Chung tay tiêu thụ thanh long: nhà máy hoa quả sấy Nafoods chạy 100% công suất, Lavifood thu mua 1.000 tấn làm nước ép, Vinmart bán 9.900 đồng/kg
Trong bối cảnh hiện nay, định hướng của Nafoods Group là: "Cùng chung tay chia sẻ với bà con, cố gắng không để tình trạng thanh long đổ bỏ vô nghĩa".
- 13-02-2020VCSC: Dịch virus Corona sẽ ảnh hưởng chi tiêu không thiết yếu, đặc biệt doanh số xe máy 2020 dự chỉ đi ngang
- 13-02-2020Những đầu tàu bán lẻ - hàng tiêu dùng như Thế giới Di động, Masan, PNJ, Vinamilk sẽ bị ảnh hưởng như thế nào giữa đại dịch virus Corona?
- 13-02-2020TGĐ Lavifood Đặng Ngọc Cẩn: "Chúng tôi buộc phải thay đổi hoàn toàn kế hoạch kinh doanh 2020 trước ảnh hưởng của dịch virus Corona"
Long An, thủ phủ của thanh long Việt Nam, đang vào mùa thu hoạch. Với diện tích hơn 11.800 ha thanh long, sản lượng của Long An đạt khoảng gần 318.000 tấn chủ yếu để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Hiện tại, thanh long đang vào vụ thu hái nhưng tình hình tiêu thụ đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch cúm viêm phổi cấp do chủng mới virus Corona (Covid-19), các đối tác thu mua thanh long hiện không nhận hàng. Theo số liệu của Long An, lượng thanh long tồn chưa tiêu thụ được từ cuối tháng 01/2020 đến nay khoảng 30.000 tấn. Chưa kể đến 59.580 tấn được thu hoạch trong tháng 02/2020 và 31.750 tấn được thu hoạch trong tháng 3/2020.
Để hỗ trợ nông dân, nhiều Bộ Ban ngành và các doanh nghiệp đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ nông sản.
Theo Báo Long An, để tháo gỡ khó khăn hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Trần Văn Cần kiến nghị: Chính phủ có chính sách hỗ trợ tiền điện chạy kho lạnh (hỗ trợ giá điện sản xuất tính bằng giá điện sinh hoạt từ giữa tháng 02/2020 đến cuối tháng 3/2020 ), hỗ trợ lãi suất vốn vay cho doanh nghiệp thu mua, bảo quản và xuất khẩu nông sản với mức ưu đãi trong thời gian 6 tháng; Bộ xem xét đề xuất thành lập Trung tâm phân phối sản phẩm nông sản tại thị trường Trung Quốc làm đầu mối giao dịch với doanh nghiệp trong nước nhằm hạn chế rủi ro; Khảo sát, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu nông sản khác ngoài Trung Quốc; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương thường xuyên cung cấp thông tin, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu thanh long tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc để kịp thời điều tiết, đồng thời tiếp tục đàm phán phía Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khảo sát tiêu thụ thanh long tại Long An
Nafoods: "cố gắng không để tình trạng thanh long đổ bỏ vô nghĩa"
Công ty Cổ phần Nafoods Group (Nafoods Group), quý 3/2019 vừa đưa vào hoạt động 100% công suất dây chuyền tại 2 nhà máy tại Quỳnh Châu, Quỳnh Lưu Nghệ An và Đức Hòa, Long An. Từ trước tới nay, Nafoods nổi tiếng với các sản phẩm chanh leo, nhưng công ty này có dây chuyền sản xuất các loại hoa quả sấy, đặc biệt là thanh long. Trong bối cảnh hiện nay, định hướng của Nafoods Group là: "Cùng chung tay chia sẻ với bà con, cố gắng không để tình trạng thanh long đổ bỏ vô nghĩa".
Nhà máy sản xuất thanh long sấy của Nafoods
Hiện tại Cán bộ phụ trách thu mua thuộc chuỗi cung ứng nguyên liệu của Nafoods đã đồng loạt có mặt tại vùng nguyên liệu, trực tiếp làm việc về giá cả, bàn bạc về vấn đề thu mua thanh long để chia sẻ cùng bà con giai đoạn khó khăn này. Đồng thời, các nhà máy của Nafoods đang vận hành 100% công suất để chung tay giải quyết đầu ra cho thanh long. Đặc biệt, Ban điều hành đang trực tiếp chỉ đạo khối kinh doanh tăng cường tìm kiếm khách hàng chào bán các sản phẩm từ thanh long.
Thanh long sấy có giá trị gia tăng cao, thời gian bảo quản lâu
Đánh giá tác động từ dịch cúm, Nafoods cho biết hầu hết sản phẩm của công ty chế biến và thương mại tổng hợp từ các nguyên liệu chủ lực được trồng tại Việt Nam, Lào và Campuchia như: Chanh leo, thanh long, xoài, chuối… nên đầu vào nguyên liệu không phụ thuộc đến vùng bị ảnh hưởng dịch (Trung Quốc). Mặc dù thị trường Trung Quốc chiếm 15% tổng số khách hàng của Nafoods nhưng theo đánh giá sơ bộ dịch cúm corona lần này không làm ảnh hưởng quá nhiều đến doanh thu chung của công ty.
Công ty đề xuất, nếu nhận được sự hỗ trợ từ các ngân hàng, các đối tác và ngành hàng dịch vụ như điện lực… Nafoods sẽ tận dụng tối đa các yếu tố tích cực để tình hình sản xuất, kinh doanh tại đơn vị đạt kết quả tốt nhất.
Để ứng phó và ngăn ngừa dịch tại các nhà máy chế biến, công ty tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cụ thể: phun tẩm thuốc sát trùng, trang bị nước tẩy rửa cho lao động sản xuất, ngăn chặn, kiểm soát 100% lịch trình khách ra vào nơi làm việc; Kiểm soát chặt chất lượng đầu vào nguyên liệu; Trang bị đầy đủ trang phục, trang thiết bị bảo hộ lao động có tính đặc thù đối với từng vị trí công việc.
Công ty cũng đã chủ động có những thông báo đến toàn bộ CBCNV lao động đang làm việc tại đơn vị về cách phòng ngừa, kiểm soát được lịch trình công tác của CBCNV lao động trong toàn hệ thống, kiểm soát lượt khách ra vào các trụ sở, nhà máy nên tính đến thời điểm hiện tại chưa xuất hiện ca nào nhiễm bệnh hay có biểu hiện nhiễm bệnh.
Năm 2019, tổng doanh thu toàn hệ thống của Nafoods Group (NAF) là 1.100 tỷ đồng, doanh thu tăng hơn 60% so với năm 2018 và tăng gần 100% so với năm 2015. Năm 2019, Nafoods nhận được khoản đầu tư 8 triệu USD của IFC, giúp mở rộng số lượng nông dân tham gia vào chuỗi cung ứng của công ty thêm 11.500 người. Qua đó, IFC sẽ tư vấn cho Nafoods triển khai hệ thống quản lý an toàn thực phẩm cho chuỗi cung ứng lạnh của công ty phù hợp với chứng nhận thế giới.
Công ty có 3 dự án đang triển khai tại Tây Nguyên gồm: Viện giống; Tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao mô hình và Nhà máy đóng gói quả tươi, sản xuất dịch chanh leo sẽ sớm đi vào hoạt động trong năm 2020.
Nafoods Group đặt mục tiêu đến năm 2022 đạt hơn 2.300 tỷ đồng doanh thu; tỷ suất lợi nhuận gộp hơn 25%, tỷ suất EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) hơn 15%, tỷ suất lợi nhuận sau thuế hơn 10%, ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) hơn 25%; có hơn 1.000 khách hàng chất lượng, với 70% doanh số bán trực tiếp; kiểm soát 50% nguyên liệu toàn Việt Nam cho 5 loại trái cây trọng điểm; hệ thống 5 kho chính và hơn 100 điểm chuyển giao kỹ thuật/đại lý bán giống trên cả nước.
Lavifood thu mua trên 1.000 tấn thanh long làm nước ép
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Lavifood – Đinh Hùng Dũng cho biết, từ sau Tết Nguyên đán 2020, một số loại trái cây chủ lực mà tập đoàn thu mua đều thu hoạch rộ, sản lượng lớn, trong khi đầu ra gặp nhiều khó khăn. Trái cây mà tập đoàn thu mua và chế biến đều xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Để giúp nông dân giải quyết đầu ra, tập đoàn đã đẩy mạnh thu mua để trữ đông. Lượng hàng mua vào đợt này của tập đoàn khoảng trên 1.000 tấn.
Hiện nay, các kho lạnh của tập đoàn đều đã đầy. Vì vậy, tập đoàn phải thuê thêm rất nhiều kho của các doanh nghiệp khác để tiếp tục thu mua các loại trái cây cho nông dân.
Vinmart bán thanh long tươi giá 9.900 đồng/kg
Để hỗ trợ đầu ra cho hoa quả tươi, Bộ Công Thương đã đề nghị các địa phương và các doanh nghiệp có sự trao đổi thông tin về nguồn cung, nhu cầu và kế hoạch triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại để qua đó phối hợp, hỗ trợ nhau trong việc kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.
Các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ tiêu thụ gồm: Công ty cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce; Tập đoàn Central Retail Việt Nam (Siêu thị BigC và Go!); Tổng Công ty thương mại Hà Nội; Liên hiệp HTX thương mại TP. Hồ Chí Minh (Sai Gon Co.op); Công ty TNHH MM Mega Market (Việt Nam); Công ty TNHH bán lẻ BRG; Công ty TNHH Aeon Việt Nam; Công ty cổ phần Bách hóa xanh.
Các doanh nghiệp đã công bố năng lực tiêu thụ trong hệ thống như: BigC tiêu thụ được 100 tấn dưa hấu và 70 tấn thanh long/ngày; hệ thống siêu thị Vinmart tiêu thụ được khoảng 2.000-3.000 tấn thanh long và dưa hấu/tuần; Saigon Coop có thể tiêu thụ 1.600 tấn/ngày...
Hiện nay, Vinmart đang bán thanh long ruột đỏ trên hệ thống giá 9.900 đồng/cp, một số shop online tham gia bán thanh long giá 220.000 đồng/1 thùng 15kg (tương đương gần 15.000 đồng/kg).
Thanh long bán trên Vinmart
ABA sẵn sàng cung cấp chuỗi cung ứng lạnh
Là nhà cung cấp chuỗi cung ứng lạnh với quy mô lưu trữ 40,000 pallet, ABA có thể đáp ứng được các nhu cầu về lưu trữ cho các loại hàng trái cây khác nhau nhu thanh long, cam , chanh, chuối… Tuy nhiên, đại diện công ty cho rằng hiện nay, thanh long và dưa hấu là những loại hoa quả không trữ lạnh lâu dài được, giá thành khoảng 4.000-5.000/kg. Nếu chỉ đơn thuần quản quản lạnh các lọai nông sản này để bán ở dạng thực phẩm tươi thì việc lưu trữ lạnh lâu ngày sẽ dẫn đến việc giá thành bán ra sẽ còn cao hơn giá thành trên thị trường. Nên trên thực tế thì cần phải nhanh chóng đưa các loại hoa quả này vào sản xuất chế biến và lưu trữ ở dạng đông lạnh thì mới khả thi.
Do đó, ngoài việc ưu tiên đáp ứng các nhu cầu lưu trữ phân phối, ABA cũng chủ động hỗ trợ tìm kiếm, kết nối các nông trại với các nhà sản xuất lớn, giúp họ bảo quản lưu trữ sau khi qua chế biến để giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt đối với các loại hoa quả có thời gian bảo quản tươi ngắn.
Hàng loạt các doanh nghiệp chung tay phòng chống dịch và bảo vệ nhân viên, khách hàng, bạn có thể theo dõi trên mục Doanh nghiệp hành động trong chiến dịch Lá chắn virus Corona trên mạng xã hội Lotus tại đây