MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán ‘đón lõng’ công bố báo cáo tài chính doanh nghiệp

Chứng khoán trong nước đang duy trì chuỗi 4 phiên liên tiếp tăng điểm, sự chú ý, kỳ vọng của nhà đầu tư tập trung vào báo cáo tài chính quý III sắp được các doanh nghiệp công bố. Dòng tiền có dấu hiệu luận chuyển, "đón đầu"  các nhóm cổ phiếu được dự báo kết quả kinh doanh tích cực.

Sau tuần giao dịch chịu áp lực điều chỉnh, thị trường đã lấy lại đà hồi phục, duy trì trong vùng giá 1.280 - 1.300 điểm. Dòng tiền chưa trở lại mạnh mẽ, nhưng sự luân chuyển đã tích cực hơn, nhiều mã, ngành tăng giá trong giai đoạn đón nhận thông tin kết quả kinh doanh quý III năm nay.

Tuần qua, VHM (+5,1%), MSN (+7,3%) và FPT (+4,1%) là các nhân tố hỗ trợ thị trường. Ngược lại, VCB (-0,9%), MWG (-2,9%) và VNM (-1,2%) gây áp lực lên chỉ số. Kết tuần, VN-Index tăng 1,4% lên mức 1.288,4 điểm. Khối ngoại bán ròng 664,1 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần.

Chứng khoán ‘đón lõng’ công bố báo cáo tài chính doanh nghiệp- Ảnh 1.

Thị trường đã lấy lại đà hồi phục, duy trì trong vùng giá 1.280 - 1.300 điểm.

Như vậy, chỉ số chính đang giữ chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp. Một số dự báo ủng hộ khả năng, VN-Index sớm trở lại đỉnh cũ 1.300 điểm.

Chuyên gia Phạm Bình Phương - Chứng khoán Mirae Asset - nhận định, xét riêng từng cổ phiếu , các nhóm được kỳ vọng có kết quả tích cực như công nghệ (FPT), logistic (VTP, ACV)… đang tạo những đỉnh mới cao hơn trong 2 tuần gần nhất. Nhà đầu tư cần chú ý hơn đến các câu chuyện riêng của doanh nghiệp trong mùa công bố kết quả kinh doanh quý III sắp tới.

“Trong 2 tuần gần đây, VN-Index nhìn chung đang biến động quanh vùng 1.270 - 1.295 điểm, nhưng cách biến động là khó dự báo với chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp trong tuần trước (30/9 - 4/10) và chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp trong tuần này từ 1.270 lên 1.288 điểm”, ông Phương nhận định.

Thị trường hướng đến nửa cuối tháng 10 với nhiều sự kiện quan trọng. Cụ thể, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III chuẩn bị bắt đầu sẽ phần nào trả lời cho nhà đầu tư về những lo ngại gần đây xung quanh ảnh hưởng của siêu bão Yagi đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài câu chuyện về kết quả kinh doanh, thị trường cũng hướng sự chú ý tới những diễn biến mới của nền kinh tế Mỹ cũng như cuộc họp chính sách của Ủy ban thị trường mở (FOMC) vào đầu tháng 11. Hiện, thị trường vẫn tin vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục cắt giảm 0,25 điểm % lãi suất điều hành trong cuộc họp sắp tới. Hơn thế nữa, sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới cũng sẽ những tác động nhất định tới thị trường tài chính toàn cầu.

Nhóm phân tích của Chứng khoán TPBank nhận định, với việc thị trường có thêm một tuần chạm ngưỡng 1.290 - 1.300 điểm, nhưng thanh khoản yếu hơn so với các tuần trước đó, cho thấy tâm lý giao dịch vẫn duy trì trạng thái khá thận trọng. Nhóm phân tích duy trì quan điểm thị trường có thể vượt 1.300 điểm trong thời gian tới, nhưng những nhà đầu tư đã có lợi nhuận khi khi giải ngân ở vùng 1.240 - 1.260 điểm nên có biện pháp đề phòng rủi ro.

Trong khi đó, chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, sự đảo chiều về trạng thái giao dịch ngay trong phiên cuối tuần cho thấy, dòng tiền bắt đáy đã chủ động chiếm lại ưu thế. Dù áp lực rung lắc có thể đan xen trong quá trình hồi phục của chỉ số, nhưng cơ hội chinh phục mốc cản gần và xa hơn tại 1.300 vẫn đang rộng mở cho VN-Index.

Theo góc nhìn từ Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thị trường nhiều khả năng sẽ dao động biên độ hẹp, kèm theo sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu theo thông tin lợi nhuận quý IIII của từng doanh nghiệp cụ thể. Dòng tiền sẽ bắt đầu có xu hướng dịch chuyển luân phiên qua các nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý III tích cực để tìm kiếm lợi nhuận.

“Nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh của thị trường để mở vị thế mua theo chiến lược mua đón đầu, ở các nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều, hoặc đang tái tích lũy, thuộc các ngành có kết quả kinh doanh quý III tích cực như bán lẻ, hàng tiêu dùng, phân bón, xuất khẩu, khu công nghiệp , cảng biển, công nghệ thông tin, nông nghiệp”, BVSC nhận định.

Theo Việt Linh

Tiền Phong

Trở lên trên