MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Chứng trường" 2022: Một năm nhìn lại

"Chứng trường" 2022: Một năm nhìn lại

Năm 2022 đã dần khép lại với nhiều biến động khi VN-Index được gọi tên là chỉ số có mức giảm lớn nhất trên thế giới. Tuy vậy, không thể phủ nhận biến động chính là vẻ đẹp của thị trường tài chính, biến động mang tới rủi ro nhưng cũng mang tới cơ hội.

Trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư đã phần nào có những hy vọng trở lại vào những ngày cuối năm, HSC tổ chức hội thảo C2C – Connecting to Customers vào ngày 22/12/2022 để cùng nhìn lại các sự kiện nổi bật trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022.

Các sự kiện nổi bật trong bức tranh "chứng trường" 2022?

Năm 2022 được đánh dấu bằng hàng loạt các con sóng thần liên tục đổ bộ từ ngoài nước như xung đột Nga - Ukraine, FED tăng lãi suất, Trung Quốc đóng cửa duy trì chính sách Zero-Covid… và những cơn địa chấn từ trong nước như các vụ án kinh tế, khủng hoảng trên thị trường trái phiếu, chính sách tiền tệ thắt chặt, tỷ giá USD/VND tăng kỷ lục… tác động tiêu cực tới TTCK Việt Nam. Biên độ dao động 12 tháng của VN-Index từ đỉnh 1536.24 điểm ngày 07/01/2022 đến đáy 873.78 điểm ngày 16/11/2022 là giảm 43%, với nhiều phiên giảm kỉ lục 70 - 80 điểm. Niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường giảm sút.

Chứng trường 2022: Một năm nhìn lại - Ảnh 1.

Sự kiện thị trường - 12 tháng qua và chỉ số VN Index. (Nguồn HSC)

Mặc dù thị trường giảm cả về điểm số và thanh khoản, nhưng nhờ dòng tiền phân hóa và luân chuyển, vẫn có rất nhiều cơ hội đầu tư được ghi nhận trong suốt cả năm, có thể kể tới đà tăng của các cổ phiếu hàng hóa được hưởng lợi từ sự kiện đứt gãy chuỗi cung ứng do xung đột Nga - Ukraine như phân bón hóa chất (DPM, DCM, DGC…) hay dầu khí (GAS, PVS, PVD…) hay các ngành nghề mang tính phòng thủ như điện nước (REE, PC1, BWE…) đã có nhiều sóng tăng ấn tượng trong năm.

Đặc biệt, những tháng cuối năm 2022 ghi nhận dòng vốn ngoại liên tục đổ vào thị trường, đi kèm với đó là nhiều thông tin vĩ mô cũng trở nên tích cực hơn: FED giảm tốc độ tăng lãi suất, lãi suất và tỷ giá VND đều hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng liên tục bơm tiền qua kênh OMO để hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng đón Tết. 

Chỉ trong tháng 11/2022, các quỹ ETF thu hút vốn tổng cộng 373,39 triệu USD, mức cao nhất kể từ năm 2010, chủ yếu đến từ quỹ Fubon ETF mới (114.7 triệu USD) và quỹ iShares MSCI Frontier 100 ETF (100.71 triệu USD). Xu hướng này tiếp diễn trong tháng 12/2022 và mở rộng thêm các quỹ DCVFMVN Diamond ETF, Vaneck Vietnam ETF với mỗi tuần huy động được thêm  hàng chục triệu USD. Chính nhờ "viện binh ngoại" mà tâm lý nhà đầu tư Việt Nam lại được nhen nhóm lên hy vọng trong những ngày cuối năm 2022.

Chứng trường 2022: Một năm nhìn lại - Ảnh 2.

Giao dịch hàng tháng của các nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân. (Nguồn: Bloomberg, HSC)

Chứng trường 2022: Một năm nhìn lại - Ảnh 3.

Dòng vốn của quỹ Vietnam ETF (triệu USD). (Nguồn: Bloomberg, HSC)

Những nét vẽ chính trong bức tranh 2023 và chiến lược giao dịch phù hợp

Không khó để nhận thấy tông trầm vẫn mang tính chủ đạo trong bức tranh "Chứng trường" 2023, nhất là hàng loạt thử thách chờ đón trong 6 tháng đầu năm có thể đánh gục sức khỏe tài chính và tinh thần vốn đang suy yếu của nhiều doanh nghiệp cũng như ngành nghề, nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng.

Những nét trầm có thể kể đến CPI Mỹ vẫn ở mức cao, FED vẫn sẽ tăng lãi suất, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, căng thẳng địa chính trị tại nhiều khu vực, quá trình tái cấu trúc thị trường trái phiếu và bất động sản kéo dài, sự chậm trễ trong giải ngân đầu tư công, hoạt động xuất khẩu suy giảm và khó khăn trên thị trường việc làm…

Tuy vậy, triết lý "trong nguy có cơ" luôn luôn đúng, những phiên thị trường giảm mạnh do tin xấu lại là những cơ hội tuyệt vời để tích lũy cho tương lai gặt hái thành quả. Cơ hội có thể đến từ những nét trầm kể trên "bớt trầm" hơn trong nửa cuối 2023, khi tình hình vĩ mô được cải thiện, lợi nhuận doanh nghiệp cũng chạm đáy đi lên, và tâm lý thị trường đã không còn phản ứng tiêu cực với tin xấu. Cơ hội cũng có thể đến từ những nét tươi sáng của việc Trung Quốc dần mở cửa trở lại, thúc đẩy du lịch và là lực đẩy lớn cho dòng vốn vào các quốc gia mới nổi bao gồm Việt Nam, hoặc các động thái nới room tín dụng, nới room sở hữu nước ngoài của ngân hàng, tăng cường giải ngân đầu tư công...

Để chuẩn bị cho một năm 2023 đầy những rủi ro và cơ hội, chiến lược đầu tư thận trọng nhưng linh hoạt, và một tâm lý đầu tư vững vàng, kỉ luật là không thể thiếu. Thường xuyên theo dõi các yếu tố vĩ mô, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, các điều kiện trên thị trường tài chính - chứng khoán cũng như luôn sẵn sàng một danh mục theo dõi bao gồm các ngành nghề tiềm năng nhất, các doanh nghiệp có sức bật mạnh nhất là điều kiện quan trọng để nắm bắt được các cơ hội đầu tư của năm 2023.

Các ngành được đánh giá cao trong 2023 tiếp tục là các nhóm ngành được dự báo tăng trưởng cao nhờ sự hồi phục của kinh tế (tiêu dùng, bán lẻ, dịch vụ lữ hành…) và các nhóm ngành mang tính phòng thủ, trả cổ tức cao như tiện ích công (điện, nước), bảo hiểm, bất động sản khu công nghiệp…

Hội thảo C2C được HSC tổ chức vào 15h30 ngày 22/012/2022 tới đây sẽ khai thác chủ đề: "Chứng trường" 2022: Một năm nhìn lại với mong muốn đồng hành cùng nhà đầu tư nhìn lại các khó khăn và cơ hội trong 2022, là bài học quan trọng để đề ra chiến lược và danh mục đầu tư cho năm 2023 tới.

Chuỗi hội thảo "Connecting to Customers" được HSC tổ chức định kỳ hằng tháng/quý nhằm kết nối nhà đầu tư với lãnh đạo các doanh nghiệp và các chuyên gia phân tích, tư vấn của HSC.

Nhà đầu tư đăng ký tham dự Hội thảo tại: https://event.hsc.com.vn/c2c_review2022 

Mở tài khoản đầu tư tại HSC trong 3 phút tại đây: https://online.hsc.com.vn/mo-tai-khoan.html 

Ánh Dương

Tổ Quốc

Trở lên trên