Chứng khoán Mỹ vẫn "đỏ lửa" trong ngày giao dịch đầu tuần
Vào phiên giao dịch hôm thứ Hai (15/10), cổ phiếu công nghệ sụt giảm kéo theo sự lao dốc của các chỉ số lớn khi phố Wall đang "chật vật" để phục hồi sau những đợt giảm mạnh của tuần trước.
- 13-10-2018Tạm kết chuỗi ngày "đen tối", chứng khoán Mỹ hồi phục nhẹ
- 13-10-2018Cổ phiếu Facebook giảm hơn 30% trong vòng 3 tháng vì bê bối "chồng" bê bối
- 12-10-2018Tiếp tục bán tháo ồ ạt, thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến hai ngày tồi tệ nhất trong vòng 8 tháng
S&P 500 giảm 0,6% xuống còn 2.750,79, cổ phiếu ngành công nghệ giảm hơn 1,5%. Nasdaq đóng cửa phiên ở mức giảm 0,9% xuống 7.430,74. Dow Jones cũng đóng cửa với con số không mấy khả quan - 88,94 điểm, ở mức 25.250,55. Mức đỉnh trong ngày của Dow Jones là 142,43 điểm, sau đó giảm xuống còn 96,11 điểm.
Apple và Netflix giảm hơn 1,8%. Cổ phiếu của Netflix giảm sau khi Goldman Sachs và Raymond James hạ mục tiêu giá đối với gã khổng lồ chương trình trực tuyến này. Cổ phiếu của Apple cũng giảm sau khi Goldman Sachs đưa ra dự báo về việc doanh thu của "quả táo" có thể sẽ giảm trong năm nay bởi nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc giảm đi. Trong khi đó, Amazon, Microsoft và Alphabet cũng giao dịch ở mức thấp hơn so với tuần trước.
Cổ phiếu của các công ty sản xuất chip cũng chứng kiến tình trạng tương tự. Giá ETF ngành bán dẫn quản lý bởi VanEck Vector giảm 1,1%, trong đó Nvidia giảm mạnh nhất, 4,5%.
Chiến lược gia đầu tư Rober Pavlik tại StateStone Wealth cho biết: "Bạn đang chứng kiến tình trạng cổ phiếu bị bán ra quá mức và thị trường nên tìm thấy "đáy". Nhưng có một yếu tố xuyên suốt khiến "đáy" vẫn chưa thể xuất hiện, những yếu tố này bao gồm lãi suất và thu nhập."
Các chỉ số lớn đã đánh dấu mức lỗ hàng tuần tồi tệ kể từ tháng 3 năm ngoái khi lãi suất được nâng lên mức cao nhất trong nhiều năm. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng 3,261% trong tuần trước và giao dịch quanh mức 3,15% vào hôm thứ Hai. Các nhà đầu tư lo ngại rằng việc trái phiếu tăng có thể sẽ khiến chi phí vay bị đẩy lên và cuối cùng là nền tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế sẽ chậm lại.
Jim Paulsen, chiến lược gia đầu tư tại The Leuhold Group, cho biết: "Chắc chắn thị trường trái phiếu đang chìm trong những lo ngại do lạm phát gia tăng."
Ông nói thêm: "Nhiều người tin rằng lạm phát sẽ chỉ tăng nhẹ trong sự cân bằng của tình trạng phục hồi như thế này. Tuy nhiên, ngay cả mức tăng vừa phải của tiền lương và lạm phát giá tiêu dùng ở 3,5% đến 4% cũng có thể tạo ra phản ứng tiêu cực từ thị trường trái phiếu."
S&P 500, Dow Jones và Nasdaq đều chứng kiến sự lao dốc không ngừng kể từ tuần trước, đánh dấu chuỗi ngày giảm dài nhất kể từ tháng 6 năm 2016. Sự sụt giảm này "dẫn đầu" bởi các cổ phiếu công nghệ, với mức giảm mạnh nhất là 3,8% vào tháng 3.
Giám đốc chiến lược thị trường vốn tại Goldman Sachs, David Kostin, cho biết đã đến lúc để mua những cổ phiếu đang trên đà tăng bởi tình trạng bán tháo của tuần trước phần lớn đã kết thúc.
Những sự biến động gần đây là do mùa báo cáo thu nhập đang đến gần. Netflix, Morgan Stanley, Johnson & Johnson... đều nằm trong số các công ty dự kiến sẽ công bố báo cáo thu nhập quý III trong tuần này.
Bank of America đã công bố báo cáo thu nhập vào thứ Hai và cho thấy doanh thu cao hơn dự kiến. Tuy nhiên, cổ phiếu lại giảm 1,9%. Những dự báo cho mua thu nhập này là khá cao. Các nhà phân tích dự đoán lợi nhuận của S&P 500 trong quý III sẽ tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.