Chuỗi cung ứng đứt gãy từ 'góc nhìn' của chiếc xe đạp 3 bánh: Số hàng 2 triệu USD 'đắp chiếu' chờ đợi một bộ phận 30 USD
Các vấn đề về chuỗi cung ứng vốn gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp có thể trở nên tồi tệ trước thời điểm cuối năm, khi sự chậm trễ tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động thương mại toàn cầu và cược vận chuyển thậm chí còn tăng cao hơn.
- 25-08-2021Nâng hay hạ lãi suất: Chủ tịch Fed Jerome Powell và thế tiến thoái lưỡng nan trước thềm sự kiện Jackson Hole
- 24-08-2021Cuộc khủng hoảng của mạng lưới vận chuyển toàn cầu ngày càng tồi tệ: Từ đường biển lan rộng sang hàng không và đường bộ, các hãng thiếu container trầm trọng
Catrike có 500 chiếc xe đạp 3 bánh cất trong khu xưởng ở Orlando, sẵn sàng để được vận chuyển đến các đại lý bán hàng. Tuy nhiên, những chiếc xe lại "nằm yên" hàng tháng trời để chờ đợi cùi đề (derailleur) - một bộ phận nhỏ nhưng quan trọng, được chết tạo ở Đài Loan.
Mark Egeland - tổng giám đốc của công ty, cho biết: "Chúng tôi đang ‘chất đống’ số xe trị giá 2 triệu USD để chờ đợi một bộ phận trị giá 30 USD."
Vấn đề mà công ty này gặp phải cho thấy sự gián đoạn của chuỗi cung ứng đang khiến những doanh nghiệp Mỹ và cả thế giới rung chuyển. Tình trạng này đã đẩy lạm phát lên cao, gây chậm trễ cho thời gian giao hàng và làm trầm trọng thêm sự bất ổn kinh tế.
Hiện vẫn chưa rõ liệu khi nào những trở ngại này sẽ kết thúc và thậm chí mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn trong tương lai. Kỳ nghỉ lễ đang cận kề, các doanh nghiệp Mỹ đang thiếu hàng tồn kho và sự bùng phát trở lại của Covid-19 tiếp tục khiến các nhà máy trên thế giới đóng cửa. Song, nhu cầu hàng hóa vẫn tăng mạnh do các hộ gia đình sử dụng tiền tiết kiệm trong những tháng ở nhà để mua thiết bị thể thao, ghế dài và quần áo.
Điều này có thể gây áp lực cho các nhà sản xuất hàng hóa trên toàn cầu và các tuyến đường vận chuyển, ngay cả khi người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho việc ăn tối và xem phim ngoài rạp. Đây là sự thay đổi mà nhiều nhà phân tích kỳ vọng sẽ giúp ổn định lại chuỗi cung ứng.
Các câu hỏi quan trọng đối với những nhà hoạch định chính sách kinh tế là liệu vấn đề này sẽ kéo dài bao lâu và tác động đến giá tiêu dùng như thế nào. Các quan chức Fed nhiều lần nhận định rằng xu hướng này chỉ là nhất thời, nhưng họ vẫn cẩn trọng khi nhấn mạnh rằng chuỗi cung ứng là nguyên nhân chính.
Phil Levy là nhà kinh tế trưởng tại Flexport, chuyên theo dõi các tuyến vận chuyển đường biển và giúp các nhà nhập khẩu lên kế hoạch để nhập hàng đúng lịch. Ông cho biết: "Tôi không cho rằng xu hướng này chủ là tạm thời, có nhiều lý do khiến chúng ta lo ngại."
Chi phí container đã tăng vọt. Theo Freightos, đầu năm nay, cước vận chuyển container từ Trung Quốc và Đông Á đến bờ Đông của Mỹ tăng vượt mức 20.000 USD, từ khoảng 4.000 USD ở 1 năm trước. Mức giá cao là nguyên nhân khiến nhiều tàu bỏ tuyến, khiến vấn đề ngày càng trầm trọng. Ngoài ra, mạng lưới vận chuyển còn phải đối mặt với sự mất cân đối: các tàu xếp hàng dài ở Mỹ, nhưng các container rỗng lại không kịp quay về Trung Quốc.
Trong khi đó, một số nhà cung cấp đang phải hứng chịu chi phí sản xuất và vận chuyển cao hơn. Full Speed Ahead - hãng sản xuất bộ cùi đề cho Catrike, là một ví dụ điển hình. CEO Mark Vandermolen cho biết công ty hầu như không chuyển chi phí cho khách hàng và duy trì mức giá hiện tại lâu nhất có thể.
Song, không phải tất cả các nhà cung cấp của Catrike đều chấp nhận chi phí leo thang. Hơn nữa, việc mức giá cao được chuyển đến người tiêu dùng phụ thuộc vào sự điều chỉnh của các công ty như Catrike và đại lý của họ.
Catrike đã tăng giá cho sản phẩm thêm 200 USD vào đầu năm nay, lần đầu tiên kể từ năm 2010. Song, Egeland cho biết công ty này đang có lợi thế hơn so với đối thủ khi cung cấp các sản phẩm có giá phải chăng và họ muốn duy trì mức giá ổn định ở hiện tại.
Việc xác định liệu tình trạng tắc nghẽn có dẫn đến hậu quả lâu dài hay không vẫn chưa rõ ràng. Chuỗi cung ứng hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ, thời gian vận chuyển các bộ phận từ các nhà cung cấp của Catrike ở Indonesia đến Bắc Mỹ đã tăng lên 3 tháng, đôi khi là 4 tháng - gấp đôi so với trước đây.
Hiện tại, các hãng vận chuyển đã phải tăng thêm hơn 20% công suất của đội tàu, nhưng phần lớn trong số đó sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023 hoặc muộn hơn, dựa theo số đơn đặt hàng tàu mới do Ocean Shipping Consultants theo dõi. Nhà Trắng cũng muốn nâng cấp các cảng để giảm chi phí vận chuyển và duy trì mức giá trong dài hạn, song quá trình này cũng không diễn ra nhanh chóng.
Trong khi đó, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng tiếp tục xảy ra. Ryan Petersen - CEO của Flexport, cho biết: "Điều sẽ còn kéo dài trong suốt phần còn lại của năm và sẽ trở nên tồi tệ hơn trong mùa Giáng sinh."
Khi khoản tiền từ các gói kích thích kinh tế được chi tiêu, nhu cầu của người tiêu dùng cũng cũng dần hạ nhiệt. Doanh số bán lẻ tháng 7 đã cho thấy những dấu hiệu ban đầu của việc nhu cầu với đồ nội thất, ô tô và quần áo đang giảm dần.
Tương lai của chuỗi cung ứng phụ thuộc một phần vào diễn biến của dịch bệnh. Nada Sanders - giáo sư ngành quản lý chuỗi cung ứng Đại học Northeastern, dự đoán biến thể Delta sẽ trì hoãn việc mọi hoạt động trở lại bình thường cho đến ít nhất là năm 2023. Do người dân ở nhiều nơi trên thế giới vẫn chưa được tiêm vắc-xin đầy đủ, nhiều nhà máy và cảng sẽ tiếp tục phải đóng cửa.
Tham khảo New York Times