MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ, Dow Jones có lúc mất tới hơn 700 điểm khi thị trường đón thêm "tin dữ" từ Credit Suisse

15-03-2023 - 20:54 PM | Tài chính quốc tế

Chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ, Dow Jones có lúc mất tới hơn 700 điểm khi thị trường đón thêm "tin dữ" từ Credit Suisse

Thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ đang bị bán tháo mạnh sau khi xuất hiện tin đồn cho rằng Credit Suisse sắp vỡ nợ, làm trầm trọng thêm những áp lực với nhà đầu tư.

Thông tin tiêu cực đã khiến cổ phiếu Credit Suisse giảm 20% trong phiên giao dịch 15/3 theo giờ châu Âu. Cùng với đó, bộ chỉ số các ngân hàng châu Âu cũng mất 6% giá trị. Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) kỳ hạn 5 năm của ngân hàng hàng đầu Thụy Sĩ cũng tăng lên mức kỷ lục mới, cho thấy nhà đầu tư ngày càng quan ngại.

"Thị trường đang rất hoảng loạn. Các vấn đề với lĩnh vực ngân hàng ở Mỹ chưa kịp lắng xuống thì tin xấu lại xuất hiện với các ngân hàng châu Âu", Carlo Franchini, lãnh đạo cấp cao tại Banca Ifigest, trụ sở ở Milan, Italy, nhận định.

Khi thị trường chứng khoán Mỹ bước vào phiên giao dịch ngày 15/3, Dow Jones có lúc giảm tới gần 725 điểm, tương đương 2%. S&P 500 thì mất tới đỉnh điểm là gần 80 điểm, tương đương 2%. Nasdaq thì giảm 117,77 điểm (1,03%).

Tuy nhiên, thông tin tích cực từ Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ đã giúp chứng khoán Mỹ phục hồi trở lại.  Kết phiên giao dịch 15/3, Dow Jones đóng cửa với mức giảm 280,83 điểm, tương đương 0,9% xuống còn 31.874,47 điểm. S&P500 giảm 0,7% xuống 3.891,93 điểm. Trong khi đó Nasdaq tăng 0,05% lên 11.434,05 điểm.

Tính tới 22h theo giờ Hà Nội, DAX của Đức mất 371,78 điểm (2,41%). FTSE 100 của Anh cũng giảm 2,8% còn CAC 40 của Pháp mất gần 3%. Hầu hết các chỉ số chính của thị trường chứng khoán châu Âu đang chìm trong sắc đỏ.

Thị trường châu Á đón tin dữ sau giờ giao dịch nên chưa thể xác định được tác động của nó.

Sự việc với Credit Suisse tiếp tục nối dài cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng, nhất là khi thế giới phải chứng kiến 2 vụ sụp đổ chớp nhoáng của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và Signature Bank. Hai ngân hàng Mỹ đều phải gánh hậu quả khi không thể quản lý rủi ro trước việc FED liên tiếp tăng lãi suất.

Đến sáng 15/3, mọi sự chú ý đổ dồn sang châu Âu khi xuất hiện thông tin cho rằng Credit Suisse đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Điều này cũng đã khiến cổ phiếu ngân hàng hàng đầu Thụy Sĩ tụt xuống còn hơn 2 Euro, mức thấp nhất mọi thời đại. Trong khi đó, Ngân hàng Quốc gia Saudi, nhà đầu tư lớn nhất của Credit Suisse, cho biết họ không thể cung cấp thêm bất cứ khoản tài trợ nào nữa.

Và Credit Suisse không phải nạn nhân duy nhất. Tin xấu từ ngân hàng này đã khiến hàng loạt cổ phiếu ngân hàng trên toàn cầu bị bán tháo. Citigroup và Wells Fargo lần lượt giảm 5% và 4% trong khi Goldman Sachs và Bank of America lần lượt giảm 4% và 3%.

Trớ trêu thay, cú giảm này đã làm tiêu tan mọi hy vọng khi trong phiên trước đó, cổ phiếu các ngân hàng tăng trở lại do các nhà đầu tư tin rằng sự việc với SVB và Signature Bank đã phần nào được kiểm soát. Chính phủ Mỹ và FED đã hành động mạnh tay nhằm ngăn chặn hậu quả có thể lây lan.

Peter Boockvar của Bleakley Financial Group cho rằng: "Áp lực với lĩnh vực tài chính, ngân hàng đang gia tăng trên diện rộng vì cú sập đã khiến tư duy thay đổi. Điều này cho chúng ta biết các ngân hàng có thể sẽ bắt đầu hạn chế cho vay để tập trung nhiều hơn vào củng cố bảng cân đối kế toán của mình".

Theo báo cáo tài chính mới công bố, khách hàng của Credit Suisse đã rút số tiền lớn chưa từng thấy vào đầu tháng 10 và vẫn chưa được cải thiện kể từ tháng này, dù đã ổn định sau nhiều nỗ lực. Ngân hàng này cho biết họ cũng đã sử dụng "đệm" thanh khoản do ảnh hưởng của làn sóng rút tiền năm ngoái. Hiện tại, Credit Suisse cung cấp lãi suất tiền gửi cao hơn đáng kể so với các đối thủ để thu hút khách hàng.

Nguồn: Tổng hợp

Linh Anh

Nhịp sống Thị trường

Trở lên trên