Chứng khoán TPS đặt kế hoạch lãi 500 tỷ, tăng vốn lên 5.000 tỷ trong năm 2022
Bước sang năm 2022, TPS dự kiến doanh thu tiếp tục tăng 46% lên 1.981 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 500 tỷ đồng, tăng 85%.
Với đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán (TTCK) trong năm qua, triển vọng của thị trường hiện rất sáng khi ngành chứng khoán đang được hưởng lợi nhờ môi trường lãi suất thấp do Chính phủ nới lỏng tiền tệ để phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, ghi nhận theo quan điểm Chứng khoán Tiên Phong (TPS) tại BCTN 2021.
Song song, TPS cũng cho biết Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan quản lý xây dựng các chính sách, giải pháp phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2030; cùng với việc cơ cấu tổ chức lại các Sở GDCK để thống nhất giao dịch, đảm bảo minh bạch cũng là động lực đưa TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung dài hạn chủ yếu của nền kinh tế.
Với những luận điểm trên, TPS nhận định TTCK sẽ tiếp tục đạt được những kỷ lục mới, bùng nổ về thanh khoản và điểm số trong năm 2022. Về dài hạn TPS đánh giá, TTCK có thể tăng trưởng mạnh trong 5-10 năm tới, bởi:
+ Dù có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 năm trở lại đây nhưng số lượng người có tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3% dân số cả nước. Chính phủ đặt mục tiêu tỷ lệ người tham gia TTCK Việt Nam sẽ tăng lên 5% vào năm 2025 và 10% vào năm 2030.
+ Tầng lớp trung lưu và thượng lưu tăng lên khiến tài sản, tiền tích luỹ sau mỗi năm càng nhiều trong khi các kênh đầu tư ở Việt Nam chưa thực sự mạnh mẽ đa dạng như các quốc gia phát triển cũng như cùng trong khu vực. Do đó, trong tương lai kênh đầu tư chứng khoán là một kênh được hưởng lợi khi các dòng tiền tích luỹ, hưu trí tăng.
+ Xu hướng thoái vốn của Nhà nước vẫn còn tiếp diễn mạnh trong vài năm tới và sẽ tạo ra sự thu hút với dòng tiền lớn quốc tế, tăng khả năng nâng hạng TTCK cũng như tạo ra nhiều thương vụ cho các CTCK thực hiện và thu phí.
+ Công nghệ và các sản phẩm phái sinh phát triển sẽ dẫn dắt sự phát triển của ngành.
Riêng về nội bộ TPS, Công ty dự kiến tiếp tục tăng quy mô vốn trong năm 2022 nhằm mở rộng năng lực kinh doanh các nghiệp vụ (bảo lãnh phát hành chứng khoán, tự doanh, góp vốn đầu tư, tư vấn chứng khoán, chào bán và phân phối chứng quyền có bảo đảm, tham gia thị trường chứng khoán phái sinh…).
Cụ thể, TPS dự kiến phát hành 300 triệu cổ phiếu thông qua 2 phương án: (i) Phát hành quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu dự kiến 200 triệu cổ phiếu và chào bán cổ phiếu riêng lẻ dự kiến 100 triệu cổ phiếu. Nếu thành công, vốn điều lệ của TPS sẽ tăng 2,5 lần lên 5.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2022 sau khi được sự chấp thuận của UBCKNN.
Trong đó, với phương án phát hành quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, giá chào bán dự kiến dao động từ 12.000 đồng/cp đến 15.000 đồng/cp, tỷ lệ thực hiện quyền 1:1. Số cổ phiếu phát hành/chào bán thêm do cổ đông thực hiện quyền mua không bị hạn chế chuyển nhượng. Cổ đông hiện hữu đang sở hữu cổ phiếu trong tình trạng hạn chế chuyển nhượng vẫn được phân bổ quyền mua và số cổ phiếu mua thêm từ việc thực hiện quyền mua không bị hạn chế chuyển nhượng.
Còn với phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ, giá phát hành dự kiến dao động từ 15.000 đồng/cp đến 17.500 đồng/cp. Số cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng 1 (một) năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp được chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, TPS cũng huy động tiếp 3.000 tỷ trái phiếu nhằm mục đích phân bổ cho các hoạt động của Công ty, bao gồm bổ sung vốn cho nghiệp vụ tự doanh, tư vấn, bảo lãnh phát hành chứng khoán và/hoặc các nghiệp vụ, hoạt động kinh doanh hợp pháp khác; và thực hiện các hoạt động đầu tư vốn khác.
Trước đó năm 2021, Công ty cũng đã thực hiện tăng vốn điều lệ gấp đôi lên 2.000 tỷ đồng, song song huy động 1.000 tỷ trái phiếu doanh nghiệp.
Về chỉ số kinh doanh, năm 2021 TPS ghi nhận doanh thu 1.346 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 271 tỷ đồng, tăng lần lượt 245% và 162% so với năm 2020. Đây cũng là kết quả kinh doanh cao nhất kể từ khi thành lập.
Để đạt được các mục tiêu trên, TPS tập trung đẩy mạnh phát triển các giải pháp số hóa sản phẩm, dịch vụ; tích hợp đa sản phẩm trên cùng nền tảng giúp khách hàng quản trị tài sản tối ưu; tự động hóa quy trình và liên kết các phần mềm vận hành sản phẩm: các phần mềm vận hành sản phẩm sẽ được liên kết để xử lý giao dịch, với thông tin khách hàng được quản lý tập trung tại Core TTL (Transaction Technologies Services), đảm bảo sự đồng nhất và bảo mật; xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu tập trung (Data Warehouse), đây là kho dữ liệu để TPS phân tích và đưa ra các chiến lược chăm sóc khách hàng, cung cấp sản phẩm đa dạng/linh hoạt, kịp thời có giải pháp nhằm giữ chân khách hàng.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị