MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán chưa tăng mạnh từ hiệu ứng giảm lãi suất, vì sao?

Động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đã kích thích thị trường và được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2017.

Giảm lãi suất nhưng chưa tháo “chốt” nợ xấu

Bắt đầu tư ngày 10/7/2017, các ngân hàng thương mại chính thức công bố giảm lãi suất cho vay ngắn hạn VND thêm 0,5%/năm theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước còn giảm thêm 0,25%/năm đối với các mức lãi suất điều hành như: giảm lãi suất tái cấp vốn xuống còn 6,25% và giảm lãi suất tái chiết khấu từ 4,5% xuống còn 4,25%.

Từ đây, cơ sở để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay ngắn hạn VND. Hiện mức lãi suất cho vay ngắn hạn thấp nhất là 5,5%/năm của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng đã giảm mức lãi suất cho vay 05 lĩnh vực ưu tiên về trần quy định là 6,5%/năm như Eximbank, Sacombank… Đặc biệt, LienVietPostBank cho vay chỉ 6,0%/năm, thấp hơn trần quy định 0,5%/năm.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, với mức giảm 0,5%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 05 lĩnh vực ưu tiên đã giảm từ 7%/năm về mức 6,5%/năm. Tuy nhiên, trước đó nhiều ngân hàng thương mại đã cho vay phổ biến ở mức 6,5-6,8%/năm rồi.

Ngân hàng Nhà nước cho biết việc giảm lãi suất sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát. Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới, nhưng tăng trưởng vẫn thấp hơn mục tiêu. Kết thúc quý II/2017, GDP tăng trưởng 5,73%, do đó 6 tháng cuối năm 2017, tăng trưởng GDP phải đạt 7,4% mới đạt tham vọng của Chính phủ là GDP tăng 6,7%. Lạm phát hàng năm giảm xuống còn 2,54% trong tháng 6, tốc độ chậm nhất trong gần một năm.

Theo một chuyên gia kinh tế, về nguyên lý kinh tế, thông tin giảm lãi suất cho vay sẽ tác động rất tích cực tới thị trường chứng khoán (hàn thử biểu của nền kinh tế), vì từ đây doanh nghiệp kinh doanh sẽ giảm được chi phí lãi vay, từ đó giảm giá thành sản phẩm, tăng doanh thu bán hàng và gia tăng lợi nhuận.

Khi hoạt động của doanh nghiệp được cải thiện, ít nhất từ tác động lãi suất dù chưa tính tới nhu cầu thị trường cũng là nguyên nhân góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Đặc biệt, trong một nền kinh tế như Việt Nam khi hầu hết doanh nghiệp dựa vào vốn vay ngân hàng, việc giảm lãi suất cho vay sẽ tác động rất tích cực tới thị trường.

Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 18%. Để đạt mục tiêu này, hệ thống ngân hàng cũng đang ra sức xử lý 345.000 tỷ đồng nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC, chiếm 5,8% tổng dư nợ tính đến ngày 31/12/2016. Chính phủ cũng đã đưa ra các quy định nhằm loại bỏ nợ xấu từ hệ thống ngân hàng bằng cách cho phép các ngân hàng thương mại bán các khoản nợ xấu cùng tài sản liên quan với ít hạn chế hơn so với hiện nay.

Tuy nhiên, về phía Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn cảnh báo Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục duy trì mức lãi suất cũ, kiềm chế tăng trưởng tín dụng quá nhanh, vì Việt Nam vẫn dễ bị tổn thương do cải cách ngành ngân hàng còn chậm, nợ xấu còn lớn.

Chứng khoán- chờ khối ngoại?

Với những thông tin tích cực từ phía Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, thị trường chứng khoán ngay trong ngày đầu tuần lại giảm trong khi đáng lẽ phải tăng vì lãi suất giảm, cùng với đó là kết quả kinh doanh quý II/2017 rất khả quan của nhiều doanh nghiệp.

Kết thúc phiên ngày 10/7/2017, chỉ số Vn-Index dừng tại 766,56 điểm, giảm 9,17 điểm, tức khoảng 1,18%. Đợt giảm này có lẽ chịu ảnh hưởng từ phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 07/7/2017 cùng với tâm lý chốt lời của các nhà đầu tư. Khi lợi nhuận đã lên quá cao thì việc bán ra là vô cùng dễ dàng.

Phiên giao dịch thị trường ngày 10/7/2017, thanh khoản thị trường đạt 4.290 tỷ đồng, cao hơn trung bình 50 phiên. Hiện tượng bán tháo xuất hiện và nhiều nỗ lực phục hồi không thành công. Điểm tích cực là vẫn có dòng tiền vào mua ở những mức giá thấp. Khối ngoại mua ròng trên HOSE đạt 128 tỷ đồng.

Ngày 11/7/2017, chỉ số VN-Index giằng co mạnh với thanh khoản duy trì ở mức khá cao.

Kết thúc phiên giao dịch, Vn-Index tăng nhẹ trở lại ở mức 769,36 điểm, tăng 2,8 điểm, tương ứng tăng 0,37%, với 135 mã tăng, 66 mã đứng và 121 mã giảm.

Chỉ số HN-Index đạt 100,42 điểm, tăng 0,05 điểm, tương ứng tăng 0,05% với 98 mã tăng, 70 mã đứng giá và 92 mã giảm giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt 62,8 triệu cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch đạt trên 676 tỷ đồng.

Khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 45 tỷ đồng trên HOSE và bán ròng hơn 11 tỷ đồng trên HNX trong phiên sáng nay.

Theo một chuyên gia chứng khoán của SSI, phân tích kỹ thuật cho thấy đã xuất hiện phân kỳ giữa RSI và đường giá từ 07/7/2017, đường MACD cũng bắt đầu cắt xuống báo hiệu cho một đợt điều chỉnh của thị trường sắp tới. Nhìn chung, triển vọng dài hạn của thị trường vẫn được đánh giá khả quan. Thị trường vẫn tự tin từ những động thái tích cực của Chính phủ trong việc ban hành các chính sách kích thích tăng trưởng.

Theo Tạ Thảo

BizLIVE

Trở lên trên