Chuỗi cung ứng thần thánh của Zara và triết lý “Thời trang nhanh” làm khuynh đảo làng mốt thế giới
Sự thành công của Zara cho đến lúc này luôn phụ thuộc vào triết lý kinh doanh và cách vận hành chuỗi cung ứng hết sức đặc biệt này của tập đoàn. Và triết lý “thời trang nhanh” đã biến Zara từ một nhà bán lẻ thời trang để trở thành một case study của kinh doanh hiện đại.
- 14-07-2017Zara, H&M, Uniqlo vào Việt Nam: Còn cửa nào cho doanh nghiệp trong nước trước cơn bão hàng ngoại “giá rẻ”?
- 19-06-2017Uniqlo, H&M, Zara đổ bộ Việt Nam và sự chuyển mình của thương hiệu thời trang nhanh trong nước
- 24-05-2017Khi thời trang nhanh trở thành "siêu nhanh", Zara đang phải đương đầu với hiểm họa lớn chưa từng thấy!
Bắt đầu từ một cửa hàng nhỏ ở Tây Ban Nha vào năm 1975, Zara hiện nay đã sở hữu hơn 2.200 cửa hàng tại 93 quốc gia trên khắp thế giới. Năm 2016, vượt qua thị trường bán lẻ ảm đạm, Zara tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với doanh thu 15,9 tỷ USD. Vậy vũ khí giúp Zara ngày càng thống lĩnh thị trường thời trang là gì? Đó chính triết lý kinh doanh “Thời trang nhanh” có một không hai của tập đoàn này.
Triết lý kinh doanh “Thời trang nhanh”
Khác biệt với mô hình bán lẻ thời trang truyền thống, Zara vận hành triết lý kinh doanh “thời trang nhanh” của riêng mình với 3 ý chính:
- Thời gian ngắn: So với thời gian trung bình là 6 tháng, Zara chỉ cần 2 tuần để đưa một ý tưởng thiết kế thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Do đó Zara luôn bắt kịp những xu hướng thời trang mới nhất.
- Số lượng ít: Mỗi mẫu sản phẩm của Zara sẽ được sản xuất với số lượng tối thiểu. Điều này vừa tránh được rủi ro tồn kho, vừa tạo ra cảm giác “độc quyền” mà những người đam mê thời trang luôn thèm khát.
- Kiểu dáng nhiều: Zara luôn tạo điều kiện cho nhân viên của mình sáng tạo và không sợ sai lầm. Với thời gian ngắn và số lượng ít, các mẫu mã mới của Zara luôn nhận được phản hồi ngay lập tức từ thị trường với lượng tồn kho tối thiểu. Từ đó, càng nhiều kiểu dáng mới ra lò sẽ càng gia tăng cơ hội thành công của Zara.
Triết lý “thời trang nhanh” này được phản ánh xuyên suốt chuỗi cung ứng của Zara, từ thu mua, sản xuất, cho đến kho hàng, phân phối và bán lẻ.
Thu mua
Zara thu mua nguyên liệu đầu vào từ nhiều nhà cung cấp tại Tây Ban Nha, Ấn Độ, Morocco và các nước Trung Đông với sự trợ giúp của các văn phòng tại Bắc Kinh, Bacelona, Hồng Kông và nhân viên tại trụ sở chính.
Khoảng một nửa số vải được mua trong tình trạng chưa nhuộm để có thể thay đổi linh hoạt ngay trong một mùa thời trang.
Ngoài ra, hệ thống thu mua và xưởng sản xuất mẫu luôn được vận hành sâu sát với trụ sở thiết kế tại Tây Ban Nha để đảm bảo chất lượng và tốc độ làm mẫu ở mức cao nhất.
Sản xuất
Quy trình sản xuất của Zara ứng dụng triệt để nguyên lý Just In Time (JIT): “Đúng sản phẩm – với đúng số lượng – tại đúng nơi – vào đúng thời điểm cần thiết”. Trong JIT, các quy trình không tạo ra giá trị gia tăng đều phải bị bãi bỏ.
Zara luôn đảm bảo nhà máy do tập đoàn sở hữu duy trì khả năng sản xuất hơn 85% nhu cầu của thị trường, việc này giúp Zara kiểm soát được số lượng, tốc độ và mẫu mã hàng hóa sẽ tung ra.
Thêm vào đó, để trở nên linh hoạt trước xu hướng thời trang mới, các nhà máy của Zara chỉ hoạt động 100% năng suất vào 4.5 ngày trên một tuần, hoàn toàn có thể tăng ca lúc cần thiết.
Hơn 200 nhà thiết kế của Zara mỗi năm tung ra hơn 12.000 mẫu mới với tiêu chí đi theo xu thế chứ không tạo xu thế.
Kho hàng và phân phối
Sản phẩm tồn kho chỉ chiếm dưới 10% trong kho hàng của Zara, so với tỷ lệ trung bình là 17-20%.
Zara luôn đảm bảo mỗi địa điểm bán lẻ của mình luôn nhận đủ số lượng sản phẩm cần thiết. Điều này giúp củng cố thêm hình ảnh “số lượng có hạn” và giảm thiểu hàng tồn.
Trên thực tế, chuỗi cung ứng của Zara xử lý hơn 450 triệu sản phẩm một năm, với chu kỳ bổ sung hàng mới trên khắp thế giới là 2 lần 1 tuần!
Mỗi cửa hàng Zara sẽ gửi 2 đơn đặt hàng mới mỗi tuần, và đáp lại, những đơn hàng này sẽ được cung cấp vào những thời gian cụ thể. Theo một báo cáo gần đây nhất, chuỗi phân phối của Zara có thể cung cấp sản phẩm tới từng cửa hàng tại Châu Âu trong 24 giờ và trong 40 giờ với các cửa hàng Châu Á và Châu Mỹ. Với giá thành sản phẩm đã được niêm yết sẵn, các cửa hàng có thể ngay lập tức trưng bày và bán cho khách hàng.
Với tần suất phân phối nhanh và tồn kho ít, mỗi nhân viên Zara (từ thiết kế cho đến thu mua, sản xuất và bán lẻ) đều nắm được lịch trình và điều chỉnh công việc của mình cho phù hợp. Và với khách hàng của Zara, điều này thúc đẩy họ đến cửa hàng liên tục để nắm được các xu hướng mới nhất trên thị trường.
Bán lẻ
Zara không đầu tư vào PR, quảng cáo mà tập trung vào xây dựng chuỗi cửa hàng với địa điểm và cách trưng bày tinh vi, được xây dựng bởi một đội ngũ thiết kế và kiến trúc sư riêng.
Theo một nghiên cứu gần đây cho thấy, Zara luôn duy trì mức giảm giá trung bình 15% trên sản phẩm bán ra, so với mức 30 - 40% của thị trường.
Kết luận
Rất nhiều công ty mong muốn chuỗi cung ứng của mình phải có mục tiêu hàng đầu là giảm chi phí. Còn với Zara, chuỗi cung ứng phải hoạt động với tốc độ tối đa, để từ đó gia tăng doanh thu bù đắp vào chi phí nhân công, vận chuyển và đồng thời đảm bảo sự thỏa mãn của khách hàng.
Sự thành công của Zara cho đến lúc này luôn phụ thuộc vào triết lý kinh doanh và cách vận hành chuỗi cung ứng hết sức đặc biệt này của tập đoàn. Và triết lý “thời trang nhanh” đã biến Zara từ một nhà bán lẻ thời trang để trở thành một case study của kinh doanh hiện đại.
Trí thức trẻ