Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm dù tăng mạnh đầu phiên
Trái ngược với sự hứng khởi đầu phiên giao dịch, các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều đã đồng loạt giảm điểm.
- 27-09-2022Chứng khoán Mỹ tiếp tục trượt dài, Dow Jones bước vào thị trường giá xuống
- 23-09-2022Rút hết tiền khỏi chứng khoán vì lạm phát, thế hệ thiên niên kỷ và Gen Z sẽ phải nuối tiếc?
- 22-09-2022Chứng khoán Mỹ lao dốc sau cảnh báo của Chủ tịch Fed
- 20-09-2022Lần đầu tiên trong 6 ngày, chứng khoán châu Á mới nhìn thấy sắc xanh
Tính tới 0h05’ ngày 28/9 theo giờ Hà Nội, Dow Jones đã giảm gần 230 điểm, tương đương 0,78%. S&P 500 cũng giảm 25,84 điểm, tương đương 0,71% trong khi Nasdaq mất 41,17 điểm, tương đương 0,38%.
Màu xanh đã nhường chỗ cho màu đỏ trên thị trường chứng khoán Mỹ lúc 0h04' ngày 28/9 theo giờ Hà Nội.
Nếu màu xanh không trở lại, chứng khoán Mỹ sẽ có phiên giao dịch thứ 6 liên tiếp chìm trong sắc đỏ. Điều này có thể gây ra “tiếc nuối” cho các nhà đầu tư, những người kỳ vọng vào một cú hồi của thị trường chứng khoán Mỹ.
Đầu phiên giao dịch, Dow Jones có lúc tăng 328 điểm, tương đương 1,1%. S&P 500 tăng 1,5% còn Nasdaq tăng tới 2%. Vào lúc 21h51 theo giờ Hà Nội, Dow Jones tăng gần 300, tương đương hơn 1%. S&P 500 cũng tăng 43,16 điểm, tương đương 1,18%. Riêng Nasdaq tăng 176,33 điểm, tương đương 1,63%. Russell 2000 cũng đã tăng 24.06 điểm, tương đương 1,45%. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sắc xanh đã hoàn toàn biến mất.
Sắc xanh bao phủ các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ lúc 21h51 ngày 27/9 theo giờ Hà Nội.
Thị trường chứng khoán châu Âu cũng đã kết thúc phiên giao dịch ngày 27/9 với màu đỏ bao trùm. DAX của Đức giảm 88,24 điểm, tương đương 0,72%. FTSE 100 của Anh giảm 36,36 điểm, tương đương 0,52% còn CAC 40 của Pháp cũng mất 15,57 điểm, tương đương 0,27%. Vài giờ trước,c ác chỉ số này đều xanh nhẹ.
Đồng bảng Anh cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi tăng vào đầu phiên nhưng đã giảm ở thời điểm hiện tại. 1 bảng Anh hiện chỉ đổi đươc 1.0664 USD, thấp hơn so với mức 1 bảng đổi 1.087 USD của vài giờ trước. Tuy nhiên, nó vẫn cao hơn so với đáy mọi thời đại là 1 bảng đổi 1.0382 được xác lập một ngày trước đó.
Với những diễn biến mới nhất, thị trường chứng khoán Mỹ đứng trước nguy cơ phiên giảm điểm thứ 6 liên tiếp. Trước đó, việc chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ tăng cộng với tâm lý hứng khởi lúc đầu phiên đã khiến nhiều người lạc quan về một cú hồi trên thị trường. Tuy nhiên, với những biến động đảo chiều trong phiên, phải chờ tới khi kết phiên giao dịch mới có thể chắc chắn chứng khoán Mỹ tăng hay giảm.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của đợt bán tháo những ngày qua bắt nguồn từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thể hiện quyết tâm chống lạm phát bằng tăng lãi suất. Thị trường tiền tệ toàn cầu vì thế cũng chao đảo. Hôm 26/9, đồng bảng anh rơi xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD, khiến các nhà đầu tư ở cả 2 bờ Đại Tây Dương lo lắng.
Hôm nay, Mỹ sẽ công bố một số dữ liệu kinh tế mới, bao gồm chỉ số niềm tin của người tiêu dùng trong tháng 9, số đơn hàng tiêu dùng (sử dụng dài hạn) trong tháng 8 và giá nhà tháng 7. Phố Wall ngày càng lo ngại cuộc chiến chống lạm phát của FED sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Tham khảo: CNBC
Nhịp sống Thị trường