MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán gieo niềm tin trở lại

Sau một phiên điều chỉnh giảm mạnh hơn 10 điểm, VN-Index đã bật tăng trở lại hơn 14 điểm vào cuối phiên 23-5 và chốt tại 1.281,03 điểm, chính thức giữ được ngưỡng kháng cự mạnh 1.280 điểm.

Trước đó, chỉ số này đã có 3 phiên liên tục vượt ngưỡng này nhưng đều gặp áp lực bán nên đảo chiều giảm lại vào cuối phiên. Sàn Hà Nội (HNX) cũng ghi nhận mức tăng khá tích cực.

Thanh khoản toàn thị trường phiên này đạt hơn 1,18 tỉ cổ phiếu, trị giá hơn 27.445 tỉ đồng, giảm mạnh khi bên bán không còn tạo áp lực lớn như phiên trước. Khối ngoại quay lại mua ròng nhẹ 65,7 tỉ đồng sau chuỗi bán ròng liên tiếp những ngày trước. Điểm nhấn của phiên là sự tích cực đến từ nhóm cổ phiếu dầu khí, sau đó lan tỏa ra các nhóm ngành chứng khoán, ngân hàng và các mã vốn hóa lớn trong rổ VN30. Nhiều cổ phiếu xăng dầu duy trì đà tăng khá mạnh đến cuối phiên như PLX (+6,9%), BSR (+6,64%), OIL (+5,77%), GAS (+4,31%), PVO (+13,56%)…

Ông Võ Kim Phụng, Trưởng Phòng Phân tích Công ty Chứng khoán BETA, nhận định việc thanh khoản khớp lệnh phiên này giảm hơn 14% so với phiên trước cho thấy dòng tiền có sự phân hóa mạnh. Chỉ số VN-Index đang dần hướng đến vùng kháng cự mạnh 1.280 - 1.300 điểm, rủi ro và áp lực chốt lời càng lớn.

Chia sẻ tại bàn tròn "Triển vọng thị trường và chiến lược đầu tư Ngân hàng UOB Việt Nam" diễn ra cùng ngày tại TP HCM, bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ UOB Asset Management Việt Nam, cho rằng VN-Index có thể có điều chỉnh, rung lắc nhưng xu hướng của năm nay vẫn là tích cực. Cụ thể, thị trường chứng khoán tiếp tục khả quan nhờ vào các yếu tố hỗ trợ như kinh tế vĩ mô, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết được kỳ vọng tiếp tục phục hồi. Triển vọng kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng nội địa cải thiện, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu và tiêu dùng. "Dù lãi suất huy động nhích lên nhưng vẫn đang ở mức thấp hơn trước dịch COVID-19. Lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước có thể tăng nhẹ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng mặt bằng lãi suất trên thị trường vẫn thấp. Đặc biệt, quyết tâm của Chính phủ và cơ quan quản lý trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi sẽ là động lực trong dài hạn" - bà Nhật Lệ nói.

Theo Thái Phương

Người Lao Động

Từ Khóa:
Trở lên trên