Chứng khoán Mỹ chìm trong biển lửa và chứng kiến tuần lao dốc thứ 3 liên tiếp, Dow Jones có lúc mất gần 1.000 điểm
Kết thúc phiên giao dịch 21/9, chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh do mối lo ngại về dịch Covid-19 ngày càng tăng cao và triển vọng về gói kích thích tài chính tiếp theo trở nên ảm đạm hơn.
- 18-09-2020Bloomberg: Thời hoàng kim của lĩnh vực công nghệ sẽ sụp đổ vì 'liều thuốc độc' này!
- 18-09-2020Cơn sóng bán tháo quay trở lại với Phố Wall, cổ phiếu công nghệ đồng loạt lao dốc, Dow Jones có lúc mất gần 400 điểm
- 16-09-2020Cổ phiếu công nghệ hồi phục mạnh mẽ, Phố Wall khởi sắc 2 phiên liên tiếp sau đà bán tháo
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 509,72 điểm, tương đương 1,8%, đóng cửa ở mức 27.147,70 điểm. Trong phiên, có lúc Dow Jones rớt tới gần 1.000 điểm. S&P 500 mất 1,2% xuống 3.281,06 điểm, có lúc rớt 2,7%. Chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa giảm 0,1% ở mức 10.778,80 điểm, sau khi cổ phiếu công nghệ tăng đột biến vào cuối phiên.
Đà sụt giảm ở phiên này đánh dấu lần đầu tiên kể từ tháng 2 chỉ số S&P 500 ghi nhận 4 phiên rớt điểm liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số Dow đã có ngày tồi tệ nhất kể từ ngày 8/9 - khi giảm 2,3%. Diễn biến ở phiên này lại khiến Phố Wall tiếp tục chứng kiến 1 tháng tồi tệ, S&P 500 trong tháng này giảm hơn 6% và Dow Jones mất 4,5%. Nasdaq Composite cũng sụt 8,5%từ đầu tháng đến nay.
Lo ngại về một làn sóng dịch Covid-19 tái bùng phát đã xuất hiện khi Anh cho biết đang xem xét thực hiện đợt phong tỏa khác để ứng phó với số ca gia tăng. Các nhà khoa học hàng đầu của chính phủ nước này cho biết, nếu không có hành động nào khác được đưa ra, tỷ lệ nhiễm bệnh của quốc gia này có thể lên tới 50.000 người mỗi ngày. Hôm qua, chỉ số FTSE 100 của Anh đã giảm hơn 3% sự lo ngại.
Tại Mỹ, các cổ phiếu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc nền kinh tế đóng cửa đã giảm. Cổ phiếu của Carnival Corp. giảm 6,7%. Southwest Airlines và Delta Air Lines giảm lần lượt 5,8% và 9,2%.
Cổ phiếu công nghệ - vốn dẫn đầu thị trường sau đà sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh và đạt mức kỷ lục, hiện chứng kiến tình trạng bán tháo mạnh. Cổ phiếu Apple, Microsoft và Amazon trong phiên giảm ít nhất 1%. Tuy nhiên, đến cuối phiên, các cổ phiếu này lại hồi phục. Apple tăng 3%, Netflix tăng 3,7% và Microsoft tăng 1,1%.
Cổ phiếu của Nikola, công ty xe điện từng thăng hoa khi công bố dự án về mẫu xe mới, giảm 19,3% sau khi công ty cho biết nhà sáng lập Trevor Milton tự nguyện từ chức chủ tịch điều hành và thành viên hội đồng quản trị. Động thái này diễn ra sau khi công ty bán khống Hindenburg Research cáo buộc Nikola gian lận. SEC và Bộ Tư pháp cũng được cho là đang điều tra công ty này. Cổ phiếu của GM, gần đây nắm giữ 11% cổ phần của Nikola, đã giảm 4,8%.
Trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng bị bán tháo trên diện rộng, sau một báo cáo cho thấy một số ngân hàng toàn cầu bị cáo buộc dung túng hành động rửa tiền. Một cuộc điều tra mới của BuzzFeed và Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) cho thấy các nhân viên tuân thủ (compliance staff) đến từ các ngân hàng lớn đã "gán mác" hơn 2 nghìn tỷ USD trong các giao dịch từ năm 1999 đến 2017 là có thể là rửa tiền hoặc hoạt động tội phạm khác.
Cổ phiếu của Deutsche Bank giảm 8,5%, trong khi JPMorgan Chase giảm hơn 3,3%.
Ngoài ra, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang. Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố các điều khoản đã được lên kế hoạch từ lâu về "danh sách thực thể không đáng tin cậy", chỉ 1 ngày sau khi Mỹ tuyên bố cấm WeChat và TikTok.
Chỉ số S&P 500, Dow Jones và Nasdaq Composite đều ghi nhận tuần giảm điểm thứ 3 liên tiếp, đánh dấu đà lao dốc dài nhất kể từ đầu năm đến nay.