Chứng khoán Việt giảm mạnh thứ hai thế giới
VN-Index lọt top các chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới. Ảnh: Trọng Hiếu.
Tính trong 1 tuần trở lại đây, VN-Index giảm 4,28%, xếp thứ hai thế giới, chỉ sau chỉ số chứng khoán của Argentina (-18,14%).
- 29-10-2023Góc nhìn chuyên gia: Nhà đầu tư cần tính đến kịch bản VN-Index về dưới 1.000 điểm
- 29-10-2023Từng chiếm gần 1/4 giá trị sàn chứng khoán Việt Nam, tổng vốn hóa “họ” Vingroup giờ chưa bằng Vietcombank
- 29-10-2023Lịch chốt quyền cổ tức tuần 30/10-3/11: Cổ tức tiền mặt cao nhất 30%
Dữ liệu từ StockQ cho thấy, xét trong 1 tuần và 1 tháng gần nhất, chỉ số VN-Index lần lượt xếp thứ 2 và thứ 4 các chỉ số chứng khoán diễn biến tiêu cực nhất thế giới.
Theo đó, với phiên “bán tháo” trong ngày 26/10 (cũng là mức giảm sâu nhất kể từ tháng 8), VN-Index tính trong 1 tuần trở lại đây giảm 4,28%, xếp thứ 2 sau chỉ số chứng khoán của Argentina (-18,14%).
Còn xét trong 1 tháng trở lại đây, VN-Index giảm 8,08%, xếp sau các chỉ số chứng khoán của Israel (-12,96%), UAE Dubai (-8,85%), NBI BioTech (-8,53%).
Lý giải về hiện tượng VN-Index giảm mạnh phiên 26/10, quỹ tỷ đô Dragon Capital cho rằng nguyên nhân đến từ việc 2 mã VIC và VHM giảm hết biên độ từ sớm với dư bán sàn hàng chục triệu cổ phiếu; và thông tin tập đoàn bất động sản Country Garden của Trung Quốc có thể đã vỡ nợ.
Trong ngày 25/10, theo nguồn tin thân cận từ Bloomberg, Citicorp International – bên được ủy thác và đại diện cho các trái chủ Country Garden – đã gửi một thông báo tới các trái chủ nói rằng việc Country Garden chưa thanh toán lãi trái phiếu khi giai đoạn ân hạn kết thúc được xem là “sự kiện vỡ nợ”.
Dragon Capital nhìn nhận các thông tin kể trên đã kích hoạt tâm lý lo sợ trên thị trường dẫn tới việc bán tháo hàng loạt trên diện rộng.
Quỹ này cũng lạc quan nhìn nhận, theo số liệu từ năm 2012 đến nay, mỗi khi VN-Index giảm mạnh hơn 12% trong thời gian ngắn thì thị trường có sự phục hồi tốt khi nhà đầu tư bình tĩnh trở lại. Một điểm tích cực ở phiên 26/10 là khối lượng khớp lệnh tăng hơn gấp đôi so với phiên ngày 25/10. Điều đó cho thấy nhu cầu tích lũy cổ phiếu tăng mạnh khi thị trường giảm về mức hấp dẫn.
Tương tự, ông Petri Deryng, nhà sáng lập và quản lý PYN Eltie Fund cũng bày tỏ góc nhìn tích cực với thị trường chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, với tỷ lệ P/S (giá trên doanh thu) của TTCK Việt Nam được định giá tương đối thấp so với đầu năm 2022 - thời điểm VN-Index đang giao dịch ở vùng đỉnh gần 1.500 điểm với P/S trên 2, Pyn Elite Fund nhận định thị trường có tiềm năng trở lại mức định giá trên trong 12 tháng tới.
Ngoài ra, Pyn Elite Fund cũng kỳ vọng tỷ lệ P/S sẽ tăng từ 1,3 lên trên 2,0 khi sự gián đoạn đối với hệ thống tài chính đang giảm dần, các doanh nghiệp triển vọng được cải thiện nhờ điều kiện kinh tế thuận lợi hơn và tăng trưởng thu nhập tăng tốc.
Ở một nhận định cách đây chưa lâu, Pyn Elite Fund còn từng kỳ vọng VN-Index sẽ đạt mốc 2.500 điểm vào năm 2025- 2026.
Nhà Đầu Tư