MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuỗi cung ứng toàn cầu từng náo loạn khi con tàu to như quả núi chặn ngang kênh đào Suez: Điều gì sẽ xảy ra khi kinh tế thế giới phải quen với những biến cố như thế?

19-01-2024 - 10:32 AM | Tài chính quốc tế

Biến động với chuỗi cung ứng toàn cầu trở thành “bình thường mới” không phải viễn cảnh xa xôi mà chính là điều lãnh đạo các doanh nghiệp có tiếng đang lo lắng.

Chuỗi cung ứng toàn cầu từng náo loạn khi con tàu to như quả núi chặn ngang kênh đào Suez: Điều gì sẽ xảy ra khi kinh tế toàn cầu phải quen với những biến cố như thế? - Ảnh 1.

Bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ, các CEO hàng đầu vẫn đang theo dõi chặt chẽ những căng thẳng ở biển Đỏ, nơi lực lượng Houthi ở Yemen đang thực hiện các vụ tấn công nhằm vào tàu hàng qua lại khu vực. Các cuộc không kích của Mỹ và Anh nhằm vào Houthi dẫn tới việc gia tăng các hành động đáp trả của lực lượng này.

Thực tế, Kênh đào Suez và Biển Đỏ cùng nằm trên một tuyến đường huyết mạch nối liên châu Á với châu Âu. Trước đây, chuỗi cung ứng toàn cầu từng lao đao khi một con tàu container khổng lồ chắn ngang kên đào Suez, vốn được xem là yết hầu của tuyến đường biển huyết mạch. Tuy các cuộc tấn công của Houthi không làm tuyến đường ách tắc hoàn toàn nhưng nó vẫn đủ khiến các tàu thương mại phải né tránh.

Khi Biển Đỏ trở nên không an toàn, các tàu hàng phải đi vòng qua mũi Hải vọng ở châu Phi, khiến tuyến đường kéo dài thêm 10 ngày cùng những khoản chi phí gia tăng với hàng hóa từ châu Á sang châu Âu và ngược lại.

Jesper Brodin, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Ingka, chia sẻ bên lề WEF tại Davos: “Tôi nghĩ trong những năm gần đây, chúng ta đã quen sống trong thời kỳ hỗn loạn. Và thật đáng tiếc khi phải chứng kiến thế giới đang ngày càng xáo trộn. Tôi nghĩ đó là điều bình thường mới và những năm qua, chúng ta đang dần chấp nhận thực tế đó”.

Tuy nhiên, lãnh đạo Tập đoàn Ingka, vốn đang điều hành một số cửa hàng của IKEA và Brodin, cho rằng không giống như trong thời đại Covid-19, giờ đây chúng ta có lượng hàng hóa nhiều hơn nên sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn cung.

Dù bóng ma Covid-19 đã bị bỏ lại phía sau nhưng biến đổi khí hậu và tình hình địa chính trị phức tạp tại nhiều khu vực vẫn đang khiến giá cước vận tải cao hơn.

Tobias Meyer, Giám đốc điều hành của DHL, cũng chia sẻ mối lo ngại về cái gọi là tình trạng bình thường mới đối với chuỗi cung ứng.

“Những gì chúng ta đang phải đối mặt là sự gián đoạn liên tục. Chúng ta gặp khó ở kênh đào Panama và bây giờ là vấn đề ở Biển Đỏ. Nhiều vấn đề đang tích tụ lại và có những lo ngại xung quanh những vấn đề ấy”, ông Meyer chia sẻ.

Trong tương lai gần, lãnh đạo của DHL nói rằng thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với những biến động trong năm 2024 và 2025 bởi các vấn đề vẫn đang tồn tại. Sự biến động trong chuỗi cung ứng đồng nghĩa với việc giá cả sẽ cao hơn với người tiêu dùng và các ngân hàng trung ương lại phải đau đầu hơn với cuộc chiến chống lạm phát.

Ông Thomas Jordan, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ, nói rằng: “Tình hình địa chính trị không được tốt lắm. Nếu leo thang căng thẳng ở Trung Đông hoặc Đông Âu, giá năng lượng sẽ tiếp tục tăng. Điều này tác động đến tâm lý chung trong nền kinh tế, thậm chí có thể tác động tới tỷ giá hối đoái và lạm phát. Sau đó, chúng ta sẽ phải tính toán xem làm như thế nào để tốt nhất”.

Tham khảo: CNBC

Linh Anh

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên