MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Chúng ta có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế”

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019, chúng ta có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Nhưng vẫn phải lường trước các rủi ro để có đối sách…

PGS.TS. Trần Hoàng Ngân
PGS.TS. Trần Hoàng Ngân
Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Marketing
59 bài viết

2018: Năm đẹp

+ Nhìn lại năm 2018, bức tranh kinh tế Việt Nam có nhiều gam màu sáng. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Có thể nói, so với năm 2016, 2017, bức tranh kinh tế năm 2018 là tốt nhất. Tăng trưởng GDP đạt kỷ lục sau nhiều năm. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, xuất siêu cao nhất từ xưa đến nay.

Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) vượt trên 6% so với dự toán và tăng khoảng 9% so với thực hiện năm 2017. Bội chi NSNN được kiểm soát ở mức thấp 3,6%.

Nợ công có xu hướng giảm và được cơ cấu lại theo hướng kỳ hạn vay dài hơn, lãi suất thấp hơn, tỷ trọng vay trong nước cao hơn. Và khi nợ công giảm, sẽ cho chúng ta dư địa để thực hiện đầu tư cho các công trình trọng điểm quốc gia trong thời gian tới…

Tóm lại, 2018 là năm đẹp! Chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực.

+ Một trong những sự kiện chú ý của năm 2018 là Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Vậy, tham gia CPTPP, cơ hội nào sẽ mở ra cho Việt Nam để phát triển kinh tế?

- Tham gia CPTPP, chúng ta có rất nhiều cơ hội. Đây là một thị trường rất lớn, 11 quốc gia với GDP 11.000 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP toàn cầu, kim ngạch xuất nhập khẩu là 10.000 tỷ USD, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn cầu, dân số của thị trường là 500 triệu dân.

Cuối năm 2018, CPTPP chính thức có hiệu lực đã mở ra thị trường xuất khẩu. Kể cả người tiêu dùng Việt Nam sẽ lựa chọn được mặt hàng tốt nhất với giá cả cạnh tranh nhất từ những nước tiên tiến như Canada, Nhật Bản, Úc… những nước có thu nhập bình quân đầu người trên 30 ngàn USD. Việt Nam cũng có cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực này, kể cả du lịch vì họ là những nước giàu.

Điểm quan trọng nữa, tham gia CPTPP sẽ thúc đẩy chúng ta cải cách, hoàn thiện thể chế một cách mạnh hơn, nhanh hơn nữa, nhất là trong vấn đề công khai, minh bạch thông tin của doanh nghiệp (DN) Nhà nước, mua sắm của Chính phủ; bảo đảm sở hữu trí tuệ, môi trường…

Nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt

+ Đi cùng với cơ hội, CPTPP cũng tạo ra những thách thức không thể không lo lắng, thưa ông?

- Đúng vậy! CPTPP tạo ra những thách thức không nhỏ. Vì trong môi trường cạnh tranh lành mạnh thì những nước có công nghệ tốt hơn, sản phẩm chất lượng cao hơn sẽ có lợi thế.

Sản phẩm của Việt Nam sẽ có áp lực ngay trên thị trường Việt Nam, chứ chưa nói đến thị trường quốc tế. Vì thế, chúng ta phải có hệ thống các giải pháp để làm sao nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt và sản phẩm Việt.

Chính phủ cũng cần phải có gói hỗ trợ cụ thể và cẩm nang hết sức đơn giản để các thành phần kinh tế, DN nhỏ và vừa đều có thể hiểu được tham gia CPTPP sẽ có cơ hội gì, gặp những thách thức gì để có sự chuẩn bị.

+ Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, chúng ta đã đẩy mạnh cải cách, nhưng vẫn còn nhiều rào cản cản trở hoạt động của DN?

- Về mặt thể chế, chúng ta đang cố gắng làm tối đa. Các thủ tục, điều kiện kinh doanh đã cắt giảm rất nhiều. Vấn đề còn lại là con người và bộ máy. Cho nên, phải làm sao để làm tốt công tác cán bộ, làm tốt công tác kiểm tra công vụ, đạo đức nghề nghiệp, gắn với đó là chế độ tiền lương.

Chúng ta nói một cửa, vậy hồ sơ vào một cửa đi thế nào? Đầu tiên là vào cửa thư ký văn phòng, từ đó đi vòng vòng qua các ban mới lên ông giám đốc để bút phê rồi chuyển trở lại 1 vòng tiếp.

Tiến tới bội chi ngân sách không quá 3,5% GDP

Quốc hội yêu cầu phấn đấu giảm mạnh bội chi NSNN để đến năm 2020 không quá 3,5% GDP nhằm thực hiện cân đối NSNN tích cực, bảo đảm nợ công trong giới hạn cho phép.

