MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán biến động bất ngờ, VN-Index sụt giảm trong những ngày đầu tháng 4

Tháng 4 và lời nói dối của VN-Index

Tháng 4 và lời nói dối của VN-Index

Tháng 4 của 2 năm gần nhất đều để lại những kỷ niệm “ngọt ngào” với nhà đầu tư chứng khoán nhưng những "lời nói dối" của thị trường trong 2 tuần qua đã khiến niềm tin vào khả năng lội ngược dòng chạm xuống đáy.

Thị trường chứng khoán mới đi qua được một nửa tháng 4 nhưng đã "nói dối" nhà đầu tư hết lần này đến lần khác. Khởi đầu tháng đầy rực rỡ VN-Index tăng liền 2 phiên lên 1.524,7 điểm (ngày 4/4) và hừng hực khí thế vượt đỉnh. Ít ai ngờ rằng, thị trường sau đó lại quay xe chóng vánh đẩy nhà đầu tư vào chuỗi ngày "đếm lỗ" chưa có điểm dừng.

10 phiên sau đó, VN-Index có đến 8 phiên giảm điểm và bị "thổi bay" hơn 118 điểm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 5 tháng. Vốn hóa thị trường cũng theo đó "bốc hơi" 443.000 tỷ đồng, tương ứng 19,2 tỷ USD. Điều đáng buồn hơn cả là trong những phiên giảm sâu, có đến hàng trăm cổ phiếu nằm sàn "trắng bên mua".

Làn sóng bán tháo không chỉ tập trung trên một vài nhóm ngành mà lan rộng trên toàn thị trường khiến nhiều nhà đầu tư than vãn "chạy trời không khỏi nắng". Tài khoản lỗ trên 30% thậm chí "bay" hơn một nửa cũng không phải là chuyện hiếm đối với nhà đầu tư đặc biệt là những người lỡ ôm cổ phiếu đầu cơ tăng nóng.

Nhìn lại quá khứ, tháng 4 vốn không phải khoảng thời gian quá đáng sợ với chứng khoán Việt Nam. Thị trường đầy ắp thông tin đến từ mùa Đại hội cổ đông và báo cáo tài chính quý 1 luôn được kỳ vọng có thể tạo ra sự bứt phá. Thực tế, VN-Index cũng có xác suất tăng điểm cao hơn so với khả năng giảm, thậm chí 2 năm gần nhất tháng 4 đều để lại những kỷ niệm "ngọt ngào".

Chứng khoán biến động bất ngờ,  VN-Index sụt giảm trong những ngày đầu tháng 4 - Ảnh 1.

VN-Index có xác suất tăng điểm cao hơn so với khả năng giảm vào tháng 4 trong quá khứ

Tháng 4 năm ngoái, VN-Index cũng khởi đầu không khác gì năm nay khi bật tăng gần 25 điểm ngay phiên đầu tháng và chính thức vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm sau hơn 3 năm chờ đợi dài đằng đẵng. Khởi đầu thuận lợi mở ra một giai đoạn đầy khởi sắc của thị trường khi VN-Index gần như tăng một mạch lên lập đỉnh mới trên 1.420 điểm sau đó đúng 3 tháng.

Trước đó 1 năm, VN-Index cũng tạo ra cú hồi lịch sử theo hình chữ "V" trong tháng 4/2020 sau khi rơi xuống đáy Covid. Chỉ số này tăng hơn 16% trong 1 tháng với hàng loạt cổ phiếu đua xanh tím nhiều phiên qua đó tạo tiền đề để thị trường tiếp tục bứt phá và lấy lại những gì đã mất do Covid chỉ hơn 2 tháng từ khi tạo đáy.

Thị trường tăng rực rỡ thời điểm đó đã đóng góp lớn vào việc thu hút quan tâm của người dân qua đó tạo nên làn sóng nhà đầu tư mới tham gia vào chứng khoán lớn chưa từng có và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ám ảnh khoảng thời gian sau 2h chiều

Nhưng như lời một bài hát "ngọt ngào đến mấy cũng tan thành mây...", sau những gì diễn ra trong 2 tuần qua, nhà đầu tư có lẽ cũng không còn hy vọng nhiều vào cú ngược dòng trong phần còn lại của tháng 4 này. Không phải lần đầu trải qua những cú sốc như thế này nhưng việc thị trường cứ hết lần này đến lần khác reo hy vọng rồi lại dập tắt mới là điều khiến nhà đầu tư dần mất niềm tin.

Trong 2 tuần "đen tối" vừa qua, gần như phiên giảm sâu nào thị trường cũng như một con đập tự động, cứ đến 2h chiều lại bắt đầu "xả lũ" bất chấp là lúc đang trong đà bứt phá hay đang hồi mạnh. Thói quen xấu của thị trường khiến nhà đầu tư dần trở nên "ám ảnh" với khoảng thời gian 45 phút cuối phiên và tâm lý lo sợ cũng ít nhiều ảnh hưởng đến các quyết định mua bán.

Ngay phiên hôm nay, giữa lúc VN-Index đang tăng gần 10 điểm, nhiều nhà đầu tư trên một diễn đàn lớn về chứng khoán cũng thể hiện sự hoài nghi qua những topic đại loại như "Cứ phải chờ sau 14h". Khi VN-Index lùi dần về tham chiếu, nhiều nhà đầu tư còn đùa rằng "Hôm nay xả sớm, còn chưa đến 2h" hay "Đến 2h lại rơi ấy mà",... Và thực tế, 45 phút cuối phiên vừa qua cũng đã thổi bay mất 26 điểm của VN-Index, vốn hóa HoSE cũng mất thêm 103.000 tỷ đồng.

Nhiều nguyên nhân được nhà đầu tư, giới phân tích đưa ra để lý giải cho thói quen xấu này của thị trường trong đó hoạt động bán giải chấp hay còn gọi với cái tên quen thuộc hơn là "call margin" được cho là khả dĩ nhất. Nếu đây thực sự là nguyên nhân khiến thị trường lao dốc thì nhà đầu tư có lẽ nên soi lại chính thói quen dùng đòn bẩy của mình để tránh rơi vào thế bị ép bán trong hoảng loạn.

https://cafef.vn/chung-khoan-bien-dong-bat-ngo-vn-index-sut-giam-trong-nhung-ngay-dau-thang-4-20220419162407732.chn

Hà Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên