MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán Việt Nam thường biến động ra sao sau những phiên giảm mạnh trên 4%?

Chứng khoán Việt Nam thường biến động ra sao sau những phiên giảm mạnh trên 4%?

Trong một thập kỷ trở lại đây, VN-Index đã có 22 lần giảm trên 4% trong một phiên, đa phần tập trung trong giai đoạn 2020-2022.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khép lại tuần giao dịch trước bằng một phiên giảm điểm mạnh nhất Châu Á. Chỉ số VN-Index mất hơn 55 điểm (-4,5%) qua đó ghi nhận phiên mạnh nhất trong vòng 15 tháng, kể từ ngày 13/5/2022.

Trong quá khứ, thị trường từng trải qua nhiều phiên biến động mạnh với mức giảm của VN-Index thậm chí còn sâu hơn phiên 18/8 vừa qua. Từ khi biên độ HoSE trở lại mức +/-7% đầu năm 2013 đến nay, VN-Index đã có 22 lần giảm trên 4% trong một phiên. Các phiên giảm mạnh đa phần tập trung trong giai đoạn 2020-2022, sau khi Covid phủ bóng đen lên thị trường tài chính toàn cầu.

Chứng khoán Việt Nam thường biến động ra sao sau những phiên giảm mạnh trên 4%? - Ảnh 1.

Những phiên VN-Index giảm trên 4% trong một thập kỷ trở lại đây

Đáng chú ý, trong 21 lần giảm mạnh trước đó, TTCK Việt Nam có xác suất hồi phục sớm tương đối cao. Theo thống kê, VN-Index đã có 13/21 lần tăng điểm trở lại ngay sau phiên giảm hơn 4%, tương ứng xác suất 62%. Nếu xét theo khung thời gian dài hơn, VN-Index cũng có 12/21 lần tăng điểm vào tuần giao dịch ngay sau phiên giảm mạnh.

Trong giai đoạn từ giữa 2020 đến đầu 2022, khi dòng tiền từ làn sóng nhà đầu tư mới không ngừng đổ vào thị trường, VN-Index cho thấy khả năng gượng dậy khá nhanh sau mỗi cú trượt chân. Trong khoảng thời gian này, chỉ số bật tăng trở lại khá mạnh trong cả phiên liền sau và tuần giao dịch ngay sau phiên giảm sâu.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi rõ rệt sau những sóng gió nổi lên từ trung tuần tháng 5 năm ngoái. VN-Index có xác suất giảm tiếp nhiều hơn trong cả phiên liền sau cũng như tuần giao dịch ngay sau phiên giảm sâu. Thậm chí, chỉ số này còn giảm hơn 4% trong 2 phiên liên tiếp vào ngày 12-13/5 năm ngoái.

Bối cảnh thị trường khác nhau

Thực tế, số liệu quá khứ chỉ mảng tính chất tham khảo bởi bối cảnh thị trường tại những lần giảm mạnh là khác nhau. Thời điểm hiện tại, chứng khoán Việt Nam đang phần nào được ủng hộ bởi dòng tiền nội sau khi lãi suất có xu hướng giảm sau liên tiếp các động thái của Ngân hàng Nhà nước (SBV).

Số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước cũng liên tục tăng những tháng qua và đạt trên 150.000 vào tháng 7, ghi nhận mức cao nhất trong vòng 11 tháng kể từ tháng 8/2022. Làn sóng nhà đầu tư trở lại với chứng khoán được đánh giá có một phần chuyển dịch từ kênh tiền gửi ngân hàng khi lãi suất tiết kiệm liên tục giảm mạnh về mức thấp.

Chứng khoán Việt Nam thường biến động ra sao sau những phiên giảm mạnh trên 4%? - Ảnh 2.

Sự sôi động của thị trường thời gian qua còn đến từ hoạt động sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư. Dư nợ margin toàn thị trường đã tăng khoảng 24.000 tỷ sau một quý, ước đạt 142.000 tỷ đồng vào cuối quý 2. Tỷ lệ Margin/Vốn hóa (HoSE + HNX) ước đạt khoảng 3,2%, tăng 0,4 điểm % so với cuối quý 1 và sát với mức cao nhất được ghi nhận trong giai đoạn quý 3/2022. Đáng chú ý, dư nợ margin trên chưa bao gồm cho vay 3 bên hay các "kho" chưa được thống kê.

