Chứng khoán đột ngột giảm mạnh
Cuối phiên giao dịch hôm nay (28/6), áp lực bán mạnh đột ngột dâng cao đẩy VN-Index đóng cửa giảm gần 14 điểm. "Hiệu ứng chốt NAV" không mấy suôn sẻ.
- 28-06-2024Khối ngoại 'đua' bán ròng, tỷ giá USD có bị ảnh hưởng?
- 28-06-2024Nhà đầu tư chứng khoán sau 3 năm lăn lộn với VNIndex: Tôi đã học được gì từ thị trường ?
- 28-06-2024Khối ngoại thẳng tay "xả hàng" cổ phiếu Việt Nam, giá trị bán ròng vượt mốc 50.000 tỷ đồng kể từ đầu năm 2024, điều gì đang xảy ra?
VN-Index không thể bảo toàn mốc 1.250 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần. Chỉ trong khoảng 1 tiếng cuối phiên giao dịch, lực bán mạnh, dồn dập liên tục đổ vào thị trường. Hơn 6.000 tỷ đồng đổ vào thị trường khi đó, thậm chí cao hơn thanh khoản cả phiên sáng. VN-Index có thời điểm giảm tới 19 điểm, thu hẹp đà giảm về cuối phiên nhờ lực cầu bắt đáy nhen nhóm xuất hiện.
Hôm nay là phiên cuối cùng của tháng 6, cũng là thời điểm chốt sổ NAV (giá trị tài sản ròng) của các quỹ đầu tư chứng khoán . Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng giá nhiều cổ phiếu sẽ được kéo lên để các quỹ chốt NAV tăng hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, thị trường chung diễn biến ngược chiều kỳ vọng với sắc đỏ áp đảo.
Rổ VN30 đồng loạt điều chỉnh, GVR, BID, HPG, FPT, VPB… là những mã giao dịch tiêu cực nhất. 18/30 cổ phiếu ngập trong sắc đỏ. Ở chiều ngược lại, chỉ 9 cổ phiếu tăng giá. HoSE cũng ghi nhận tới 355 cổ phiếu giảm giá. Các nhóm ngành có sức ảnh hưởng như ngân hàng , bất động sản, công nghệ, bán lẻ, hoá chất… đồng loạt điều chỉnh.
Cổ phiếu công nghệ trong nước không mấy tích cực, tương đồng với diễn biến của các ông lớn công nghệ trên thế giới. Sau cú sụt giảm của Nvidia, trong nước, cổ phiếu công nghệ cũng điều chỉnh. FPT bị khối ngoại bán ròng gần 4.700 tỷ đồng chỉ trong tháng 6. Hôm nay, FPT cũng là một trong những tâm điểm vốn ngoại xả ròng, gần 255 tỷ đồng, cao thứ 2 toàn sàn. Đồng loạt FPT, CMG, ELG, hay nhóm Viettel cùng điều chỉnh.
Nhóm ngành hiếm hoi ngược dòng thị trường tiếp tục là vận tải biển. Bất chấp lực bán mạnh cuối phiên, HAH, VSC, TCL, VOS… vẫn tăng giá. Nhóm xăng dầu có POW, GAS tăng giá. Cổ phiếu xây dựng ghi nhận FCN, HBC tăng tốt, FCN tăng tới 5,6%. Số ít cổ phiếu này tạo tác động đến thị trường chung không lớn, do vốn hoá, thanh khoản chiếm tỷ trọng nhỏ.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 13,77 điểm (1,09%) xuống 1.245,32 điểm. HNX-Index giảm 2,48 điểm (1,03%) xuống 237,59 điểm. UPCoM-Index giảm 0,99 điểm (1%) xuống 97,54 điểm.
Thanh khoản tăng đột biến cuối phiên trước áp lực bán mạnh, giá trị khớp lệnh HoSE lên gần 16.900 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp đà bán ròng nghìn tỷ, với giá trị lên tới 1.137 tỷ đồng.
Tiền Phong