MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán giảm mạnh, nhà đầu tư nên làm gì?

Nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn đang sử dụng margin hoặc cầm nhiều cổ phiếu cần tận dụng nhịp phục hồi kỹ thuật để hạ bớt về mức an toàn. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của VN-Index là vùng 1.250 điểm, xa hơn quanh 1.220 điểm.

Khép lại một tuần giao dịch đầy "sóng gió", VN-Index mất hơn 19 điểm ở mức 1.261,9 điểm. Áp lực bán mạnh ở vùng kháng cự mạnh 1.280 - 1.290 điểm của VN-Index và lực mua vào cũng mạnh không kém khi thị trường chạm ngưỡng 1.250 điểm đã đẩy thanh khoản thị trường tăng đột biến với khối lượng giao dịch vượt ngưỡng 1,37 tỉ cổ phiếu.

Tính riêng giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE đạt gần 32.400 tỉ đồng (tương đương gần 1,2 tỉ USD). Khối ngoại bán ròng rất mạnh, tới hơn 1.500 tỉ đồng trên sàn HoSE.

Xét cho cả tuần, VN-Index giảm 11,18 điểm (-0,88%) cho thấy vùng kháng cự mạnh của chỉ số không dễ vượt qua trong ngắn hạn. Điều này khiến các nhà đầu tư quay trở lại với trạng thái thận trọng, thậm chi lo ngại thị trường có thể điều chỉnh giảm sâu hơn trong tuần tới. 

Sáng nay, 25-5, dù thị trường nghỉ giao dịch cuối tuần nhưng trên nhiều hội nhóm tư chứng khoán, các nhà đầu tư vẫn đi tìm lời giải cho câu hỏi vì sao chứng khoán lao dốc mạnh sau phiên phục hồi hơn 14 điểm trước đó?, có nên bán hết cầm tiền chờ thị trường ổn định? 

Trả lời những vấn đề này, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty chứng khoán VNDIRECT, nhận định tâm lý tiêu cực do lãi suất liên ngân hàng tăng vọt đã kéo thị trường giảm mạnh vào phiên cuối tuần (24-5).

Theo ông, lãi suất liên ngân hàng tăng có thể phản ánh thanh khoản trên hệ thống không còn dư thừa và một số ngân hàng thương mại tìm đến kênh hỗ trợ thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước với khối lượng trúng thầu trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) liên tục ở mức cao. 

Chứng khoán giảm mạnh, nhà đầu tư nên  làm gì?- Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán lao dốc trong phiên cuối tuần, được dự báo có thể giảm tiếp. Ảnh tư liệu NLĐ

Đồng thời, việc Mỹ ghi nhận chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cao hơn dự báo cũng khiến nhà đầu tư lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trì hoãn hạ lãi suất trong năm nay và chỉ số đồng USD tăng sẽ gây áp lực lên tỉ giá USD/VNĐ.

"Rủi ro ngắn hạn đang tăng lên khi thị trường đón nhận thông tin kém tích cực. Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong ngày 23-5; áp lực tỉ giá vẫn chưa hạ nhiệt; Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất OMO lên mức 4,5%/năm, tăng thêm 0,25 điểm % so với trước... ngay lập tức tác động tới diễn biến thị trường chứng khoán. Bởi đây là kênh "nhạy cảm" với lãi suất", ông Hinh phân tích.

Các chuyên gia của Công ty chứng khoán Mirae Asset cho rằng dấu hiệu chốt lời đã xuất hiện khi VN-index vượt vùng 1.280 điểm. Nhịp điều chỉnh đã bắt đầu từ phiên ngày 21-5, chỉ số đã có những phản ứng bắt đáy tại các mốc 1.250 - 1.260 điểm. 

Nhiều cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt đã tăng mạnh trong khoảng hơn 1 tháng trước đã bị chốt lãi mạnh, điển hình như FPT giảm gần 2% trong tuần kéo chỉ số giảm 0,81 điểm và đứng thứ 6 trong tốp 10 cổ phiếu ảnh hưởng tới thị trường.

Theo Mirae Asset, diễn biến ngắn hạn đang có nhiều thông tin kém khả quan, nhà đầu tư quyết định mua vào hoặc nắm giữ cổ phiếu nên tập trung vào yếu tố cơ bản và mức định giá của doanh nghiệp hiện tại. Hệ số P/E của VN-Index hiện tại đang ở mức 15,8x.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị trước những dấu hiệu rủi ro đang xuất hiện, điều cần thiết đối với nhà đầu tư là đáng giá lại trạng thái danh mục đầu tư hiện tại nên đặt ưu tiên quản trị rủi ro lên hàng đầu. 

  • Chứng khoán lao dốc, nhà đầu tư lại "toát mồ hôi"ĐỌC NGAY

"Đối với nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn đang sử dụng đòn bẩy (margin) hoặc đang nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu cao, cần tận dụng các nhịp phục hồi kỹ thuật để giảm trạng thái, hạ bớt tỉ trọng cổ phiếu về mức an toàn để quản trị rủi ro danh mục đầu tư. Còn những nhà đầu tư dài hạn chưa nên vội mua vào mà cần kiên nhẫn quan sát cung cầu, diễn biến thị trường trong những phiên tới, chờ đợi các điểm mua hấp dẫn hơn để giải ngân", ông Hinh khuyến nghị.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của VN-Index là vùng 1.250 điểm và ngưỡng hỗ trợ xa hơn quanh 1.220 điểm được kỳ vọng là mốc giữ thị trường lấy lại cân bằng.

Thận trọng với tin đồn

Trước những tin đồn về dự kiến thay đổi biện pháp điều hành tỉ giá, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, cho biết với cơ chế điều hành tỉ giá trung tâm và biên độ +/-5% hiện nay, tỉ giá thị trường đã có đủ dư địa để diễn biến linh hoạt. Tin đồn là không chính xác và không phù hợp với mục tiêu bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, tạo tâm lý bất ổn trên thị trường. Doanh nghiệp và người dân cần thận trọng trước những tin đồn.

Theo Thái Phương

Người Lao Động

Từ Khóa:
Trở lên trên