Con số trên có thể đã cao hơn kể từ đầu quý 3 bởi tâm lý nhà đầu tư đã được cải thiện rõ rệt. Minh chứng là việc thị trường giao dịch rất sôi động với thanh khoản thường xuyên duy trì ở mức tỷ USD thời gian gần đây. Từ đầu tháng 8 đến nay, giá trị khớp lệnh bình quân trên HoSE đã lên đến 21.800 tỷ đồng/phiên, tăng 30% so với tháng trước và là mức cao nhất trong vòng 17 tháng.

Chứng khoán Việt Nam thường biến động ra sao sau những phiên giảm mạnh trên 4%? - Ảnh 3.

Mặt khác, tỷ lệ đòn bẩy cao là “con dao hai lưỡi” đối với chứng khoán. Khi thị trường điều chỉnh mạnh, hiệu ứng call margin có thể lan rộng và khiến tình hình khó lường hơn. Đây là yếu tố nhà đầu tư cần lưu ý bởi thị trường đã tăng suốt một đoạn dài gần như không nghỉ và áp lực chốt lời chắc chắn không hề nhỏ.

Thêm nữa, định giá thị trường cũng đã không còn thực sự hấp dẫn sau nhịp tăng dài trước đó. P/E của VN-Index hiện ở mức 13,x tương đương với bình quân 5 năm và cao hơn nhiều so với vùng đáy trước đó. Hầu hết các cổ phiếu đã tăng rất mạnh thời gian qua kéo theo định giá không còn rẻ có thể sẽ là rào cản đối với dòng tiền bắt đáy nhập cuộc tại những nhịp điều chỉnh.

Chứng khoán Việt Nam thường biến động ra sao sau những phiên giảm mạnh trên 4%? - Ảnh 4.

Nhà đầu tư nên làm gì?

Rất khó để dự báo chính xác diễn biến thị trường thời gian tới và nhà đầu tư nên chuẩn bị những phương án ứng phó với các kịch bản khác nhau. Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường Chứng khoán VNDirect, việc hạ tỷ trọng margin của một công ty chứng khoán top đầu thị phần thông thường chỉ có tác động “ngắn hạn” trong vòng 1-2 phiên giao dịch và giảm bớt đáng kể sau đó.

Vấn đề về tỷ giá cũng đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Chuyên gia của VNDirect kỳ vọng thị trường có thể xuất hiện nhịp phục hồi kỹ thuật trong tuần tới và nhà đầu tư nên ngừng hành động bán tháo. Nhà đầu tư nên chờ các nhịp phục hồi kỹ thuật để hạ tỷ trọng cổ phiếu thay vì bán tháo trong những phiên giảm điểm mạnh. Vùng 1.150 - 1.170 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh cho chỉ số VN-Index.

Trong khi đó, Dragon Capital cho rằng chứng khoán Việt Nam đang giao dịch trên nền chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khoá sau nhiều năm không đầu tư đang bắt đầu trở mình mạnh mẽ, và lợi nhuận doanh nghiệp đang trên đà phục hồi. Số liệu quá khứ chỉ ra rằng thị trường khó có những đợt chỉnh lớn hơn mức 12%. Ngay cả trong tháng 7/2021, khi Việt Nam phải đóng cửa gần như toàn bộ nền kinh tế, VN-Index cũng giảm không quá 13%.

Do đó, Dragon Capital khuyến nghị nhà đầu tư không nên đoán đáy của thị trường. “Lịch sử của những đợt sụt giảm với lý do tương tự trong quá khứ đã cho thấy nhà đầu tư rời bỏ thị trường sớm giai đoạn này thường quay lại với mức giá cao hơn sau khi thị trường hồi phục” , Dragon Capital nêu rõ quan điểm.

Hà Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên