Chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất Châu Á phiên đầu tuần
Mức giảm 2,32% đưa Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất Châu Á phiên 19/9. Vốn hóa thị trường tương ứng bị “thổi bay” gần 114.000 tỷ đồng (~5 tỷ USD).
Thị trường chứng khoán vừa trải qua thêm một “black Monday” với sắc đỏ bao trùm trên hầu hết các nhóm cổ phiếu. VN-Index đóng cửa giảm 28,6 điểm (-2,32%) xuống mức 1.205,43 điểm với giá khớp lệnh đạt gần 14.900 tỷ đồng. Mức giảm này đã đưa Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất Châu Á phiên hôm nay. Vốn hóa thị trường tương ứng bị “thổi bay” gần 114.000 tỷ đồng (~5 tỷ USD) còn xấp xỉ 4,8 triệu tỷ đồng.
Thanh khoản gần như không có sự cải thiện trong phiên vừa qua là một minh chứng rõ ràng cho tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Thông thường trong những phiên thị trường biến động mạnh, đặc biệt theo chiều hướng đi xuống, giao dịch sôi động hơn rất nhiều. Dù vậy, những biến động khó lường trên thị trường tài chính toàn cầu đã khiến nhà đầu tư ưu tiên đứng ngoài quan sát thay vì xuống tiền bắt đáy trong giai đoạn này.
Trước áp lực lạm phát, giới đầu tư ngày càng lo ngại rằng Fed sẽ đẩy nền kinh tế vào một cuộc suy thoái khi tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất. Theo dữ liệu của CME Group, giới đầu tư đã hoàn toàn loại bỏ phương án tăng 0,5 điểm % sau báo cáo lạm phát tháng 8, thay vào đó đánh giá có 20% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất hơn 1%. Việc Fed tiếp tục tăng tốc hút tiền sẽ tác động mạnh đến dòng vốn đổ vào các tài sản tài chính có rủi ro cao như chứng khoán và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Mặt khác, phiên giảm mạnh vừa qua đã kéo định giá của chứng khoán Việt Nam đã rẻ càng thêm rẻ. Theo dữ liệu từ Algo Platform, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 13,07 lần, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 10 năm (15,1 lần). P/E forward 2022 của VN-Index, theo tính toán của Mirae Asset, vẫn còn thấp so với các nước trên thế giới đặt trong bối cảnh thị trường đang được kỳ vọng có mức tăng trưởng EPS gần 29% trong năm 2022. Điều này cho thấy TTCK Việt Nam hiện được giao dịch tại mức định giá khá rẻ so với tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
Đồng quan điểm, Dragon Capital cho rằng chứng khoán Việt Nam đang ở mức định giá hấp dẫn với P/E forward 10 lần và tăng trưởng EPS đạt mức 17%. Mặc dù tăng trưởng có khả năng giảm tốc vào năm sau, tuy nhiên sẽ chỉ là chậm lại không phải tăng trưởng âm. Quỹ ngoại này đánh giá thị trường Việt Nam có triển vọng về lợi nhuận vượt trội trong nhóm các thị trường mới nổi trong khi rủi ro ở mức độ thấp hơn nhờ nội tại vĩ mô ổn định.
Vị thế của Việt Nam khó tránh khỏi bị tác động trước sự bất ổn toàn cầu nhưng kinh tế nội địa vẫn đang vận hành tốt và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao. Sau khi S&P tăng xếp hạng tín nhiệm lên BB+, Việt Nam tiếp tục được Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm lên Ba2 với sự triển vọng ổn định trong dài hạn. Cùng quan điểm, Dragon Capital dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt được 2 chữ số trong quý 3 và 7,8% trong năm 2022.
Tác động từ các yếu tố bên ngoài đến nền kinh tế Việt Nam, theo Dragon Capital đánh giá có mức độ thấp hơn nhiều so với các nước mới nổi và không mang tính hệ thống. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng không thuộc nhóm quốc gia bị ảnh hưởng bởi hậu quả của những chính sách không đúng đắn. Do đó, Dragon Capital tin rằng thị trường sẽ giữ vững mốc 1.200 điểm.
Nhịp Sống Thị Trường