Chứng khoán tăng không ngừng nghỉ, nhà đầu tư nên làm gì?
Điểm tích cực trong tuần qua còn đến từ giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài khi họ có tuần mua ròng thứ tư liên tiếp trên hai sàn. Ảnh HSC.
Nhà đầu tư được khuyến nghị nên tiếp tục giữ tỷ trọng hợp lý, có thể giải ngân thêm khoảng 10-20% sức mua hiện đang có cho mục tiêu lướt sóng ngắn hạn.
- 29-11-2022Góc nhìn CTCK: VN-Index hướng tới 1.080 điểm, nhà đầu tư không nên quá hưng phấn
- 29-11-2022Nhà đầu tư có nên bắt đáy cổ phiếu vừa thoát sàn?
- 27-11-2022Góc nhìn chuyên gia: Thị trường tạo đáy ngắn hạn và những hoảng loạn đã dần qua đi, nhà đầu tư có thể tranh thủ tích luỹ cổ phiếu đang được "sell-off"
VN-Index nối dài mạch tăng điểm của tuần trước với sắc xanh lan tỏa khắp thị trường trong 3 phiên đầu tuần này, từ đó giúp chỉ số chung tiếp cận khu vực 1.070 điểm. Đà tăng có phần chững lại khi chịu áp lực bán chốt lời T+ vào phiên ngày 1/12, qua đó chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng điểm liên tiếp. Song giao dịch trên thị trường lại rất sôi động trong phiên đầu tháng, đẩy thanh khoản thị trường tăng đột biến với giá trị khớp lệnh trên HoSE lên đến hơn 20.300 tỷ đồng, cao hơn gần 42% so với phiên trước đó, đánh dấu mức thanh khoản cao nhất trong hơn 7 tháng kể từ ngày 22/4.
Sang đến phiên cuối tuần, lực cầu tăng mạnh đã giúp thị trường nở rộ sắc tím và với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu trụ cột bank - chứng - thép, chỉ số VN-Index "bốc đầu" tăng tới gần 45 điểm, trở thành chỉ số tăng mạnh nhất Châu Á. Nhịp tăng với biên độ cao đã giúp nhiều nhà đầu tư ghi nhận lợi nhuận hai, thậm chí ba chữ số, tâm lý bảo vệ thành quả được đẩy lên cao.
Kết thúc tuần giao dịch (28/11-2/12), VN-Index tăng 108,55 điểm (+11,2%) lên 1.080,01 điểm, HNX-Index tăng 19,19 điểm (+9,8%) lên 215,96 điểm. Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 78,4% so với tuần trước đó lên 91.678 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 70,6% lên 5.476 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 86% lên 7.337 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 74,6% lên 597 triệu cổ phiếu.
Điểm tích cực trong tuần qua còn đến từ giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài khi họ có tuần mua ròng thứ tư liên tiếp trên hai sàn với tổng cộng giá trị mua ròng đạt 9.330,7 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, HPG là mã chứng khoán được mua nhiều nhất với 81,6 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là STB và SSI với lần lượt 40 triệu cổ phiếu và 29,8 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, HPX là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 36 triệu cổ phiếu.
Tính trong hơn một tháng trở lại đây, khối ngoại đã mua ròng lên đến hơn 19.000 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh trên sàn chứng khoán Việt Nam, con số kỷ lục trong lịch sử.
Đánh giá về tuần giao dịch vừa qua, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS cho biết việc các cổ phiếu bất động sản, ngân hàng quay lại dẫn dắt thị trường, tâm lý nhà đầu tư đã lạc quan cùng khối lượng giao dịch khởi sắc đã giúp chứng khoán Việt tăng mạnh.
"Dù thị trường bứt phá tốt trong tuần qua song có thể vấp phải nhịp điều chỉnh do áp lực chốt lời, vì vậy, nhà đầu tư cần bình tĩnh và tham gia với tầm nhìn dài hạn để đạt hiệu quả cao", chuyên gia MBS khuyến nghị.
