Chứng khoán sẽ có diện mạo mới
Cần hướng đến mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán ổn định, an toàn, hiệu quả, bền vững, có khả năng chống chịu rủi ro, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế
- 02-11-202215 doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt lớn nhất sàn chứng khoán vay nợ gần nửa triệu tỷ đồng
- 02-11-2022Chứng khoán Việt Nam thường diễn biến ra sao trong tháng 11?
- 01-11-2022“Rất khó tin nếu thị trường chứng khoán Việt Nam không phát triển”
Bộ Tài chính vừa xin ý kiến Thủ tướng về dự thảo quyết định "Phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đến năm 2030" với nhiều mục tiêu quan trọng, trong đó có mục tiêu số nhà đầu tư chứng khoán đạt 10% dân số vào năm 2030. Năm 2002, trung bình mỗi tháng có khoảng 220.000 tài khoản mở mới; lũy kế đến hết tháng 10-2022, toàn thị trường có hơn 6,7 triệu tài khoản.
Quy mô thị trường đạt 100%-120% GDP
Dự thảo của Bộ Tài chính nêu rõ mục tiêu tăng cường liên kết và hội nhập quốc tế, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa TTCK Việt Nam so với các nước phát triển, phấn đấu nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế.
Theo dự thảo, quy mô thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 100% GDP vào năm 2025 và 120% GDP năm 2030; quy mô thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP) vào năm 2025 và 58% GDP (trái phiếu doanh nghiệp đạt 25% GDP) năm 2030. Chứng khoán phái sinh tăng trung bình 20%-30%/năm trong giai đoạn 2021-2030.
Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến khó lường, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách đưa ra giải pháp quản lý hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đáng chú ý, dự thảo đặt mục tiêu số lượng nhà đầu tư trên TTCK bằng 8% dân số vào năm 2025 và 10% dân số vào năm 2030. Trong đó, tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, tỉ trọng trái phiếu Chính phủ từ nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ tăng từ 55% năm 2025 lên 60% vào năm 2030.
Để đạt mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính đề cập nhiều giải pháp như: hoàn thiện khung pháp lý; tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm; tăng cung cho thị trường và cải thiện chất lượng nguồn cung; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng - thông tin trên TTCK...
Phải tạo niềm tin cho nhà đầu tư
Một nhà đầu tư lâu năm cho rằng những vụ thao túng thị trường bị phát hiện, xử lý gần đây đã giúp TTCK "sạch", lành mạnh hơn. Tuy nhiên, những bất ổn trên TTCK ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư, khiến nhiều người vội vã rút khỏi thị trường hoặc "nằm im" chờ đợi. "Nhà đầu tư rất cần niềm tin, động lực để tham gia thị trường trở lại thông qua những chính sách, chế tài hợp lý, tạo điều kiện cho họ" - nhà đầu tư này đặt vấn đề.
Nhà đầu tư này cũng góp ý do TTCK nước ta còn non trẻ, chưa bền vững nên Chính phủ cần cân nhắc trong việc phát triển thị trường phái sinh để tránh tạo kẽ hở cho những hoạt động thao túng. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, có tăng trưởng tốt lên sàn nhằm tăng nguồn cung chất lượng cao, làm đa dạng sự lựa chọn cho nhà đầu tư.
"Không có hàng hóa tốt thì không thu hút được nhà đầu tư tham gia thị trường. Để đạt mục tiêu số lượng nhà đầu tư bằng 10% dân số vào năm 2030, cần có cơ chế, chính sách phát triển TTCK ổn định, an toàn, hiệu quả, bền vững, có khả năng chống chịu rủi ro, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế" - nhà đầu tư nêu trên phân tích.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Đông Á, cho rằng để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia TTCK, các cơ quan quản lý phải có kế hoạch hành động cụ thể, bám sát chủ trương, mục tiêu của Chính phủ đề ra. Theo đó, không cần thiết đưa ra quá nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư mà cần tạo niềm tin vững chắc để họ yên tâm tham gia TTCK.
Theo TS Lê Đạt Chí, Phó Trưởng Khoa Tài chính - Trường ĐH Kinh tế TP HCM, Nghị quyết 86/2022 của Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP; dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP. Năm 2022, quy mô GDP dự kiến đạt 394,5 tỉ USD, nếu duy trì tăng trưởng kinh tế 6%/năm thì đến năm 2025, quy mô GDP dự kiến là 470 tỉ USD. Với vốn hóa TTCK hiện chưa đến 250 tỉ USD, để đạt mục tiêu này, đòi hỏi vốn hóa tăng khoảng 220 tỉ USD trong 2-3 năm tới.
TS Lê Đạt Chí cũng cho rằng nếu đặt mục tiêu TTCK trở thành kênh huy động vốn cho nền kinh tế thì phải tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Một số chính sách đưa ra thời gian qua khiến nhà đầu tư mới tham gia thị trường gặp rủi ro khó lường. Tình trạng cổ phiếu, trái phiếu phát hành tràn lan, thiếu kiểm soát, điển hình là nhóm cổ phiếu liên quan Tập đoàn FLC hay trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cũng đẩy nhà đầu tư rơi vào "cạm bẫy".
"Việc đặt mục tiêu số lượng nhà đầu tư chứng khoán đạt 10% dân số là không cần thiết. Thay vào đó, nên đẩy mạnh phát triển các quỹ đầu tư chuyên nghiệp bởi quỹ này hoạt động bền vững và đem lại nhiều giá trị hơn cho thị trường" - TS Lê Đạt Chí góp ý.
Người Lao động