MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán “thử lửa” tâm lý đầu tư

Thị trường chứng khoán đã có 3 phiên hồi phục và tăng điểm liên tiếp, tuy nhiên trong ngắn hạn các chuyên gia vẫn khuyến nghị nhà đầu tư cần sự thận trọng. (Ảnh minh họa: Quốc Tuấn)

Thị trường chứng khoán đã có 3 phiên hồi phục và tăng điểm liên tiếp, tuy nhiên trong ngắn hạn các chuyên gia vẫn khuyến nghị nhà đầu tư cần sự thận trọng. (Ảnh minh họa: Quốc Tuấn)

Thị trường chứng khoán tháng 10 bước vào tuần thứ 2 với những phiên tuột dốc mạnh, dao động sát ngưỡng 1.000 điểm. Ngay cả tín hiệu bừng sáng 3 phiên cuối tuần cũng chưa nói lên điều gì chắc chắn.

Đây là ngưỡng quan trọng của VN-Index, đặc biệt trong mức độ “thử lửa” tâm lý nhà đầu tư ở cả tháng 10.

Chứng khoán “thử lửa” tâm lý đầu tư - Ảnh 1.

VN-Index liên tục điều chỉnh giảm trong đầu tháng 10, có thời điểm xuống tới 1.012 điểm.

Tác động tiêu cực

Lo ngại lớn nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK) hiện tại đã xuất hiện từ tháng 9 với quyết định tăng lãi suất của FED, và NHNN Việt Nam cũng đã mạnh tay tăng lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản. Tuy nhiên, việc bình thường hóa chính sách tiền tệ này vốn đã được dự báo từ trước.

Sắp bước vào trung tuần tháng 10, TTCK sẽ đón nhận một số thông tin tiêu cực. Cụ thể là thông tin liên quan đến việc xử lý tại Tập Đoàn Vạn Thịnh Phát và bắt giam khởi tố Chủ tịch, bà Trương Mỹ Lan cùng những người có liên quan đã bị bắt giữ để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, xuất hiện hiện tượng rút tiền tại SCB, khi có tin đồn cho rằng SCB liên quan đến tập đoàn này. Tuy nhiên, bà Trương Mỹ Lan và Công ty An Đông bị khởi tố qua rà soát đã được xác nhận không phải là cổ đông SCB. Mặt khác, NHNN đã tái khẳng định mọi khoản tiền gửi của người dân tại ngân hàng đều được Nhà nước đảm bảo.

Tin xấu xuất hiện liên tục, khiến VN-Index liên tục đánh mất các vùng hỗ trợ. Cụ thể, VN-Index đã mất mốc hỗ trợ 1.100 điểm và vào cuối tuần trước, VN-Index đã là chỉ số dẫn đầu kém khả quan nhất thế giới.

Một cách định lượng, Công ty Chứng khoán MSVN đánh giá, VN-Index có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh do ảnh hưởng từ chuỗi sự kiện này và việc điều tra bắt giữ vẫn chưa có dấu hiệu đi đến hồi kết. Ngành ngân hàng và bất động sản (chiếm hơn 50% toàn thị trường) có khả năng tiếp tục điều chỉnh. Bên cạnh đó, thị trường còn tiếp tục chịu những yếu tố tiêu cực khác, điển hình như căng thẳng tỷ giá, lãi suất tiếp tục tăng trong bối cảnh FED duy trì quan điểm “diều hâu” về việc điều hành chính sách tiền tệ cho đến năm 2023, xung đột leo thang tại Ukraine…

Còn cơ sở phục hồi

Tuy nhiên, tin xấu liên quan đến xử lý sai phạm trên thị trường cũng được giới chuyên môn đánh giá sẽ là tin tốt cho triển vọng thị trường dài hạn khi sự minh bạch hóa ngày càng được nâng cao, quyền lợi các nhà đầu tư được bảo vệ.

Cùng với Nghị định 65/2022 vừa được ban hành, doanh nghiệp vừa được tháo nút nghẽn để tiếp tục phát hành trái phiếu trong một hành lang pháp lý rõ ràng hơn, nhà đầu tư cũng tham gia thị trường trong một chuẩn và hệ tiêu chí giám sát cụ thể, đầy đủ, chặt chẽ hơn.