Cùng chung quan điểm, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS cho rằng sau 5 phiên tăng điểm liên tiếp VN-Index đã xuất hiện những nhịp rung lắc tại vùng giá 1.050 điểm khi nhiều cổ phiếu tăng nóng đã điều chỉnh, do vậy vị thế đầu tư dài hạn nên được ưu tiên.
"Vào đầu tuần tới chủ yếu diễn ra diễn biến tăng điểm đan xen trong biên độ hẹp của các chỉ số. Hiện tại, việc đầu tư theo tầm nhìn dài hạn sẽ là thông điệp thông suốt, cần kiên trì nắm giữ những cổ phiếu có triển vọng. Còn đối với giao dịch ngắn hạn, cần lưu ý điểm mua và điểm bán. Trong tháng 12, tôi kỳ vọng VN-INdex sẽ vươn tới vùng 1.100-1.250 điểm khi nhận được nhiều sự hỗ trợ từ lực mua ròng của khối ngoại cùng thanh khoản khởi sắc", ông Khánh dự báo.
Với tuần bùng nổ vừa qua, SHS nhận định VN-Index chính thức phá vỡ kênh downtrend trung hạn kéo dài từ tháng 8/2022 đến nay một cách thuyết phục nhờ đà hồi phục mạnh mẽ kèm khối lượng giao dịch tăng đột biến. Bên cạnh đó, những tín hiệu kỹ thuật tích cực của chỉ số chính còn được củng cố thêm bởi những vận động tích cực từ dòng tiền khối ngoại (liên tục mua ròng trong thời gian qua) và các cổ phiếu dẫn dắt các ngành như VCB, BID, HPG, FPT, GAS...đã vận động tốt trước cả thời điểm thị trường chung hồi phục đã tạo ra hưng phấn lan tỏa toàn thị trường.
Dù vậy, nếu xét trên tổng thể, theo SHS vẫn chưa thể xác nhận thị trường sẽ tạo ra xu thế uptrend mới hay trạng thái hồi phục có tính kỹ thuật nhiều hơn do giai đoạn giảm mạnh quá đà thời gian qua.
"1.000 điểm vừa là ngưỡng hỗ trợ tâm lý nhưng cũng là vùng đã tích lũy rất tin cậy trước thời điểm đại dịch COVID, do đó việc chỉ số chính thủng ngưỡng hỗ trợ này trong trạng thái tâm lý hoảng loạn trước đây là trạng thái giảm quá đà nên thị trường hồi phục mạnh khi tâm lý ổn định lại là quá trình thường có và có thể dự báo được. 1.150 điểm sẽ là ngưỡng kháng cự mạnh cần phải chú ý", báo cáo của SHS nêu.
Nhóm phân tích này lưu ý, mặc dù cơ hội đầu tư đã mở ra nhưng thị trường cần có những giai đoạn điều chỉnh và tích lũy thêm, do đó nhà đầu tư không nên quá hưng phấn giải ngân trong các phiên tăng để tránh rủi ro bị vướng vào các vùng điều chỉnh. Chiến thuật hợp lý nhất là kiên nhẫn chờ đợi các đợt điều chỉnh, mục tiêu giải ngân nên hướng tới nắm giữ trung hạn, lựa chọn các cổ phiếu có nền tảng cơ bản và đà tăng trưởng tốt bị bán quá đà trong giai đoạn downtrend vừa qua.
Về góc nhìn kỹ thuật, VCBS cho rằng việc VN-Index rung lắc tích lũy là điều bình thường trong nhịp phục hồi. Theo lý thuyết sóng, chỉ số chính đang bước vào nhịp phục hồi sóng 4 và đã vượt qua mốc 1.030 tương đương với ngưỡng 0,618 của thang đo Fibonacci thoái lui. Xác xuất cao VN-Index vẫn sẽ tiếp tục hướng lên các vùng điểm phía trên quanh 1.080 và xa hơn là 1.130 trước khi xuất hiện áp lực bán mạnh hơn. VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục giữ tỷ trọng hợp lý, có thể giải ngân thêm khoảng 10-20% sức mua hiện đang có cho mục tiêu lướt sóng ngắn hạn.
Nhà đầu tư