Chuỗi cung ứng toàn cầu nguy cơ hứng cú sốc lớn từ già hóa dân số ở Trung Quốc
“Xu hướng già hóa dân số đang tăng... Đây là cảnh báo không chỉ với Trung Quốc mà còn với cả thế giới, bởi Trung Quốc là cốt lõi của các chuỗi cung ứng", theo Raymond Yeung, kinh tế gia về Trung Quốc tại ANZ, nói.
- 16-05-2021Giá nhiều loại hàng hoá tăng kỷ lục có giúp các quốc gia xuất khẩu hồi phục mạnh mẽ sau khủng hoảng?
- 14-05-2021Mỹ hứng chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng chip: Nhà máy đóng cửa, ô tô trở thành 'đống nhựa vô dụng', người mua giận dữ khi vài tháng không nhận được xe
Kết quả cuộc tổng điều tra dân số mới nhất của Trung Quốc (thực hiện 10 năm/lần) cho thấy dân số của quốc gia này tính tới ngày 1/11/2020 là 1,41 tỷ người, ghi nhận tốc độ gia tăng dân số chậm nhất kể từ những năm 1950.
“Xu hướng già hóa dân số đang ngày một rõ ràng. Đây là hồi chuông cảnh báo không chỉ với Trung Quốc mà còn đối với toàn thế giới, khi quốc gia đông dân nhất thế giới này đóng một vài trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, Raymond Yeung, nhà kinh tế học trưởng phụ trách Trung Quốc tại ngân hàng ANZ, chia sẻ.
“Trong vài năm tới, lực lượng lao động của Trung Quốc sẽ mất đi khoảng 70 triệu người. Đó chắc chắn sẽ là cú sốc lớn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Ông bổ sung rằng các thị trường tài chính rất có thể cũng sẽ chịu ảnh hưởng, bởi tỷ lệ tiết kiệm cao tại Trung Quốc luôn là động lực hỗ trợ cho các thị trường tài chính toàn cầu. Trung Quốc là quốc gia sở hữu tỷ lệ tiết kiệm cá nhân thuộc hàng cao nhất thế giới. Nhiều nhà đầu tư độc lập đang tiếp tục đổ thêm tiền vào thị trường hoặc tiền sẽ được giữ trong các quỹ hưu trí.
Cuộc tổng điều tra dân số cũng cho thấy tỷ lệ sinh tiếp tục có chiều hướng đi xuống khi giảm 15% trong năm 2020, đánh dấu năm giảm thứ 4 liên tiếp.
Dân số Trung Quốc đang có xu hướng già đi. Ảnh: Getty Images.
Các chuyên gia cho biết tình trạng già hóa dân số của Trung Quốc không chỉ xuất phát từ chính sách một con và Bắc Kinh cần có sự thay đổi để giữ đà tăng trưởng của nền kinh tế. Cúng giống như tại một số quốc gia phát triển, giá nhà cao, thêm vào với đó là chi phí giáo dục đắt đỏ tại Trung Quốc đã “dập tắt” ý nghĩ sinh nhiều con của người dân nước này trong một vài năm trở lại đây.
Yeung chia sẻ rằng Trung Quốc cần phải tập trung cải thiện năng suất của lực lượng lao động.
Ông cho biết tỷ lệ sinh đang sụt giảm của quốc gia này là tình trạng khó “cứu vãn”, cho dù họ có nới lỏng chính sách “một con”.
“Quan trọng hơn, Trung Quốc nên tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư phát triển công nghệ, hướng tới các ngành ứng dụng công nghệ cao, những lĩnh vực giá trị gia tăng lớn, và chuyển đổi toàn bộ chuỗi cung ứng, nhằm mục tiêu tăng trưởng bền vững”, ông cho biết. Đó là cách tiếp cận “thực tế” hơn là quá chú trọng vào các chỉ số dân số.
Kinh tế Trung Quốc phụ thuộc lớn vào các ngành công nghiệp như sản xuất - chế tạo, đòi hỏi một lực lượng lao động giá rẻ rất lớn. Nhưng với việc mức lương ngày một tăng cao, Trung Quốc mất đi sức hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, trong khi đó, người lao động của quốc gia này cũng cần nâng cao trình độ và tay nghề để có thể gia tăng tính sáng tạo của nền kinh tế.
“Tôi cho rằng đây là một vấn đề hết sức nan giải, và Trung Quốc thực sự cần phải thuần hóa 'tê giác xám' này. Khi mọi người nhận thức được vấn đề, mọi người cũng sẽ ý thức được mình cần phải hành động”, ông cho biết.
Thuật ngữ “tê giác xám” ám chỉ tới những vấn đề rõ ràng nhưng lại được ít người quan tâm, để ý tới.
NDH