MSVN cho rằng thị trường đã phần nào phản ánh những tiêu cực trên khi định giá của VN-Index hiện tại đã bị chiết khấu mạnh và P/E hiện đang giao dịch ở mức 11,2 lần (dưới mức -2 độ lệch chuẩn của trung bình 5 năm). Nếu đối chiếu với bối cảnh năm 2012, khi sự kiện bầu Kiên bị bắt giữ xảy ra, VN-Index giảm mạnh nhưng chỉ về tới mức P/E là 10,5 lần.

“Thời điểm hiện tại so với năm 2012 đã có những khác biệt rõ rệt: Kinh tế vĩ mô đã được cải thiện rất nhiều so với năm 2012. Hệ thống ngân hàng đã được củng cố và có được lòng tin của người dân hơn so với thời điểm 2012”, các chuyên gia MSVN đánh giá.

Theo ông Andy Hồ, CEO Vina Capital, VN-Index sẽ còn phục hồi và thời điểm phục hồi có thể sẽ vào cuối năm 2022. Bởi với định giá thị trường khá rẻ như hiện tại, nhiều cổ phiếu đã rất hấp dẫn với các nhà đầu tư dài hạn.

Ngoài P/E của TTCK đã về mức khá rẻ, các yếu tố bệ phóng cho thị trường dài hạn còn đến từ tăng trưởng GDP Việt Nam, theo MSVN sẽ vẫn được duy trì lần lượt là 8% cho năm 2022 và 6% cho năm 2023. Nhiều định chế tài chính lớn trên thị trường toàn cầu như HSBC hay UOB vẫn giữ dự báo tăng trưởng GDP ở mức cao của Việt Nam, như một điểm sáng trong bức tranh toàn cầu có nguy cơ chìm trong suy thoái.

ACBS đặt kịch bản cơ sở với chỉ số VN-Index sẽ khoảng 1.400 điểm vào cuối năm 2022. Trong kịch bản lạc quan, VN-Index có thể đạt mức 1.500-1.600 điểm. Trong kịch bản bi quan, VN-Index sẽ gặp khó khăn để tăng điểm vào cuối năm, kết thúc giao dịch ở mức 12,5 lần lợi nhuận để đóng quanh mức 1.200 điểm.

Các ngành triển vọng

Sẽ không dễ để lựa chọn các ngành hấp dẫn cho danh mục đầu tư trong vài tuần tới, mặc dù thị trường có định giá rẻ, cơ hội và khoảng trống cho mọi lựa chọn đang rộng hơn, với thời gian dài hơn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, TTCK đang tiếp tục ghi nhận sự phân hóa của các mã cổ phiếu ngành ngân hàng. Điều này dẫn đến sự hấp dẫn của các mã cổ phiếu ngân hàng nhưng chỉ phù hợp cho những đầu tư dám nhìn xa trông rộng. “Với sự hoảng loạn của nhà đầu tư cá nhân và tính thanh khoản giảm của thị trường, rủi ro giảm giá có thể sẽ xảy ra đối với hầu hết các ngành trong trung hạn. Các ngành đã trải qua giai đoạn giảm giá đáng kể trong 9/2022 sẽ ít rủi ro giảm hơn, ví dụ như ngân hàng, ngành thép hoặc một số cổ phiếu có ít sự tham gia từ nhà đầu tư cá nhân”, MSVN đánh giá.

Đối với ngành bán lẻ và tiêu dùng trong nước, các công ty bán lẻ có kết quả quý III khả quan như MSN, VIC, DGW, FRT, KDC, MWG, PNJ, SAB… đã thể hiện các xu hướng dài hạn đủ mạnh và mức định giá hiện tại hấp dẫn để các nhà đầu tư dài hạn tích lũy.

Với ngành hạ tầng và các ngành liên quan có nhu cầu tăng tốc phát triển cơ sở hạ tầng và đô thị hóa, tăng cường dòng vốn FDI và xuất khẩu. HPG, GAS, FPT, PLC, DGC, hay nhóm khu công nghiệp (BCM, KBC), logistics (GMD, ACV, VTP) là những mã cổ phiếu đáng được quan tâm.

Theo Thuận Hóa

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên