghi nhận và trân trọng, đồng thời truyền cảm hứng và động lực cho các cá nhân/ đơn vị khác tiếp tục nghiên cứu và phát triển những giải pháp mang lại hiệu quả bảo vệ môi trường", ông Thịnh khẳng định.
Ở chiều ngược lại, Ban tổ chức đã kết nối được với Chính phủ, các tổ chức Phi chính phủ và các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sự phát triển của kinh tế tuần hoàn nhựa, hướng tới mục tiêu về Net Zero và bảo vệ môi trường của Việt Nam.
Trên phương diện nhà đầu tư, bà Uyên cho rằng các chương trình như "Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024" sẽ giúp doanh nghiệp kết nối với nhiều đối tác và tìm kiếm các cơ hội đầu tư, hợp tác.
"Chúng tôi rất vinh hạnh được đồng hành với các đội thi và, được nhìn thấy các bạn tiến bộ qua các vòng thi", đại diện Circulate Capital bày tỏ.
Thúc đẩy sáng kiến tuần hoàn nhựa - Cần sự chung tay của cả hệ sinh thái
Đánh giá tiềm năng của kinh tế tuần hoàn nhựa, đặc biệt là các giải pháp về bao bì, ông Thịnh cho biết ngành công nghiệp tái chế nhựa đang nhận được sự hỗ trợ lớn từ chính phủ qua các quy định và chính sách pháp lý, đồng thời có sự giúp sức từ các cơ quan truyền thông, báo chí trong việc lan tỏa thông tin. Dù vậy, việc thu gom và phân loại rác thải nhựa cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu vắng cơ sở hạ tầng phù hợp để thực hiện phân loại rác tại nguồn, không có hệ thống phân loại tự động hay những hạn chế trong công nghệ tái chế…
Do đó, theo các chuyên gia, để thúc đẩy các sáng kiến tuần hoàn nhựa cũng như xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn nhựa, cần có sự tham gia và hợp tác từ tất cả các thành viên trong hệ sinh thái, bao gồm các cơ quan thiết lập chính sách, doanh nghiệp, nhà đầu tư và chủ sở hữu những ý tưởng/ giải pháp.
Cụ thể, các chương trình hỗ trợ từ nhà nước và tổ chức phi chính phủ có vai trò quyết định và thúc đẩy các giải pháp như chính sách EPR, kiểm soát việc sử dụng nhựa 1 lần, túi nhựa phân rã - oxodegradable…
Chuyên gia Bùi Quang Thịnh đồng hành cùng nhiều hoạt động thuộc chương trình "Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa"
Qua chương trình "Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa", chuyên gia cũng đánh giá cao vai trò cung cấp kiến thức chuyên môn, tạo ra những kết nối giá trị trong chuỗi cung ứng, giúp các giải pháp sáng tạo có thể tiến xa hơn của Unilever - thành viên Ban tổ chức "Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024".
Còn đối với các ý tưởng/ giải pháp là cơ hội nhận được nguồn vốn lớn cùng những hỗ trợ trong việc xây dựng và hoàn thiện kế hoạch mở rộng, cơ hội tiếp cận và hợp tác với các đối tác chiến lược, xây dựng năng lực về ESG, hỗ trợ kỹ thuật… từ phía nhà đầu tư. Tuy nhiên, để thu hút và nhận được đầu tư, các ý tưởng/giải pháp cần đáp ứng được những tiêu chí như tính phù hợp với thị trường (product-market fit), khả năng nhân rộng quy mô, tác động đến môi trường và vấn đề tuần hoàn nhựa, năng lực thực thi của đội ngũ…
"Tôi cũng mong muốn sẽ nhìn thấy sự hợp tác và liên kết mạnh mẽ hơn trong chuỗi cung ứng để có thể đem đến những thay đổi mang tính hệ thống để giải quyết vấn đề tuần hoàn nhựa vốn là vấn đề mang tính hệ thống", bà Uyên kết luận.
Tổ Quốc