Chứng khoán có nhiều yếu tố đồng pha với năm 2018, hai kịch bản cho VN-Index trong nửa cuối năm
Theo phân tích của chuyên gia, VN-Index chứng kiến 3 pha giảm mạnh trong năm 2018. Từ đầu năm đến nay, chúng ta đã trải qua đã trải qua 2 pha giảm và đang có có một nhịp hồi khá giống với thời điểm trước đó.
- 27-05-2022Với mức định giá hiện tại, chứng khoán Việt Nam có thể tự đi lên bằng chính nội lực
- 26-05-2022Thị trường hồi phục sau nhịp giảm sâu, chiến lược phòng thủ vẫn nên đặt lên hàng đầu
Những đợt giảm sâu của thị trường chứng khoán thời gian qua kéo VN-Index về quanh mốc 1.200 điểm, định giá thị trường P/E trailing về khoảng 12 lần. Tuy nhiên có thể thấy tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn sau những biến động mạnh của thị trường. Vậy cơ hội nào mở ra trong nửa cuối năm 2022?
Đưa ra quan điểm trong buổi MBS’s Talk 22 với chủ đề "Cơ hội đầu tư tốt nhất năm 2022", ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Nghiên cứu Khách hàng cá nhân MBS cho rằng chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed đã đi vào hồi kết và chúng ta đang ở giai đoạn từ siêu nới lỏng trở về chu kỳ bình thường.
Về vấn đề lạm phát, ông Sơn đánh giá lạm phát đang có xu hướng tạo đỉnh và đi xuống. Tuy vậy, căng thẳng giữa Nga – Ukraine rất khó đoán định và nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn có thể gây áp lực cho giá hàng hoá, đặc biệt giá dầu vẫn có thể neo ở mức cao. Điều này sẽ khiến áp lực lạm phát sẽ có sự hạ nhiệt nhưng rất chậm. Thị trường chứng khoán vẫn còn gập ghềnh, song sẽ sớm tạo đáy và phục hồi đi lên.
Giám đốc Nghiên cứu MBS cho rằng bối cảnh hiện tại có nhiều nét tương đồng so với năm 2018. Thời điểm đó cũng kết thúc gói QE và bắt đầu tăng mạnh lãi suất. Sau chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, thị trường chứng khoán Mỹ cũng ghi nhận mức giảm 20% kể từ đỉnh. Một điểm tương đồng nữa là căng thẳng địa chính trị, năm 2018 có cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, hiện căng thẳng giữa Nga – Ukraine cũng tác động mạnh đến kinh tế, chính trị và thương mại.
Tuy nhiên có một điểm khác biệt là năm 2018 nền kinh tế có sự phục hồi mạnh sau giai đoạn bơm tiền mạnh mẽ thì hiện tại nền kinh tế vẫn chỉ đang ở trong giai đoạn hồi phục sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, trong khi mức lạm phát hiện đang ở mức đáng báo động thì năm 2018 lạm phát lại tương đối thấp.
Theo thống kê tại chứng khoán Mỹ, chỉ số SP-500 giảm khoảng 27% tại thời kỳ nền kinh tế suy thoái và giảm khoảng 21% trong khi nền kinh tế chưa rơi vào suy thoái. Hiện, chỉ số này giảm hơn 20%. Cũng theo thống kê trong lịch sử, sau mỗi nhịp giảm sâu chỉ số có thể phục hồi trung bình 84% kể từ đáy và giai đoạn này kéo dài trong khoảng 42 tháng .
"Trong kịch bản xấu nhất, chứng khoán Mỹ có thể chứng kiến những nhịp giảm từ 8-10% khi kinh tế suy thoái. Tuy nhiên cơ hội vẫn mở ra bởi sau những nhịp giảm thì giai đoạn thị trường phục hồi có thể kéo dài đến 2-3 năm sau đó", ông Trần Hoàng Sơn cho biết.
Đối với chứng khoán Việt Nam hiện tại, vị chuyên gia cũng cho rằng có nhiều nét tương đồng với thị trường thời điểm năm 2018. Nhìn lại lịch sử thời điểm đó, VN-Index từng chứng kiến cú giảm sâu nhất là 27% do ảnh hưởng những chính sách của các Ngân hàng Trung Ương trên thế giới. Tuy nhiên, sau đợt giảm chỉ số này tăng 3 tháng liên tiếp từ cuối tháng 6 đến tháng 10. Đặc biệt, một sự đồng pha lớn có thể quan sát trên đồ thị là thị trường tạo đỉnh vào đầu tháng 4 trong cả năm 2018 và năm 2022.
Theo phân tích của chuyên gia, VN-Index chứng kiến 3 pha giảm mạnh trong năm 2018. Từ đầu năm đến nay, chúng ta đã trải qua đã trải qua 2 pha giảm và đang có có một nhịp hồi khá giống với thời điểm trước đó.
VN-Index chứng kiến 3 pha giảm mạnh trong năm 2018. Nguồn: MBS
Tuy nhiên, một điểm đáng quan ngại trong thời điểm hiện tại là không hút được dòng tiền mạnh mẽ như năm 2018. Bên cạnh đó, nhà đầu tư tổ chức bán mạnh, tăng tỷ trọng tiền mặt cao. Do đó, chuyên gia cho rằng thị trường có thể có nhịp phục hồi nhưng sẽ không tăng mạnh mẽ như năm 2018. Trong trường hợp thế giới có biến động, thị trường có thể chứng kiến một phiên giảm thứ ba trước khi thực sự tạo đáy. So với mức thanh khoản năm 2018 cũng có sự đồng pha.
Thanh khoản khớp lệnh trên HOSE còn 12.800 tỷ đồng, giảm 16,9% so với tuần trước đó. Trong 2 phiên cuối tuần, mức thanh khoản chỉ đạt bình quân 11.500 tỷ đồng, dòng tiền vẫn tỏ ra thận trọng khi nhà đầu tư còn nghi ngờ nhịp tăng của thị trường là nhịp hồi mang tính kỹ thuật. Mức thanh khoản trong tháng 5 đang có sự sụt giảm nghiêm trọng hiện chỉ đạt 17.900 tỷ đồng, mức thấp nhất trong các tháng kể từ đầu năm.
Đưa ra kịch bản cho thị trường, chuyên gia vẫn cho rằng định giá hiện tại vẫn ở mức hấp dẫn. Nhìn lại lịch sử, không có nhiều thời điểm chỉ số PE thị trường về mức rẻ như vậy. Do đó, chiến lược mua khi thị trường điều chỉnh vẫn nên được ưu tiên hàng đầu. Vị chuyên gia cũng đưa ra hai kịch bản cho thị trường:
Kịch bản 1, chuyên gia cho rằng nếu nền kinh tế thế giới không suy thoái thì kịch bản thị trường vẫn sẽ tích cực trong thời gian tới. Cụ thể, mức đáy của VN-Index có thể là vùng 1.150 - chân sóng C và hướng tới mức cao nhất 1.350 điểm và các đáy dần đều lên. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý thời điểm này chiến lược phòng thủ vẫn cần được ưu tiên nên không thể mua cao bán cao hơn. Do đó, kế hoạch phù hợp trong nửa cuối năm là bán ở vùng kháng cự cao, mua khi thị trường quay về ngưỡng hỗ trợ mạnh.
Kịch bản VN-Index. Nguồn MBS
Kịch bản 2, thị trường có thể gặp khó khăn hơn khi dòng tiền bị thu hẹp bởi những chính sách thắt chặt của Fed, chân sóng C là vùng 1.068 điểm thì đáy thị trường được xác lập. Thị trường sẽ có những nhịp sideway ở vùng 1.200 điểm từ 6 – 8 tháng.