Chuỗi khách sạn Mường Thanh của "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản đang hoạt động ra sao?
Chuỗi khách sạn Mường Thanh gắn liền với tên tuổi ông Lê Thanh Thản, vị đại gia nổi tiếng trong ngành bất động sản. Có những thời điểm, chỉ riêng Mường Thanh chiếm tới 10% số lượng phòng nghỉ, dịch vụ lưu trú trên toàn quốc.
- 23-04-2023Truy tố Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh tội lừa dối khách hàng
- 04-04-2021Sở hữu khối tài sản hàng tỷ USD, các công ty quản lý chuỗi khách sạn Mường Thanh của ông Lê Thanh Thản vẫn lỗ nặng trong nhiều năm
Đầu những năm 1990, ông Lê Thanh Thản khi ấy đang nắm trong tay một doanh nghiệp tư nhân làm về xây dựng ở Điện Biên đã nhận thấy tiềm năng trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn. Năm 1993, ông tiến hành xây dựng khách sạn đầu tiên của tỉnh Lai Châu tại Điện Biên. Sau một năm thi công, khách sạn được đưa vào hoạt động năm 1994, đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Điện Biên. Thời điểm này lượng khách đổ về Điện Biên quá đông mà nhu cầu phòng khách sạn không đủ để đáp ứng.
Đến năm 1996, tỉnh Lai Châu đã đề nghị ông nhượng lại khách sạn Điện Biên, trao đổi với ông bằng một lô đất có giá trị khác. Chính từ lô đất này ông đã xây dựng nên khách sạn Mường Thanh Điện Biên, tiền thân của chuỗi khách sạn Mường Thanh ngày nay.
Năm 1997, Mường Thanh Điện Biên, khách sạn đầu tiên trong chuỗi khách sạn Mường Thanh của đại gia Lê Thanh Thản chính thức đi vào hoạt động.
Năm 2003, đánh dấu bước ngoặt trên con đường phát triển của hệ thống khách sạn Mường Thanh là quyết định chuyển hướng đầu tư về Hà Nội với sự ra đời của Mường Thanh Linh Đàm, Hà Nội.
Năm 2012, Mường Thanh thành lập văn phòng điều hành, quản trị tập trung hoạt động các đơn vị trên cả nước thống nhất theo tiêu chuẩn chất lượng và hình ảnh đồng nhất.
Năm 2013, ông Lê Thanh Thản đã bàn giao vị trí Tổng giám đốc cho con gái cả là bà Lê Thị Hoàng Yến (SN 1987).
Bà Yến tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán Tài chính tại Đại học Brimmingham và 7 năm tu nghiệp tại Vương quốc Anh. Dưới thời quản lý của bà Yến, Mường Thanh đã mở rộng hệ thống một cách nhanh chóng.
Đến hết năm 2015, theo thông tin tự công bố, Mường Thanh có 35 khách sạn trên 30 tỉnh thành cả nước với 6.912 phòng, chiếm tới 10% số lượng phòng nghỉ, dịch vụ lưu trú trên toàn quốc.
Năm 2016, tập đoàn khách sạn Mường Thanh khai trương khách sạn đầu tiên ở nước ngoài Mường Thanh Luxury Vietiane (Lào). Đây là lần đầu tiên Mường Thanh đưa mô hình kinh doanh vượt ra ngoài biên giới Việt Nam.
Năm 2017, Mường Thanh được công nhận là "Chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Đông Dương" trong kỷ lục hội ngộ kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 33.
Hiện theo thông tin trên website, chuỗi Khách sạn Mường Thanh đang sở hữu 60 khách sạn (không tính 02 Mường Thanh Golf Club) trên cả nước, bao gồm: 24 Mường Thanh Luxury, phân khúc khách sạn hạng sang cao cấp nhất của Mường Thanh; 19 Mường Thanh Grand; 10 Mường Thanh Holiday, nhóm khách sạn cao cấp nằm ở các địa điểm du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng; 7 Mường Thanh tiêu chuẩn.
Vốn điều lệ của CTCP tập đoàn Mường Thanh hiện nay là 2.799,25 tỷ đồng sau lần tăng vốn vào tháng 9 năm ngoái.
Mặc dù phát triển nhanh chóng về số lượng nhưng bên cạnh đó, những dự án bất động sản liên quan đến Mường Thanh cũng vướng phải không ít tai tiếng liên quan đến việc xây dựng vượt phép, sai mục đích...
Chẳng hạn như tại dự án Mường Thanh Khánh Hòa (TP. Nha Trang), doanh nghiệp xây hơn 43 tầng, nhưng chỉ được phép 40 tầng. Hay trường hợp của Mường Thanh Cần Thơ, chủ đầu tư đưa dự án vào hoạt động khi chưa có văn bản thẩm duyệt hệ thống phòng cháy chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền.
Mới đây, dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) được Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cấp phép năm 2016 với quy mô 42 tầng và 2 tầng hầm. Trong đó, từ tầng 2 đến tầng 5 được cấp phép xây dựng làm bãi đỗ xe, nhà trẻ, hồ bơi… Tuy nhiên, chủ đầu tư đã tự ý chuyển đổi công năng 4 tầng trên thành 104 căn hộ. Ngoài ra, một số tầng xây dựng sai phép cũng buộc phải tháo dỡ.
Trong một diễn biến liên quan đến ông Lê Thanh Thản, ngày 23-4, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP Hà Nội vừa ra thông báo về việc truy tố bị can Lê Thanh Thản (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Bemes, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh) để xét xử về tội Lừa dối khách hàng, quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 198 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Theo hồ sơ vụ án, giai đoạn 2009 - 2012, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng các dự án, Chính phủ đã có nhiều biện pháp tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính trong quá trình đầu tư xây dựng. Đó là đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Dự án CT6 Kiến Hưng đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 trên diện tích đất do Công ty Bemes quản lý sử dụng khi sát nhập vào Hà Nội.
Sau khi mua lại Công ty Bemes, ông Lê Thanh Thản đã tổ chức triển khai xây dựng rất nhanh công trình CT6 Kiến Hưng, vi phạm đặc biệt nghiêm trọng quy hoạch xây dựng chi tiết phê duyệt.
Ông chủ Tập đoàn Mường Thanh chỉ đạo xây dựng công trình CT6 Kiến Hưng không theo quy hoạch đã được duyệt và bán toàn bộ căn hộ được tạo lập trái pháp luật, thu lời bất chính.
Nhịp sống thị trường