Chứng khoán lập đỉnh vì Trump: Đừng vội mừng!
Sức hấp dẫn từ chính sách hạn chế sự độc lập của FED và chống lại Trung Quốc của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang lớn dần.
- 22-12-2016Căng thẳng Mỹ-Trung thời Donald Trump
- 20-12-2016Donald Trump và nguy cơ một cuộc chiến tranh lạnh mới từ xung đột Mỹ - Trung
- 15-12-2016Từng tuyên bố sẽ chuyển đến Trung Quốc nếu Trump đắc cử, bây giờ CEO của Uber lại là cố vấn kinh tế của Donald Trump
Nhiều nhà dự đoán khẳng định ông Donald Trump sẽ thất bại trong cuộc tranh cử Tổng thống tháng trước. Nhiều người cũng cho rằng nếu ông thắng, thị trường sẽ sụp đổ. Tuy nhiên, hiện thực lại hoàn toàn trái ngược. Các nhà đầu tư đang chờ đợi những điều tích cực ông Trump đã hứa hẹn.
Không phải là chiến tranh thương mại toàn cầu hay trục xuất dân nhập cư, thị trường chứng khoán đang chờ đợi kế hoạch giảm thuế, giảm quy định và tăng các khoản chi của tổng thống đắc cử.
Hầu hết các chỉ số đều lập đỉnh từ ngày 8/11. Giá trị vốn hóa của TTCK Mỹ tăng thêm 1.000 tỷ USD, trong khi đồng USD tăng thêm 5%. Thị trường toàn cầu đang chuẩn bị cho đợt bùng nổ tiếp theo của ông Trump. Vị tỷ phú New York còn được nhiều người cho là "người thừa kế" của Reagan.
Tuy nhiên, những “hạt giống đảo chiều" đã được gieo xuống. Nguy cơ lớn nhất sẽ tới từ Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (FED).
Dự đoán tương lai không mấy dễ chịu cho FED
Trước khi ông Trump giành chiến thắng, FED đã ám chỉ có thể sẽ chỉ tăng lãi suất 3-4 lần trước năm 2019 bởi FED dự đoán cắt giảm tài khoá sẽ còn tiếp diễn. Tuy nhiên, chiến thắng của ông Trump đã phá huỷ dự đoán này. Trong cuộc họp tuần trước, FED tuyên bố dự định sẽ tăng lãi suất tới 3 lần chỉ trong năm 2016. Một chính phủ thống nhất do Đảng Cộng Hoà lãnh đạo luôn sẵn sàng tạo ra một yếu tố kích thích tài khoá - điều mà nhiều năm qua luôn bị đảng Dân chủ cản trở.
Trước viễn cảnh này, nền kinh tế Mỹ có thể sẽ lâm vào tình trạng lạm phát. Ngay cả nếu kế hoạch giảm 5.700 tỷ USD tiền thuế và chi thêm 1.000 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng của ông Trump giảm xuống chỉ còn một nửa, thì yếu tố kích thích tài khoá do ông tạo ra vẫn còn rất lớn. Do tỉ lệ thất nghiệp của nước Mỹ đã giảm xuống dưới 5%, bà Yellen gần như không còn lựa chọn nào khác ngoài đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất.
Động thái này có thể đem lại một số tác động tích cực. Đặc biệt, chính sách tiền tệ của nước Mỹ sẽ bình thường trở lại nhanh hơn dự đoán, giúp FED có sức mạnh lớn hơn để chống lại đợt suy thoái kế tiếp.
Tuy nhiên, động thái này cũng có hai tác động tiêu cực nổi bật. Trước hết, tăng lãi suất có khả năng dẫn tới xung đột giữa FED và tân tổng thống. Không vị tổng thống nào lại cảm thấy vui vẻ khi ngân hàng trung ương quyết định mang rượu ra khỏi một bữa tiệc đang dần nóng lên. Nhiệm kỳ của bà Yellen sẽ kết thúc vào đầu năm 2018. Tuyên bố sa thải bà Yellen của ông Trump từng làm thị trường lo lắng. Tuy nhiên, dù vì bất cứ lý do gì, một tổng thống Mỹ cũng không có quyền sa thải thống đốc của FED.
Dù vậy, ông Trump vẫn có thể gây nhiều khó khăn cho bà Yellen. Hai ứng cử viên ông Trump đề cử cho hai vị trí còn trống trong ban điều hành FED sẽ cho thấy định hướng của ông đối với FED. Một trong hai ứng cử viên có thể sẽ được chỉ định làm người kế nhiệm bà Yellen.
Phản ứng của ông Trump trước động thái tăng lãi suất của FED trên Twitter hoặc qua một kênh khác là yếu tố then chốt. Rõ ràng, một bài đăng phản đối FED trên Twitter khi còn đang tranh cử không thể đại diện cho phản ứng của ông Trump khi chính thức ngồi trong Phòng Bầu Dục.
Bên cạnh đó, tuyên bố bổ nhiệm một người cứng rắn hơn thay thế bà Yellen của ông Trump trước đây cũng thu hút nhiều sự quan tâm. Các thành viên trong Đảng Cộng Hoà đã từng chê bai chính sách tiền tệ nới lỏng, nhưng sau đó lại ủng hộ khi chính sách này có hiệu lực. Tình huống tương tự cũng xảy ra với các thâm hụt tài khoá.
Là một nhà phát triển động sản, ông Trump từng tự nhận mình là một người đàn ông “lãi suất thấp”. Và có lẽ, ông cũng mong muốn trở thành một tổng thống “lãi suất thấp”. Nếu bà Yellen phá hỏng điều đó, thì ông Trump có thể sẽ lại ủng hộ đạo luật “audit the FED” (yêu cầu kiểm toán Fed và đe dọa nghiêm trọng đến tính độc lập của FED cũng như tính minh bạch trong quá trình hoạch định chính sách tiền tệ của FED).
Đồng USD sẽ ra sao?
Tác động tiêu cực nổi bật thứ hai là tác động tới đồng USD. Khi chính sách tài khoá nới lỏng kết hợp chính sách tiền tệ thắt chặt, giá trị đồng tiền sẽ tăng, kéo theo chi phí nhập khẩu giảm và giá xuất khẩu tăng, dẫn đến thâm hụt ngân sách tăng. Tuy nhiên, ông Trump đã cam kết sẽ giảm thiểu thâm hụt. Đảo ngược chủ nghĩa toàn cầu và đưa các ngành sản xuất của nước Mỹ hồi hương là hai đặc điểm cốt lõi trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Liệu ông có thể từ bỏ? Và điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới kết quả thăm dò?
Đây chính là yếu điểm trong chiến dịch của ông Trump. Thị trường Mỹ dự đoán rằng ông sẽ tạm thời rút lại đe doạ châm ngòi chiến tranh thương mại toàn cầu. Quyết định bổ nhiệm các lãnh đạo ngân hàng đầu tư, phần lớn là từ Goldman Sachs, cho các vị trí kinh tế quan trọng giúp đảm bảo hoạt động của Phố Wall. Giai đoạn đầu của chính quyền Trump sẽ là “Chính quyền Sachs”. Tuy nhiên, tình huống sẽ thay đổi khi khó khăn xuất hiện.
Sức hấp dẫn của việc hạn chế hoạt động độc lập của FED, chống lại Trung Quốc, tiếp tục đàm phán trục xuất dân nhập cư hay áp dụng thuế quan lên Mexico sẽ tăng lên cùng thâm hụt ngân sách. Và khi đó, nỗi sợ hãi ông Trump sẽ lại bao trùm lên thị trường Mỹ.
Trong vòng 18 tháng qua, ông Trump luôn có thái độ chống đối giới tinh hoa tại Mỹ. Dù vậy, trong những tháng tới, giới tinh hoa nước này có thể hi vọng được giảm thuế mạnh và hưởng lợi từ giá tài sản tăng trong nhiều năm. Do đó, không có gì bất ngờ khi thị trường hân hoan đến vậy.