MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán đã 'chơi' tôi như thế nào: Kiếm bao nhiêu trả lại bấy nhiêu, cổ phiếu mua giá 130 nghìn giờ còn hơn 20 nghìn

08-11-2023 - 17:12 PM | Lifestyle

Nhiều năm cống hiến cho thị trường nhưng chưa bao giờ giấc mơ làm giàu trở thành hiện thực.

Chứng khoán đã 'chơi' tôi như thế nào: Kiếm bao nhiêu trả lại bấy nhiêu, cổ phiếu mua giá 130 nghìn giờ còn hơn 20 nghìn - Ảnh 1.

Li Jixin nhớ lại những năm đầu tiên trên sàn giao dịch Trung Quốc. Cựu nhân viên văn phòng, hiện đã 73 tuổi, vẫn nhớ như in sức nóng của thời kỳ hưng thịnh đầu những năm 1990, khi đám đông ướt nhẹp mồ hôi tập trung tại các công ty chứng khoán xem bảng điện xanh đỏ.

Ba thập kỷ sau, niềm đam mê của ông Li dần phai nhạt. Nhà đầu tư kỳ cựu này đang chờ cơ hội để rút toàn bộ 80.000 nhân dân tệ (10.932 USD) khỏi thị trường chứng khoán - nơi mà đối với ông, giống ‘sòng bạc’ hơn là chốn đầu tư.

“Bảo vệ số tiền mà mình kiếm được quan trọng hơn là chăm chăm đầu tư, nhất là khi nền kinh tế chậm lại. Tôi muốn sống những năm còn lại một cách thoải mái”, ông Li Jixin nói.

Theo SCMP, ông Li chỉ là một trong số rất nhiều các nhà đầu tư đang rời xa thị trường chứng khoán vốn đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2019 vào cuối tháng 10. Chỉ số CSI300 của 300 cổ phiếu hàng đầu niêm yết tại Thượng Hải và Thâm Quyến mất 6% giá trị từ đầu năm đến nay và chạm mốc thấp kỷ lục kể từ năm 2019.

Nỗi sợ rủi ro khiến cả người già và người trẻ mất niềm tin. Vào cuối tháng 8, thị trường có hơn 220 triệu nhà đầu tư cá nhân, theo dữ liệu từ CSDC - Tổng công ty Lưu ký Trung Quốc.

“Nhiều bạn bè và đồng nghiệp cũ của tôi đã từ bỏ chứng khoán sau khi mất tiền. Số khác giống tôi, tức chờ thời điểm thuận lợi để rút lui”, Li nói song buồn bã cho biết có lẽ ngày đó sẽ không xảy ra.

“Khi tôi mua cổ phiếu của PetroChina, chúng có giá hơn 40 nhân dân tệ (hơn 130 nghìn đồng) và bây giờ chỉ còn 5 hay 6 nhân dân tệ (khoảng 20 nghìn đồng) gì đó”, ông nói.

Niềm tin nhà đầu tư đang khá yếu bất chấp động lực trong nền kinh tế Trung Quốc. Theo dữ liệu chính thức, GDP quý III tăng 1,3% so với quý trước đó song thách thức vẫn tồn đọng nhiều trên thị trường bất động sản.

Theo một cuộc khảo sát của gã khổng lồ Internet Tencent, các nhà đầu tư “tóc bạc” từ 60 tuổi trở lên chiếm 4,73% tổng số nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Trung Quốc hồi năm 2018. Cuối năm ngoái, khảo sát tương tự cho thấy tỷ lệ này đã giảm xuống còn 2,65%.

Theo nghiên cứu của Viện Tài chính Tiên tiến Thượng Hải (SAIF), người trẻ cũng đang quay lưng lại với thị trường chứng khoán vì ngày càng trở nên bảo thủ và không muốn chấp nhận thua lỗ.

Trong cuộc thăm dò hàng năm đối với những người có thu nhập từ 125.000 đến 1 triệu nhân dân tệ, chỉ 17,3% trong độ tuổi 18-24 cho biết họ đang đầu tư cổ phiếu. Hồi năm 2021, tỷ lệ là 26,6%. Tỷ lệ này cũng giảm ở nhóm tuổi 25-34, từ 32,8% năm 2021 xuống còn 17,9% trong năm nay.

Đi ngược lại với xu hướng này là Hu Xijin - người hồi tháng 6 vừa qua đã mở tài khoản chứng khoán để giao dịch. Ngày thị trường bị ‘chửi bới’ nhất, anh quyết định rót thêm gần 500.000 nhân dân tệ vì tin rằng đáy rất gần đây rồi.

“Có người đã cảnh báo tôi, rằng nhặt ve chai còn lãi hơn cả mua cổ phiếu”, Hu viết trong một bài đăng gần đây trên weibo.

Tuy nhiên, theo ông Li, cơ hội kiếm tiền trên thị trường giờ không còn nhiều. Gen Z khó có thể chứng kiến thời kỳ hưng thịnh như trước đây.

Chứng khoán Trung Quốc được thành lập vào năm 1990 với sự ra đời của 2 sàn giao dịch nội địa ở Thâm Quyến và Thượng Hải. Li, người có mức lương hàng tháng dưới 300 nhân dân tệ (41 USD), ban đầu đầu tư 10.000 nhân dân tệ. Số tiền này nhanh chóng tăng lên vì chính phủ lúc bấy giờ chưa ra chính sách hạn chế.

“Thời gian là lợi tức, khi nền kinh tế trỗi dậy nhờ cải cách và mở cửa. Tuy nhiên hiện tại, tôi chắc chắn không phải như vậy”, ông Li nói.

Nhớ lại quyết định tham gia thị trường chứng khoán vào những năm 2000, He Zhi, một công chức đã nghỉ hưu ở tỉnh Quảng Đông, cho biết: “Tôi có nhiều thời gian rảnh. Thời đó không có nhiều trò tiêu khiển như bây giờ nên tôi đã mở một tài khoản chứng khoán. Hồi ấy nó ‘hot’ lắm”.

Danny Liu, một kỹ sư phần mềm 28 tuổi ở Thượng Hải, trong khi đó lại tránh xa thị trường chứng khoán vì biết rằng “ngay cả những chuyên gia cũng khó có thể kiếm tiền từ đây”. Thay vào đó, anh chàng chọn đặt niềm tin vào các quỹ nổi tiếng.

“Lợi nhuận của họ cũng giảm, nhưng ít nhất là tôi sẽ không mất toàn bộ số tiền. Tôi sẽ có thể ngon vào ban đêm. Nếu có thời gian rảnh, tôi thích chơi game hơn”, Danny Liu nói.

Nhận định về vấn đề này, Qian Qimin, nhà phân tích trưởng tại bộ phận nghiên cứu của Shenwan Hongyuan Securities, cho biết việc có ít nhà đầu tư cá nhân trên thị trường là điều tích cực.

“Hãy để các chuyên gia làm công việc của mình. Đó là một quá trình đầu tư phi cá nhân hóa - một xu hướng phù hợp với Hong Kong (Trung Quốc) cũng như Mỹ”, Qian Qimin nói. “Thị trường càng có nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ thì càng kém hiệu quả”.

Theo một báo cáo do SAIF và Charles Schwab công bố năm ngoái, các nhà đầu tư lớn tuổi có trình độ hiểu biết tài chính tương đối thấp so với người trẻ. Người trên 65 tuổi chỉ đạt 53,7 điểm trong bài kiểm tra thang 100, trong khi điểm trung bình là 64,4 của tất cả các nhóm tuổi.

Theo Zhao Xijun, giáo sư tài chính của Đại học Nhân dân, số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân có thể không giảm ngay lập tức song giá trị cổ phiếu tương ứng của họ đang giảm. Điều này khiến ông Li đau đớn hơn bao giờ hết. Ông tâm sự rằng hàng chục năm cống hiến cho thị trường chứng khoán chưa bao giờ giúp giấc mơ làm giàu của mình trở thành hiện thực.

“Tôi kiếm được bao nhiêu thì sẽ lại trả lại bấy nhiêu”, ông nói.

Theo: SCMP

Theo Vũ Anh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên