Mất 3 tháng để giao 1 chiếc đinh vít, chuỗi cung ứng đứt gãy ngày càng nghiêm trọng
Trên khắp thế giới, các nhà sản xuất của mọi sản phẩm từ tủ đựng bát đĩa đến ô tô hay máy tính vẫn đang chật vật với cuộc khủng hoảng logistics.
Các nhà sản xuất khan hiếm mọi thứ
Phillipe Moreau đã buộc phải nghĩ ra phương pháp mới để duy trì hoạt động của dây chuyền sản xuất tại hãng sản xuất đồ nội thất Temahome. Công ty này chịu áp lực lớn khi thiếu gỗ, nhựa thông và thép, khiến một nửa danh mục gồm 600 sản phẩm hết sạch hàng vào đầu năm nay.
Vị CEO của hãng sản xuất, bàn, kệ Tivi của Pháp cho biết: "Chúng tôi đã phải tìm mọi cách. Nếu không có tấm panel màu đen, chúng tôi phải chuyển sang dạng gỗ sồi hoặc đổi thành màu trắng."
Trên khắp thế giới, các nhà sản xuất của mọi sản phẩm từ tủ đựng bát đĩa đến ô tô hay máy tính vẫn đang chật vật với cuộc khủng hoảng logistics. Tình trạng này đang gây gián đoạn nguồn cung của các sản phẩm thiết yếu, đe dọa sự hồi phục kinh tế sau đại dịch và đẩy lạm phát tăng cao.
Đồng thời, nhu cầu tăng cao khi các nền kinh tế mở cửa trở lại đã khiến lạm phát ở châu Âu tăng lên mức cao nhất trong thập kỷ. Đây có thể là một nguyên nhân khiến NHTW châu Âu giảm quy mô của gói kích thích 1,85 nghìn tỷ euro trong tuần này.
Nội thất hiện là lĩnh vực mới nhất cho thấy dấu hiệu của việc chuỗi cung ứng đang bị siết chặt và gây ra nhiều vấn đề lớn hơn. Ngay cả những công ty lớn như Ikea cũng bị ảnh hưởng. Nhà sản xuất đồ nội thất đóng gói phẳng (flat-pack) cho biết họ không biết khi nào nguồn cung mới trở lại mức bình thường, do "cơn bão hoàn hảo" bao gồm tình trạng thiếu tài xế ở Anh.
Theo khảo sát hàng quý của Uỷ ban châu Âu (EC), 1 trong 3 nhà sản xuất đồ nội thất của khu vực nà cho biết họ đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nguồn cung. Trên quy mô toàn cầu, chi phí vận chuyển tăng cao, sự chậm trễ khi giao hàng vì thời tiết xấu và dịch Covid-19 lân lan khiến các cảng lớn nhất châu Á tạm đóng cửa là những vấn đề lớn nhất.
Moreau chia sẻ: "Vận chuyển là một cơn ác mộng. Ngay cả một chiếc đinh vít hoặc linh kiện nhỏ từ châu Á cũng có thể mất 3 tháng. Chúng tôi có 16 container đi đến Mỹ vào tháng 6 và tháng 7, nhưng tháng 8 vẫn chưa đến nơi. Thời gian di chuyển đến Mỹ đã tăng gấp đôi."
Cùng với đó, chi phí vận tải cũng tăng vọt. Theo hãng cung cấp dữ liệu Freightos, phí vận chuyển giữa Trung Quốc và châu Âu hiện đã tăng gần 7 lần so với tháng 8 năm ngoái.
Để giải quyết vấn đề đó, Ikea cho biết họ đang đưa một số sản phẩm sang vận chuyển bằng tàu hoả. Công ty cho hay: "Chúng tôi sẽ sử dụng vận tải đường sắt từ Trung Quốc đến châu Âu để giảm tải sức chứa của container. Qua đó, có thể vận chuyển nhiều hơn đến Mỹ."
Chuỗi cung ứng gián đoạn đẩy lạm phát eurozone tăng cao
Trong khi đó, ở Mỹ, nguồn cung gỗ xẻ thường được vận chuyển bằng xe tải qua các bang miền nam đã gặp gián đoạn do cơn bão Ida. Mặc dù vậy, giá gỗ xẻ toàn cầu đã giảm 1 nửa so với mức cao kỷ lục hồi tháng 5, nhưng các ngành khác vẫn "kém may mắn" hơn.
Gần 1 nửa các nhà sản xuất cao su, máy móc và máy tính của châu Âu, cùng các nhà sản xuất thiết bị điện đều bị thiếu nguồn cung. Gần 60% các hãng sản xuất ô tô vẫn chịu ảnh hưởng.
Tại Đức - hoạt động sản xuất ô tô đã thấp hơn 30% so với trước đại dịch, Volkswagen dự định tăng ca làm cho nhân viên để giải quyết đơn hàng đang tồn đọng. Tuy nhiên, những đợt bùng phát của biến thể Delta ở châu Á đã khiến các cảng, cơ sở sản xuất chất bán dẫn phải đóng cửa và cản trở kế hoạch của họ. Đây cũng là vấn đề chung của cả ngành này.
Một số doanh nghiệp khác đang chật vật để đáp ứng nhu cầu tăng cao. Cuộc khảo sát của DIHK với các doanh nghiệp Đức cho thấy, 83% công ty đã gặp vấn đề về tình trạng giá tăng, giao hàng với nguyên liệu thô, sản phẩm trung gian và hàng hóa trong tháng 8.
Tình trạng này cũng tác động đến diễn biến của nền kinh tế. Thiếu nguyên liệu đầu vào đối với các công ty như Temahome - có mặt tại hơn 45 quốc gia trên thế giới, đã hạn chế hoạt động xuất khẩu và làm giảm tốc độ tăng trưởng của eurozone.
Theo cuộc khảo sát của IHS Markit, chênh lệch giữa đơn đặt hàng và sản lượng trong tháng 8 đã đạt mức cao nhất, làm tăng thêm áp lực lạm phát. Vào tháng 7, giá sản xuất tại Eurozone tăng với tốc độ 12%, nhanh nhất kể từ khi đạt mức cao nhất vào đầu năm 2001. Ngoài ra, lạm phát tiêu dùng đạt mức cao nhất thập kỷ là 3% vào tháng trước.
Cuộc khủng hoảng khi nào kết thúc?
Dẫu vậy, khi nào sự gián đoạn này được "tháo gỡ" hiện vẫn là một câu hỏi chưa lời giải và tùy thuộc vào mỗi ngành. VW nhận định nguồn cung chip sẽ vẫn biến động và căng thẳng trong quý III năm nay.
Tuy nhiên, Ana Boata - trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại công ty bảo hiểm tín dụng Euler Hermes, cho rằng trạng thái bình thường sẽ không quay trở lại cho đến năm 2023, đây là hệ quả của một thập kỷ ít đầu tư vào vận tải biển.
Morten Engelstoft - CEO của APM Terminals, cũng cảnh báo về "vòng luẩn quẩn" được tạo ra bởi nhu cầu tăng cao và nhu cầu của người tiêu dùng cần được giảm tải để lĩnh vực vận chuyển có thể đáp ứng.
Một số khác lại lạc quan hơn. Giovanni Arvedi - nhà sáng lập cà chủ tịch hãng sản xuất Arvedi của Ý, cho biết, thị trường thép đã bùng nổ vào đầu năm nay, nhưng mọi thứ dần ổn định khi các lò nung đã hoạt động trở lại. Hơn nữa, số liệu được công bố hôm 7/9 cho thấy sản lượng tại các nhà máy ở Đức đã tăng trong tháng 7. lần đầu tiên trong 4 tháng, dù nguồn cung bị tắc nghẽn.
Tham khảo Financial Times