Chứng khoán biến động mạnh, điều gì đang diễn ra?
Chuyên gia Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp
Theo ông Võ Đình Trí, TTCK gần đây biến động mạnh có 2 lý do. Thứ nhất, năm 2020 và 2021, nhiều cổ phiếu đã tăng quá mạnh phải quay lại giá trị hợp lý. Thứ hai, những lo ngại về vấn đề lạm phát cao, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển vào các kênh an toàn hơn.
Tại Talkshow Phố Tài Chính (The Finance Street) trên VTV8 mới đây, chuyên gia Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp đã có những chia sẻ về câu chuyện lạm phát cũng như cơ hội đầu tư trong bối cảnh thị trường biến động.
Bàn về câu chuyện lạm phát tăng mạnh gần đây, chuyên gia Võ Đình Trí cho rằng việc lạm phát tăng cao kỷ lục ở Mỹ phần lớn là do giá năng lượng, xăng dầu, thực phẩm tăng lên. Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 5 trở đi, giá của các mặt hàng năng lượng đã bắt đầu có xu hướng giảm trở lại và đã có lúc dưới 100 USD/thùng. Bên cạnh đó, nhiều nhà phân tích cũng không nghĩ rằng giá dầu sẽ còn tăng cao hơn nữa. Bởi vì ở mức giá dầu như hiện nay, các công ty sản xuất dầu, khai thác dầu đã có biên lợi nhuận khá tốt. Một lý do khác là lo ngại suy thoái kinh tế có thể xảy ra nên nhu cầu dầu trên thế giới dự kiến sẽ còn giảm, góp phần làm lạm phát giảm.
Do đó, lạm phát nhiều khả năng đang ở vùng đỉnh, tuy nhiên tốc độ giảm sẽ còn nhiều yếu tố quyết định. Để biết được chu kỳ lạm phát cao diễn ra trong bao lâu cần phải có đủ lượng quan sát lớn. Nhưng thường chính sách tiền tệ hay chính sách tài khóa mà chủ yếu chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát cần có độ trễ để mà lan truyền hiệu ứng đó ra, có thể từ 18 tháng đến 36 tháng.
Theo đánh giá của ông Võ Đình Trí, việc thị trường chứng khoán thời gian gần đây biến động mạnh có 2 lý do. Thứ nhất, trong năm 2020 và 2021, nhiều cổ phiếu đã tăng quá mạnh và khi định giá quá cao sẽ phải quay lại giá trị hợp lý. Thứ hai, những lo ngại về vấn đề lạm phát cao, các Ngân hàng trung ương đẩy mạnh tăng lãi suất khiến dòng tiền có xu hướng dịch chuyển vào các kênh an toàn hơn.
Ông Trí đánh giá từ nay đến cuối năm, xu hướng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên mức 3-4% để kiểm soát lạm phát. Rủi ro suy thoái kinh tế khó có thể xảy ra vì lúc này trợ lực quan trọng của nền kinh tế là hệ thống ngân hàng các quốc gia vẫn rất vững. Sau khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, các ngân hàng đã quản lý rủi ro chặt chẽ hơn rất nhiều nên có thể có diễn ra kịch bản hạ cánh mềm, nhiều khả năng sẽ xảy ra với Mỹ và các thị trường lớn, các nước phát triển.
Riêng đối với Việt Nam, các vấn đề về vĩ mô và đặc thù vẫn ổn định hơn các nước khác, đặc biệt là kiểm soát lạm phát cũng như thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, một số rủi ro có thể đến năm 2023 xuất hiện vì Việt Nam có độ trễ hơn các nước.
Chuyên gia kinh tế đánh giá bất kỳ nền kinh tế nào cũng hoạt động theo chu kỳ, tăng trưởng lên rồi sau đó đạt đến đỉnh, hết gia tốc sẽ giảm đến đáy, rồi hồi phục trở lại. Trong quá trình tăng trưởng đó sẽ có lạm phát và khi lạm phát tăng thì công cụ sử dụng nhiều nhất là công cụ lãi suất. Khi mà tăng lãi suất lên thì cổ phiếu sẽ bị giảm. Thường những nhà đầu tư mà có kinh nghiệm sẽ đi vào những tài sản trú ẩn như trái phiếu, trái phiếu Chính phủ hoặc ở Mỹ có trái phiếu đảm bảo lạm phát, đã tính luôn yếu tố lạm phát, hoặc những công cụ tiền ngắn hạn hay đơn giản nhất là gửi tiết kiệm.
Về cổ phiếu, sẽ vẫn có những cổ phiếu tạo ra dòng thu nhập tốt trong bối cảnh lạm phát như những doanh nghiệp có tỷ lệ cổ tức ổn định, những doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp cung cấp mặt hàng thiết yếu, dù giá có tăng đi nữa thì người tiêu dùng cũng phải mua.
Ông Trí cho biết rất thích một quan điểm của Warren Buffett đó là việc quan tâm tới chỉ số lợi nhuận ròng trên vốn đầu tư. Hay nói cách khác, những doanh nghiệp nào có tỷ lệ sử dụng vốn của mình hiệu quả và tiếp tục đầu tư trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng thì đó là những doanh nghiệp có nội tại rất tốt. Hoặc khi đa dạng các chiến lược đầu tư khác nhau, có thể bỏ vốn vào các quỹ có những chiến lược đầu tư khác nhau, đó chính là cách để phòng ngừa rủi ro.
Nhịp Sống Kinh Doanh