MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán Việt Nam và châu Á có phải “sợ” sàn mới của Trung Quốc tranh vốn?

Cả nhu cầu đa dạng hóa danh mục của nhà đầu tư và giá cổ phiếu khiến các thị trường khác tại châu Á đang hấp dẫn hơn so với chứng khoán Thâm Quyến.

Trung Quốc vừa thông qua kế hoạch kết nối 2 sàn chứng khoán Thâm Quyến và Hong Kong. Đây là bước đi cụ thể hướng đến một thị trường vốn được quản lý bởi pháp luật hơn, có định hướng thị trường và sẽ ảnh hưởng tới toàn cầu.

Quan chức Trung Quốc khẳng định việc thông 2 sở giao dịch chứng khoán này còn giúp cho nhà đầu tư hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế đại lục và Hong Kong, thúc đẩy sự hợp tác, củng cố vai trung tâm tài chính quốc tế của Hong Kong.

Nhiều khả năng hệ thống kết nối 2 sở sẽ được ra mắt trong năm nay và không có giới hạn giao dịch giống như trường hợp Thượng Hải - Hong Kong, một số nguồn thạo tin tiết lộ.

Câu hỏi đặt ra là liệu khi hai sàn chứng khoán sầm uất bậc nhất của Trung Quốc được khai thông thành một sàn quy mô, nó có “hút cạn” vốn đổ vào chứng khoán của châu Á, hay có những tác động gì khác?

Có một điều rõ ràng là quy mô cộng gộp của sàn Thượng Hải và Thâm Quyến sẽ đưa Trung Quốc trở thành nước có thị trường chứng khoán lớn thứ nhì thế giới, vượt cả Nhật Bản cũng như tổng giá trị của tất cả các sàn tại ASEAN.

Nhưng có một điều chưa rõ ràng là liệu điều này có hút vốn ròng chảy vào Trung Quốc nhiều hơn không.

Biểu đồ dưới đây cho thấy dòng vốn dòng chảy vào thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm mạnh kể từ cuối năm 2014, thời điểm Trung Quốc thông sàn Hong Kong – Thượng Hải.

Khả năng sàn Thâm Quyến – Hong Kong sẽ mở ra một giai đoạn hút vốn mới phụ thuộc vào hai yếu tố. Một là thái độ của nhà đầu tư ngoại với các mã cổ phiếu công nghệ của Hoa Lục – điều khác biệt giữa sàn Thâm Quyến và Thượng Hải. Hai là các chính sách của Trung Quốc để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào khả năng quản lý.

Biểu đồ dưới đây cho thấy hệ số giá trên thu nhập cổ phiếu (P/E) của các chỉ số chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương. Không chỉ vượt xa sàn Thượng Hải, P/E của sàn Thâm Quyến còn cao hơn tất cả các sàn khác trong khu vực, gấp tới 3 lần P/E của chứng khoán Việt Nam.

Xét trong ngành công nghệ thông tin - “con ngựa chiến” hứa hẹn là thỏi nam châm hút nhà đầu tư của sàn Thâm Quyết - P/E của nhóm cổ phiếu này cao hơn gấp đôi so P/E trung bình của Chỉ số công nghệ thông tin Standard and Poor’s 500, hiện đang là 21 lần.

Nói cách khác, chỉ những nhà đầu tư thực sự có động lực mới rót tiền cổ phiếu ngành công nghệ thông tin của sàn Thâm Quyến, vì nó chưa đủ rẻ.

Và vì P/E có thể thay đổi qua thời gian, công ty tư vấn Nataxis đánh giá yếu tố cốt lõi ảnh hưởng tới dòng vốn đổ vào chứng khoán Trung Quốc là chính sách cải cách thị trường để làm yên lòng nhà đầu tư.

Ví dụ vừa qua, các cổ phiếu hạng A của chứng khoán Trung Quốc đại lục chưa được đưa vào chỉ số theo dõi chứng khoán các thị trường mới nổi (MSCI Emerging Markets Index), sau khi Bắc Kinh can thiệp nhằm đẩy giá cổ phiếu đã dẫn tới những đợt đổ vỡ trên thị trường tài chính toàn cầu.

Kết lại, Nataxis cho rằng còn quá sớm để khẳng định châu Á sẽ phải dè chừng sàn chứng khoán Trung Quốc “hút vốn” vì quy mô lớn.

Cả nhu cầu đa dạng hóa danh mục của nhà đầu tư và định giá cổ phiếu khiến các thị trường khác tại châu Á đang hấp dẫn hơn so với chứng khoán Thâm Quyến.

Theo Thảo Mai

BizLive

Trở lên trên