Chuỗi ngày bán xe kỷ lục của Tesla sắp kết thúc?
Phong tỏa Thượng Hải do Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất và chuỗi cung ứng của Tesla, trong khi tiến độ đẩy mạnh sản lượng tại các nhà máy mới cũng chậm lại.
- 26-06-2022Cổ phiếu Tesla thua xa các công ty xe điện Trung Quốc
- 24-06-2022Elon Musk lo Tesla sắp phá sản
- 23-06-2022Tỷ phú “chơi ngông” Elon Musk cũng có ngày lo ngay ngáy khi Tesla hoá thành “lò đốt tiền”
Trong khi CEO Elon Musk bận rộn với thương vụ mua lại Twitter, công ty xe điện của ông - Tesla lại vật lộn với nghịch cảnh tại Trung Quốc và chật vật tăng sản lượng tại các nhà máy mới ở Texas (Mỹ), Berlin (Đức).
Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu Refinitiv, các nhà phân tích dự đoán Tesla giao được 295.078 xe trong quý II. Thậm chí, một số còn hạ mức dự báo xuống còn khoảng 250.000 xe do phong tỏa kéo dài tại Trung Quốc. Mức này thấp hơn hẳn mức kỷ lục 310.048 xe của quý trước đó, đánh dấu lần sụt giảm đầu tiên kể từ quý I/2020.
Nhà sản xuất xe hơi số 1 thế giới xét theo vốn hóa thị trường đã ghi nhận doanh số kỷ lục trong mọi quý kể từ quý III/2020, vượt qua khó khăn mà đại dịch và gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra. Trung Quốc chính là nhân tố quan trọng giúp Tesla tăng cường sản xuất và bản thân Musk cũng khen ngợi các nhân viên ở đây.
Dù vậy, các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan ở Trung Quốc khiến sản lượng giảm sâu hơn so với dự đoán của Musk. Nhà máy Tesla Thượng Hải đóng góp gần một nửa sản lượng xe Tesla năm 2021. Nhà phân tích Dan Ives ước tính phong tỏa Thượng Hải khiến Tesla thiệt hại khoảng 70.000 xe.
Vào tháng 4, Musk tự tin sản lượng xe Tesla trong quý II sẽ gần bằng quý I, song gần đây đã đổi giọng khi thừa nhận Tesla gặp một quý vô cùng khó khăn vì những thách thức sản xuất và chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Trong khi đó, Musk gọi các nhà máy mới của Tesla tại Texas và Berlin là “cỗ máy đốt tiền khổng lồ”, đốt hàng tỷ USD vì không thể tăng sản lượng nhanh chóng. Các vấn đề chuỗi cung ứng chưa biến mất, khiến việc duy trì hoạt động nhà máy cũng khó khăn.
Nhà phân tích Garrett Nelson cho rằng, vấn đề mấu chốt ở đây là quy mô sụt giảm tại Trung Quốc cũng như nhà máy Fremont có bù đắp được sản lượng thâm hụt hay không. Ông dự đoán sản lượng sẽ bật tăng mạnh trong nửa sau năm nay khi Tesla tăng cường sản xuất tại nhà máy Thượng Hải trong bối cảnh nới lỏng biện pháp phong tỏa Covid-19.
Tuy nhiên, chuyên gia Gene Munster lại có ý kiến khác. Ông tỏ ra thận trọng hơn khi nói rằng quý III sẽ khó đối với Tesla và các hãng công nghệ khác do rủi ro suy thoái.
Tesla đã sa thải hàng trăm nhân sự tại Mỹ sau khi Musk chia sẻ “có cảm giác cực tồi tệ” về kinh tế và cần phải cắt giảm khoảng 10% lao động. Dù vậy, ông cho biết nhu cầu xe Tesla vẫn mạnh.
Cổ phiếu Tesla giảm khoảng 37% từ đầu tháng 4, ảnh hưởng từ thương vụ với Twitter và phong tỏa tại Trung Quốc.
ICTNews