Chuỗi nhà hàng Việt Nam: Muốn mở rộng, cần quản trị mạnh!
Gần đây, các chuỗi nhà hàng nhượng quyền đang có sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng cũng như mô hình.
Việc này thể hiện rõ nét khi lần lượt các quỹ đầu tư từ Mekong capital, Standard Charter, Cassia Investment đã rót một số lượng tiền đầu tư không nhỏ vào thị trường mới nổi nhưng đầy tiềm năng này. Danh sách các tay chơi lớn trên sân chơi F&B có thể kể đến: Golden Gate, Món Huế, Red Sun, The KAfe Group, QSR Vietnam...đang có những sự bứt phá mạnh mẽ.
Trong bối cảnh ngành F&B đang cực kì sôi động & không ngừng tăng trưởng, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này đồng thời cũng chịu sức ép cạnh tranh từ các đối thủ. Nhất là sự cạnh sự cạnh tranh trực diện với những tên tuổi lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật, Hàn, Châu Âu vốn đã định vị được thương hiệu & xây dựng được các công vụ quản trị đắc lực.
Vì vậy, để một chuỗi nhà hàng phát triển ổn định và bền vững khi mở rộng quy mô thì một công cụ quản trị khoa học, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý - vận hành là điều kiện không thể thiếu.
Bà Nguyễn Phi Vân, Tổng giám đốc của Retail & Franchise Asia cho rằng trong việc quản trị và điều hành một chuỗi hay một hệ thống nhượng quyền, một trong những nền tảng quan trọng nhất là quản lý tài chính. Việc quản lý chặt chẽ doanh thu và chi phí là nền tảng cơ bản để doanh nghiệp thành công trong việc vận hành từng chi nhánh.
Quan trọng hơn nữa, việc có thể hiểu rõ dữ liệu của từng chi nhánh và tổng hợp thành dữ liệu của toàn hệ thống giúp doanh nghiệp đánh giá được hiệu quả vận hành chung. “Nếu thiếu đi các dữ liệu này, việc vận hành của doanh nghiệp cũng giống đi như đi trong đêm tối, không biết phải đi về đâu và đi như thế nào” - Bà Vân cho biết.
Khác với cách làm của phần đông công ty ở Việt Nam, với lợi thế về vốn và công nghệ các tập đoàn F&B nước ngoài thường dành ngân sách và nguồn lực đủ lớn để xây dựng hệ thống quản trị mạnh, từ đó làm bàn đạp cho việc mở rộng qui mô kinh doanh lên tới hàng ngàn điểm.
Tại thời điểm này, các doanh nghiệp cần đầu tư rất mạnh vào các giải pháp Công nghệ Thông tin, bắt đầu từ giải pháp quản lý bán hàng (Point-Of-Sales) cho tới giải pháp quản lý sản xuất, kho bãi, chuỗi cung ứng (Back-End). Giải pháp Công nghệ Thông tin chính là công cụ thực thị và hỗ trợ các Công nghệ quản trị của con người.
Ông Đào Thế Vinh – CEO của tập đoàn Golden Gate, người có kinh nghiệm trong việc mở rộng và phát triển hệ thống chuỗi nhà hàng của Golden Gate đã chia sẻ “Hệ thống POS như một cột sống mạnh khoẻ để nâng đỡ bộ máy quản lý phía sau. Do đó việc lựa chọn hệ thống POS phù hợp là một việc cực kỳ quan trọng trong quản lý hệ thống chuỗi nhà hàng của chúng tôi”
Còn theo ông James Dương Nguyễn –Tổng Giám đốc Công ty Dcorp R-Keeper Việt Nam, đơn vị cung cấp và tư vấn giải pháp quản lý nhà hàng nổi tiếng R-Keeper chia sẻ rằng “Một giải pháp POS để triển khai được ở các khách hàng chuyên nghiệp trên diện rộng cần đáp ứng những tiêu chí quan trọng sau: Quy trình Chuẩn mực - Vận hành Ổn định - Xử lý Chính xác”.
“Quy trình hoạt động phải chuẩn mực để đảm bảo tối ưu hóa vận hành và vẫn giữ được sự cân bằng giữa tự động hóa nghiệp vụ bán hàng, phục vụ khách hàng và kiểm soát nội bộ. Hệ thống Ổn định giúp việc nhân rộng được nhanh chóng, dễ dàng, giảm thiểu các lỗi phát sinh đe dọa gián đoạn vận hành kinh doanh kể cả phần bán hàng và phần quản lý Back Office tại văn phòng và Xử lý Chính xác các nghiệp vụ về tiền mặt và thanh toán tại quầy, giúp an ninh tài chính cho chủ đầu tư và cung cấp số liệu khách quan cho cả khách hàng, người vận hành và các nhà đầu tư...”, Ông James Dương Nguyễn khuyến cáo.
Đồng quan điểm, bà Phi Vân cho rằng việc ứng dụng công nghệ vào quản trị sẽ giúp đòn bẩy công việc kinh doanh và tăng trưởng tốt hơn, doanh nghiệp cần tập trung xây năng lực bên trong vững chắc, hỗ trợ bằng các nền tảng quản trị hiệu quả trước khi mở rộng và phát triển.
“Phần mềm quản lý do đó đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp các dữ liệu tài chính cần thiết, giúp doanh nghiệp nắm được lịch sử kinh doanh, từ đó có thể lên chiến lược và kế hoạch phát triển cho hệ thống. Và cũng vì vậy, đây là một danh mục đầu tư không thể thiếu được ngay từ khi bắt đầu hoạt động”, Bà Vân đưa ra lời khuyên.
Tại Việt Nam, có một số công ty Công nghệ khởi nghiệp cũng phát triển những giải pháp quản lý bán hàng đơn giản, tuy nhiên, do còn hạn chế về kinh nghiệm trong việc phát triển một giải pháp nghiêm túc cũng như năng lực nội tại mà các giải pháp trong nước chỉ có thể đáp ứng ở qui mô các cửa hàng nhỏ lẻ chứ chưa thể triển khai trên diện rộng ở mô hình chuỗi lên tới vài chục hoặc vài trăm cửa hàng.
“Đầu tư Giải pháp chuyên nghiệp và đi cùng với một đối tác nghiêm túc là điều kiện tiên quyết để các Doanh nghiệp kinh doanh chuỗi nhà hàng có thể mở rộng việc kinh doanh của mình mà không lo rơi vào trạng thái mất kiểm soát và vỡ hệ thống ở diện rộng”, ông James đưa ra lời khuyên.