Chứng khoán toàn cầu giảm mạnh
Cổ phiếu bị bán tháo trên diện rộng với chỉ số S&P 500 sắp xóa sạch số điểm đã tăng được từ đầu năm đến nay.
- 11-03-2023SVB - nhà băng quản lý hàng trăm tỷ đô chính thức sụp đổ, cơ quan quản lý tịch thu tài sản để chuẩn bị thanh lý
- 10-03-2023Vụ nhà đầu tư Mỹ 'xả' cổ phiếu ngân hàng, lo sợ rủi ro toàn hệ thống: SVB là ai, có phải là Lehman Brothers thứ 2 hay không?
- 10-03-2023Bữa trưa giá 1 đồng xu của Thống đốc NHTW Nhật Bản và những điều kỳ lạ khi lạm phát ập đến sau hơn 30 năm giảm phát
Thị trường chứng khoán toàn cầu đang bước vào thời kỳ sóng gió mới. Vụ phá sản của SVB Financial Group làm dấy lên nhiều lo ngại về toàn bộ ngành ngân hàng trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ đang theo đuổi chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong 40 năm trở lại đây.
Bất chấp nhiều chuyên gia đã lên tiếng khẳng định có rất ít khả năng xảy ra 1 cuộc khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống, tâm lý của nhà đầu tư vẫn rung lắc mạnh. Cổ phiếu bị bán tháo trên diện rộng với chỉ số S&P 500 sắp xóa sạch số điểm đã tăng được từ đầu năm đến nay. Nhà đầu tư quay sang rót tiền vào trái phiếu – loại tài sản an toàn đang tăng giá sau khi số liệu việc làm mới nhất mang đến tia hi vọng mong manh rằng Fed có thể sẽ không tăng tốc độ tăng lãi suất.
Chứng khoán Mỹ khép lại tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 9 năm ngoái. CBOE Volatility Index – chỉ số đo lường mức độ biến động trên phố Wall và cũng được gọi là “thước đo sợ hãi” – chạm mốc cao nhất kể từ đầu năm.
Vốn đang u ám vì triển vọng Fed tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất, nhà đầu tư càng quay lưng với các tài sản rủi ro sau khi có tin Silicon Valley Bank trở thành vụ phá sản ngân hàng lớn nhất tại Mỹ trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây. Ngay trong tuần này, 1 định chế tài chính khác là Silvergate Capital vừa thông báo tự nguyện thanh lý mảng ngân hàng.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng bị ngừng giao dịch vì giảm quá sâu. Cổ phiếu của First Republic giảm 14,8%, PacWest giảm tới 37,9%. Kể cả những ông lớn cũng bị ảnh hưởng. Cổ phiếu của Goldman Sachs và Bank of America giảm lần lượt 4,2% và 0,9%.
Theo Peter van Doojieweert, chuyên gia đang làm việc tại Man Solutions, chúng ta mới chỉ bắt đầu cảm nhận những tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ lên thị trường tài chính và nền kinh tế. Trong kịch bản tồi tệ nhất, chỉ số CPI (được công bố vào tuần tới) tiếp tục neo ở mức cao, buộc Fed phải mạnh tay dù sự ổn định của hệ thống tài chính đang có dấu hiệu lung lay.
Tổng cộng nhà đầu tư đã rút 500 triệu USD ra khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu, ngược lại đổ thêm 18,1 tỷ USD vào tiền mặt và 8,2 tỷ USD vào trái phiếu, theo dữ liệu của EPFR Global thống kê tuần từ 1 đến 8/3.
Dưới đây là một số diễn biến chính trên thị trường tài chính quốc tế trong phiên hôm qua (10/3).
Cổ phiếu
Chỉ số S&P 500 và Nasdaq 100 chốt phiên giảm 1,4%
Chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 1,1%
MSCI World Index giảm 1,4%
Tiền tệ
Chỉ số Bloomberg Dollar Spot giảm 0,4%
Đồng euro tăng giá 0,5%, lên 1 euro đổi 1,0639 USD
Bảng Anh tăng 0,8%, lên 1,2026 USD
Yên Nhật tăng 1%, lên 134,83 yên đổi 1 USD
Tiền số
Bitcoin giảm 1,2%, xuống còn 19.974,68 USD Ether giảm 1% xuống còn 1.418,3 USD
Trái phiếu
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ 10 năm giảm 22 điểm cơ bản, xuống 3,68% Lợi suất trái phiếu kho bạc Đức giảm 13 điểm cơ bản xuống 2,51% Lợi suất trái phiếu kho bạc Anh giảm 16 điểm cơ bản xuống 3,64%
Hàng hóa
Giá dầu thô West Texas Intermediate tăng 1,1% lên 76,56 USD/thùng Giá vàng tương lai tăng 2,1% lên 1.873,60 USD/ounce
Tham khảo Bloomberg
Nhịp sống thị trường