Vậy làm thế nào để thực hiện được điều này? Giải pháp căn cơ hàng đầu là tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn. Phát huy vai trò trách nhiệm của các cơ quan trong cả hệ thống chính trị để phấn đấu đạt mức cao nhất dự toán thu hàng năm; chống thất thu thật tốt để không phải vay nợ nhiều.

Trong quản lý chi, chúng ta phải bố trí tăng chi cho đầu tư phát triển thực hiện. Đi cùng với đó là tiết kiệm, chống lãng phí theo đúng nghĩa “thắt lưng buộc bụng” vì hiện vẫn còn nhiều hoạt động mang tính hình thức, phô trương.

(Ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội)

Thế sao cửa đầu tiên không đi vào ông giám đốc để ông này bút phê chuyển phòng nào trả lời thì sẽ nhanh hơn. Vì vậy, cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa bởi DN rất cần công khai, minh bạch.

Tiếp tục tái cơ cấu thu - chi ngân sách

+ Một vấn đề nữa, để tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế thì phải bảo đảm tính bền vững nền tài chính quốc gia. Theo ông, việc tái cơ cấu thu - chi NSNN hiện nay đã đáp ứng yêu cầu chưa?

- Cơ cấu ngân sách đã đạt được nhiều thành tựu nhất định. Thấy rõ nhất là, đầu nhiệm kỳ, nợ công giữ ở mức cao, nhưng đến nay các chỉ tiêu nợ công đã trong giới hạn và có bước cải thiện tích cực.

Tổng cân đối thu NSNN vẫn đạt và vượt kế hoạch dù không điều chỉnh các chính sách thuế để tăng thu. Trong tổng chi ngân sách, thì chi cho đầu tư phát triển từ 18-19% đã tăng lên 26-27%, chi thường xuyên từ mức trên 67% đã giảm xuống dưới 64%.

Tuy nhiên, thời gian tới, cần tiếp tục cơ cấu lại một bước thu- chi NSNN. Hiện nay, các nguồn thu từ dầu thô, thuế xuất nhập khẩu giảm dần do hội nhập. Do đó, cần tiếp tục tăng thu nội địa, phấn đấu tăng lên 84% trong tổng thu ngân sách.

Còn chi ngân sách cần thực hiện chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, cũng như nâng cao năng lực, trách nhiệm giải trình của các đơn vị sử dụng ngân sách.

+ Theo báo cáo của Chính phủ, về cơ bản có thể hoàn thành được nhiệm vụ tài chính - NSNN quốc gia 5 năm (2016-2020), song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thứ?

- 3 năm qua, về cơ bản chúng ta đã đạt được các mục tiêu đề ra. Do đó, tôi cho rằng, sẽ đạt được kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, cũng không thể chủ quan khi tình hình trong nước và thế giới biến động bất thường, có thể ảnh hưởng tới mục tiêu thực hiện tăng trưởng kinh tế cũng như NSNN.

Để đạt được các mục tiêu trong kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, điểm mấu chốt trong 2 năm tới là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ DN trong nước phát triển.

Đi cùng với đó, là mở rộng thu hút đầu tư nước ngoài; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, chống buôn lậu và gian lận thương mại, chống chuyển giá…

Chúng ta cần tiếp tục thắt chặt và kiểm soát chi tiêu chặt chẽ, nhất là đầu tư công, giám sát các khoản chi để chi đúng, chi kịp thời, bảo đảm dòng vốn đi vào các khu vực hiệu quả.

Tôi cho rằng, để đạt được các mục tiêu về tài chính - NSNN cho cả nhiệm kỳ cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

+ Với nền tảng đang có, liệu năm 2019, chúng ta có triển vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,6-6,8% mà Quốc hội giao không, thưa ông?

- Chúng ta có khả năng đạt được. Nhưng phải thấy rằng, năm 2019, chúng ta sẽ gặp nhiều thách thức lớn bởi tình hình kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, khó lường như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc, chính sách bảo hộ mậu dịch tạo rào cản nhất định đến tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung.

Với đất nước có độ mở kinh tế trên 200% như Việt Nam chắc chắn sẽ có những tác động từ kinh tế thế giới nên phải hết sức chú ý.

Chúng ta đang là điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng vẫn phải lường trước rủi ro “dòng chảy ngược” có thể rút ra để có những đối sách. Điều quan trọng là chúng ta cần nâng cao tiền năng, phát huy những thế mạnh nằm trong tay mình như nông nghiệp, du lịch… thì mới bảo đảm kinh tế phát triển bền vững.

Theo Thảo Nguyên

Thanh tra

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên