MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán đã qua vùng đáy

Thị trường chứng khoán đóng cửa tăng trong 2 tuần liên tiếp với mức thanh khoản trên 20.000 tỉ đồng, cho thấy niềm tin từ nhà đầu tư đang trở lại.

VN-Index kết thúc tuần giao dịch từ ngày 6 đến 10-11 tăng 24,9 điểm (+2,31%) bất chấp phiên chốt lời khá mạnh cuối tuần, đóng cửa trên vùng 1.100 điểm. Chỉ trong 2 tuần đi lên liên tiếp, thị trường chứng khoán đã lấy lại mức tăng 7% với nhiều cổ phiếu hồi phục mạnh 15%-20% từ đáy đợt giảm điểm.

Nhiều cổ phiếu phục hồi mạnh

Nhiều chuyên gia và công ty chứng khoán cho rằng vùng đáy ngắn hạn đã qua sau đợt bán tháo quá mức. Nhiều thông tin tích cực đang hỗ trợ thị trường từ nay tới cuối năm.

Anh Hoàng Dũng, một nhà đầu tư chứng khoán có 3 năm kinh nghiệm ở TP HCM, cho biết anh không bắt đáy, không bán tháo trong đợt giảm mạnh của VN-Index từ vùng 1.250 điểm xuống quanh 1.022 điểm rồi phục hồi trở lại trên 1.110 điểm ở thời điểm hiện tại. Anh "đứng ngoài" vì kỳ vọng thị trường sẽ sớm kết thúc đợt lao dốc.

Dù phiên chốt lời cuối tuần khiến VN-Index giảm hơn 12 điểm nhưng tuần qua, thị trường đã có chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp gần 100 điểm từ vùng đáy quanh 1.022 điểm hồi đầu tháng 11-2023. Diễn biến này giúp nhiều nhà đầu tư có tâm lý thoải mái hơn, kỳ vọng những thông tin tiêu cực đã qua đi.

Chứng khoán đã qua vùng đáy - Ảnh 1.

Nhà đầu tư cá nhân đang quay trở lại thị trường. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh, Giám đốc Tự doanh - Công ty Chứng khoán DNSE, nhận định sau hơn 1 tháng điều chỉnh, thị trường đã trở lại sắc xanh và có dấu hiệu tích cực về thanh khoản trong vài phiên gần đây. Sau sự rụt rè về khả năng VN-Index tạo đáy, nhà đầu tư đã tự tin hơn về vùng đáy của đợt giảm điểm vừa qua và đặt triển vọng cho những tháng cuối năm.

Phân tích kỹ hơn, ông Hoàng Huy, chuyên gia phân tích khối khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Maybank, cho rằng VN-Index giảm 11% trong tháng 10 so với tháng trước - mức giảm lớn nhất trong 12 tháng qua - do áp lực tỉ giá, căng thẳng địa chính trị ở Israel - Hamas và kết quả kinh doanh quý III kém khả quan của doanh nghiệp (DN) niêm yết. Đáng chú ý, phản ứng thái quá của các nhà đầu tư cá nhân cũng kéo thị trường đi xuống.

"Đây là tình trạng điển hình của thị trường chứng khoán Việt Nam khi các nhà đầu tư cá nhân chiếm tỉ trọng tới 90% trong tổng giá trị giao dịch. Thế nhưng, lập trường hỗ trợ chính sách nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước và lợi nhuận quý IV của DN niêm yết dự kiến tăng vọt 36% so với cùng kỳ sẽ hỗ trợ sự phục hồi của thị trường chứng khoán trong tháng 11" - ông Hoàng Huy nhận định.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích - Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng trong ngắn hạn, yếu tố về dòng tiền, thanh khoản sẽ quay trở lại và sẽ gia tăng trong tháng này. Nhà đầu tư cá nhân trong nước sẽ quay trở lại khi thị trường bước vào xu hướng tăng.

Những "cú hích" cho thị trường tăng tiếp

Sau 2 tuần VN-Index phục hồi hình chữ V, nhiều công ty chứng khoán cho rằng thị trường cần thêm thời gian tích lũy để có xu hướng tăng bền vững hơn. Trong bối cảnh tin xấu đi qua, những thông tin tích cực được kỳ vọng tạo "cú hích" cho thị trường chứng khoán sắp tới.

Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường - Quỹ Đầu tư Vinacapital, nhìn nhận những yếu tố khiến VN-Index giảm mạnh 16% từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10 - như: áp lực tỉ giá, thông tin về trái phiếu hoán đổi trị giá 250 triệu USD của Vingroup hay việc bán giải chấp của các công ty chứng khoán… - đến nay đều đã kết thúc. VinaCapital kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) sẽ phục hồi 35% so với cùng kỳ trong quý IV-2023 và tăng 20% trong năm sau khi tăng trưởng GDP đang tích cực hơn, hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc vào cuối năm.

"Những dấu hiệu rõ ràng cho thấy nền kinh tế đang phục hồi, định giá của VN-Index đã giảm xuống mức rẻ - điều chỉ diễn ra 2 lần trong 10 năm qua. Khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm hơn một nửa, từ 1,3 tỉ USD trước đợt bán tháo xuống còn 500 triệu USD vào cuối tháng 10. Việc giảm bán trong thời gian thị trường rớt mạnh là dấu hiệu cho thấy sẽ phục hồi mạnh mẽ một khi các yếu tố gây ra đợt bán tháo giảm bớt. Điều này giúp lý giải sự hồi phục của thị trường hiện tại" - ông Michael Kokalari phân tích.

Thực tế, một trong những yếu tố gây sức ép lên tâm lý nhà đầu tư và thị trường chứng khoán thời gian qua là tỉ giá và động thái can thiệp của Ngân hàng Nhà nước qua kênh phát hành tín phiếu để hút tiền về, đến thời điểm này đã hạ nhiệt. Tỉ giá USD/VNĐ đã giảm khoảng 2% so với mức đỉnh 25.000 đồng/USD hồi giữa tháng 8-2023.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Phân tích vĩ mô và Chiến lược thị trường - Công ty Chứng khoán VNDirect, cho rằng đang có nhiều thông tin hỗ trợ kèm với dòng tiền cải thiện. "Cuối tháng 11, thị trường chứng khoán sẽ hướng sự chú ý tới nghị trường Quốc hội với kỳ vọng 3 dự luật sửa đổi liên quan thị trường bất động sản được thông qua, gồm: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Nếu các dự luật sửa đổi này được thông qua sẽ là cú hích đối với triển vọng của nhóm DN bất động sản. Kỳ vọng dòng tiền thông minh sẽ vẫn tiếp tục chảy vào cổ phiếu và đà phục hồi của VN-Index có thể được duy trì" - ông Hinh nhấn mạnh. 

Nhóm ngành cổ phiếu có triển vọng

Thị trường chứng khoán vừa trải qua một nhịp phục hồi tương đối mạnh và gắt. Vì vậy, một số chuyên gia nhận định VN-Index có thể tiếp tục đối mặt với áp lực chốt lời ngắn hạn tuần tới. Nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế tâm lý "Fomo" - mua đuổi khi cổ phiếu được "kéo xanh mạnh" trong phiên.

Nhìn xa hơn về nhóm ngành cổ phiếu có triển vọng lạc quan giai đoạn cuối năm nay và đầu năm 2024, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích - Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cho rằng xét lợi nhuận dự phòng 4 quý trong năm nay của các DN niêm yết, xu hướng tạo đáy đã bắt đầu từ quý I và kỳ vọng quý IV sẽ tăng trưởng trở lại. Hầu hết ngành nghề dự kiến đều có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn trong quý IV/2023 và năm 2024. Những ngành dự kiến có mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan là bán lẻ, nguyên vật liệu - bao gồm thép, bất động sản (chọn lọc DN có quỹ đất sạch, có tiềm năng kinh doanh), ngân hàng, dịch vụ phần mềm, hàng tiêu dùng, năng lượng, dược...

Theo Thái Phương

Người Lao động

Trở lên trên