Chuỗi siêu thị mini: “Cán cân” nghiêng về doanh nghiệp nội
Trước sự “đổ bộ” của hàng loạt nhà bán lẻ ngoại thời gian qua, nhiều người tỏ ra lo ngại doanh nghiệp bán lẻ trong nước sẽ bị “hụt hơi” trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của những tên tuổi mới.
- 28-09-2016Chuỗi siêu thị mini nào đang thống lĩnh thị trường Việt?
- 27-06-2016Siêu thị mini “mọc” như nấm, cửa hàng tạp hóa có bị “nuốt chửng”?
- 06-01-2016Siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi sẽ soán ngôi thị trường bán lẻ
Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất, những đơn vị đang có doanh thu lớn nhất từ các cửa hàng bán lẻ mini lại thuộc về những thương hiệu của Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt “lên ngôi”
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê và Nielsen, thị trường bán lẻ tại Việt Nam có khoảng 800 đại siêu thị/siêu thị, 150 trung tâm thương mại, 9.000 chợ truyền thống, 2.000 cửa hàng tiện ích/siêu thị mini và 1,3 triệu cửa hàng nhỏ lẻ của các hộ gia đình. Nhờ sự tham gia của các nhà bán lẻ lớn đến từ nước ngoài và dân số trẻ của Việt Nam (60% dân số dưới 35 tuổi) mà mô hình bán lẻ hiện đại có tốc độ tăng trưởng hàng năm kép trong 5 năm đạt hai chữ số.
Hiện tại, thị trường bán lẻ Việt Nam có 8 phân khúc chủ yếu có sự góp mặt của các nhà bán lẻ lớn gồm: Đại siêu thị/Trung tâm phân phối, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm phức hợp, siêu thị, siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi/cửa hàng chuyên dụng, siêu thị điện máy, bán lẻ trực tuyến và bán hàng qua truyền hình. Với đặc điểm về vốn, kinh nghiệm, các doanh nghiệp bán lẻ sẽ lựa chọn phân khúc riêng như Metro hay cố gắng hiện diện ở tất cả các phân khúc như Saigon Co.op hay Vingroup.
Trong đó, Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TPHCM hay Saigon Co.op dẫn đầu về doanh số và số lượng siêu thị. Theo thống kê đến thời điểm hiện tại của Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS), Saigon Co.op đang có doanh thu lớn nhất từ các cửa hàng bán lẻ với 3 chuỗi: Co.opXtra, Co.op Mart và Siêu thị Mini Co.op Food. Với tổng cộng 178 cửa hàng, doanh thu năm 2015 của Saigon Co.op từ mảng này là 25.000 tỉ.
Hiện doanh nghiệp này có mặt trên 7 phân khúc bán lẻ trừ siêu thị điện máy. Điểm đặc biệt là trên mảng đại siêu thị/trung tâm phân phối, Sài Gòn Co.op là doanh nghiệp Việt duy nhất cạnh tranh với tập đoàn Metro với Co.opXtra và Co.opXtra Plus cũng như hợp tác với đài truyền hình mở kênh bán hàng HTV Co.op.
Vài năm gần đây, Tập đoàn Vingroup cũng đẩy mạnh sang mảng bán lẻ bằng việc thâu tóm, sáp nhập các doanh nghiệp có sẵn trên thị trường. Chuỗi cửa hàng tiện lợi/siêu thị mini Vinmart + của Vingroup dẫn đầu về số lượng với 320 cửa hàng vào cuối năm 2015 và 825 cửa hàng vào cuối tháng 6.2016 mặc dù mới gia nhập thị trường từ năm 2015. Ngoài phân khúc đại siêu thị và bán lẻ qua truyền hình không tham gia, Vingroup có mặt ở các kênh bán lẻ khác từ trung tâm mua sắm phức hợp (3 trung tâm Vincom Mega Mall), 10 trung tâm mua sắm Vincom Center, 19 siêu thị Vinmart, 55 siêu thị điện máy VinPro/VinPro+ và kênh trực tuyến adayroi.vn.
Ngoài ra, các đối thủ chính về cửa hàng bán lẻ và siêu thị mini còn có B’s Mart (trước đây là Family Mart và hiện đã bị thâu tóm bởi DN Thái) với 146 cửa hàng, doanh thu ước tính khoảng 200 tỉ trong năm 2015; Satrafoods với 80 cửa hàng; 58 cửa hàng ministop, 210 cửa hàng Shop&Go và 178 cửa hàng tiện lợi Circle K.
Mức độ hài lòng đang có xu hướng giảm
Theo một khảo sát của TS. Phạm Nguyên Minh và TS. Lê Huy Khôi (Viện Nghiên cứu Thương mại), mặc dù sự hài lòng của khách hàng đối với hệ thống các siêu thị bán lẻ ở Việt Nam đã tương đối thỏa mãn với mức độ cao hơn nhiều so với các hình thức thương mại truyền thống khác. Tuy nhiên, mức độ hài lòng lại đang có xu hướng giảm.
Một trong những nguyên nhân được đưa ra là trong thời gian qua, công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa được bày bán trong các siêu thị bán lẻ còn chưa thực sự tốt. Do vậy, rất nhiều sản phẩm hàng hóa trong siêu thị là những hàng hóa không đảm bảo chất lượng như thông tin, quảng cáo; hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa giả nhãn hiệu, thương hiệu… Bên cạnh đó, chất lượng, giá cả, dịch vụ... của hàng Việt Nam đang thua kém rất nhiều so với hàng Thái Lan, Nhật Bản, Singapore… Việc yếu kém trong kết cấu hạ tầng phân phối và cơ sở hạ tầng hậu cần kho vận cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến sự thua kém của các công ty bán lẻ trong nước.
Theo đó, các chuyên gia này cho rằng, để tạo sự hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ của siêu thị cần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng. Bên cạnh đó, cần đào tạo, nâng cao thái độ, hành vi phục vụ khách hàng của nhân viên trong siêu thị. Điểm quan trọng là giải quyết một cách đầy đủ và thoả đáng khiếu nại, phàn nàn của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ của siêu thị.
Lao động